Du lịch trải nghiệm đồng quê với ưu thế là dựa hoàn toàn vào các sản phẩm nông nghiệp, mang lại nhiều giá trị độc đáo cho du khách và góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp của các vùng nông thôn. Thế nên, dù là cái tên còn khá mới mẻ, song loại hình du lịch này hiện đang là xu hướng được đông đảo khách du lịch lựa chọn, nhất là dòng khách quốc tế.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để khai thác “mỏ vàng” phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong cơ cấu ngành du lịch của tỉnh… Thực tế, vài năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp tại Thanh Hóa bước đầu được quan tâm, phát triển với nhiều mô hình nông nghiệp đã được xây dựng và đưa vào khai thác như: du lịch trải nghiệm đồng quê trên địa bàn TP Thanh Hóa, du lịch làng cổ Đông Sơn, vườn hoa Đông Cương, Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc; hay Nông trại Golden Cow, xã Lương Sơn (Thường Xuân); Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam – Thanh Tam BamBoo Ecopark (Thọ Xuân); Nông trại Ánh Dương (Yên Định); Nông trại dâu tây, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Sơn) và các mô hình nông nghiệp (rau sạch, quả sạch như dưa, cam, bưởi, ổi…) kết hợp với du lịch tham quan, mua sắm tại một số địa phương Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành… Ngoài ra, còn có loại hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng, gắn với trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số, chẳng hạn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bản Hiêu, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh)… Với lợi thế về diện tích đất rộng, thoáng, không gian sinh thái nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên nên các sản phẩm du lịch tại đây đã và đang thu hút đông đảo sự quan tâm của khách du lịch.
Những năm gần đây, khu nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queen Farm), thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) nổi lên như một cái tên đầy triển vọng trong việc phát triển du lịch theo xu hướng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Anh Trần Văn Tân, tổng giám đốc công ty, chia sẻ: Ngày nay, khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, thì xu hướng tìm về vùng quê, vùng nông thôn để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, khám phá đồng quê của khách du lịch ngày càng tăng. Do đó, việc phát triển các loại hình như du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn. Bởi vậy, ngoài việc quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản phẩm sạch cho người dân, Queen Farm còn chú trọng đến việc mở rộng đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch, giáo dục thu hút đông đảo du khách tới tham quan, học hỏi. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi mát với những luống rau xanh, được trải nghiệm trồng rau thủy canh, trồng dưa chuột baby, dưa lưới Taki và một số loại rau cao cấp như: rau chân vịt, cải xoăn Kale, rau Mizuna Nhật Bản… Cùng với đó, được tìm hiểu quy trình sản xuất thạch rau má, một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Queen Farm. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, Queen Farm đã chú trọng đầu tư xây dựng khu vực trưng bày sản phẩm, bố trí nguồn nhân lực du lịch để giới thiệu các mô hình cho khách tham quan… Từ phát triển du lịch nông nghiệp, Queen Farm có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu của mình. Bởi vậy, thời gian tới Queen Farm tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích khu nông nghiệp công nghệ cao và phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) được ví như viên ngọc xanh nơi núi rừng miền Tây Thanh Hóa. Nơi đây, không chỉ có khí hậu mát mẻ quanh năm, các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc vùng đồng bào dân tộc Thái, Mường, mà còn hút khách bởi những thửa ruộng bậc thang trên các sườn đồi. Chúng tôi tìm đến Pù Luông vào dịp tháng 6, vượt qua những đoạn đường uốn lượn quanh những triền núi nhấp nhô, Pù Luông hiện ra trước mắt như một bức tranh tuyệt đẹp, bình yên và thơ mộng. Vào dịp tháng 6, Pù Luông đẹp nao lòng bởi sắc vàng của lúa chín. Nếu đứng trên cao nhìn xuống thì Pù Luông không khác gì một biển vàng đang trào dâng sức sống. Vào mùa này, người dân địa phương sẽ dựng lên những chòi, điểm dừng chân ngay sát những thửa ruộng bậc thang để phục vụ du khách ngắm nhìn, nghỉ chân và check in. Với những lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, những năm qua Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Bá Thước đã quan tâm đầu tư, xây dựng, quy hoạch chi tiết các khu, điểm đến để phát triển đa dạng các loại hình du lịch tại Pù Luông như: Du lịch sinh thái – cộng đồng, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm đồng quê… Đặc biệt, để phục vụ tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch đến nay tại Pù Luông đã có 74 cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng, với 104 nhà sàn, 172 bungalow, 261 buồng, phòng, 1.100 giường; công suất đón khoảng 1.300 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Cùng với đó là tích cực bổ sung nguồn nhân lực phục vụ cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó, thương hiệu du lịch Pù Luông đã dần “định vị” trong lòng du khách cả trong nước và quốc tế.
Phải khẳng định rằng, du lịch trải nghiệm đồng quê dù là cái tên còn khá mới mẻ, song với ưu thế của mình là dựa hoàn toàn vào các sản phẩm của nông nghiệp, tạo nên môi trường vui chơi, học tập đa dạng, an toàn, bổ ích, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Thế nên, vài năm trở lại đây loại hình du lịch này đã và đang được quan tâm đầu tư, phát triển và dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch của Thanh Hóa. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch này vẫn mang tính tự phát, chưa có chiến lược dài hơi, các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch mới chỉ “có gì dùng nấy” chứ chưa đa dạng, phong phú. Bởi vậy, để phát huy được tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp, cần có một “cú huých” mạnh mẽ, phù hợp. Đặc biệt là cần phải có sự liên kết, có chiến lược kinh doanh giữa các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá đến đông đảo khách du lịch. Đồng thời, để tiếp tục hỗ trợ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng cơ chế, chính sách và điều kiện cho các địa phương, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp, quan tâm đầu tư mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích thiết thực của việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt