Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid đã có phần được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh đã dần quay trở lại hoạt động. Ngành du lịch Việt Nam cũng đang có dự định hoạt động trở lại trong thời gian tới và dự kiến sẽ bùng nổ sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch Covid. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt được thời cơ nên đã dự định đầu tư vào ngành du lịch tại Việt Nam. Naci Law nhận được nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư với nội dung cơ bản như: “Nhà đầu tư nước ngoài có được đầu tư kinh doanh du lịch tại Việt Nam không? Ngành du lịch có điều kiện kinh doanh gì không? Công ty nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành có được lập chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam được không?”. Dưới đây, Naci Law xin đưa ra một số ý kiến tư vấn cùng với các quy định pháp luật có liên quan.
- Nhà đầu tư nước ngoài có được đầu tư kinh doanh du lịch tại Việt Nam không?
Theo quy định tại Biển cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO thì nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh dịch vụ Đại lý lữ hành và Điều hành tour du lịch (CPC 747), cụ thể:
- Hình thức đầu tư liên doanh với đối tác Việt Nam.
- Phạm vi hoạt động: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ đưa khách quốc tế vào Việt Nam (Inbound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của du lịch đưa khách vào du lịch Việt Nam; không được kinh doanh dịch vụ đưa khách du lịch từ Việt Nam ra nước ngoài (Outbound).
- Hướng dẫn viên trong trong tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Du lịch 2017 thì nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy định của Luật Du lịch 2017 đã có phần mở rộng hơn Luật Du lịch 2005 ở nội dung đối tác Việt Nam tham gia liên doanh không bắt buộc phải có Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, mà theo quy định thì chỉ có tổ chức mới được cấp Giấy phép này. Cũng chính vì vậy, mà theo quy định mới, đối tác tham gia liên doanh ngoài tổ chức ra còn có thể là các cá nhân.
Từ các quy định nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn được phép đầu tư kinh doanh du lịch lữ hành tại Việt Nam với hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam, được thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Inbound).
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn một trong hai hình thức đầu tư sau để thành lập công ty liên doanh kinh doanh du lịch tại Việt Nam:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế kinh doanh dịch vụ lữ hành, để có thể đi vào hoạt động thì tổ chức kinh tế phải xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo quy định.
Để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, tổ chức kinh tế kinh doanh dịch vụ lữ hành cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: Chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện trên nộp hồ sơ lên Tổng cục du lịch để xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
- Quy trình thực hiện đầu tư kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.
Bước 1: Liên doanh với đối tác Việt Nam thực hiện thủ tục đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư, có thể lựa chọn một trong hai hình thức đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Bước 2: Đăng ký công ty liên doanh kinh doanh dịch vụ lữ hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Bước 3: Xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại Tổng cục du lịch.
- Lập chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Theo quy định tại Biển cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO và quy định của Luật Du lịch 2017 thì hiện tại, Việt Nam chưa cho phép thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam, mà chỉ cho phép thành lập văn phòng đại diện.
Để thành lập được văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ.
Thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài thuộc Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh/thành phố thực hiện.
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lư hành muốn mở chi nhánh tại Việt Nam sẽ phải tiến hành xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
TRAN DUC THIEN
(Legal Consultant)