Trekking rừng rậm – giải tỏa nỗi lo bị vắt cắn
Bạn quan ngại điều gì khi đi trek rừng rậm? Có phải là bị vắt cắn không? Đừng lo vì Tổ Ong có những giải pháp phòng và trị vắt cắn dành cho bạn đây.
Trekking rừng rậm (Photo by Baihaki Hine on Unsplash)
Trekking rừng sâu luôn tiềm tàng những hiểm nguy. Một trong số đó là nỗi lo bị côn trùng, đặc biệt là vắt cắn. Những vết thương do vắt gây ra tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến hành trình của bạn. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Tổ Ong tìm hiểu cách để đối phó với vắt khi trekking nhé.
1. Đôi nét về loài vắt
Vắt là loài hút máu giống đỉa, có chiều dài từ 2-5cm. Chúng có giác bám ở phần đầu và đuôi và một khi đã bám thì rất khó để rút. Vùng hút máu ưa thích của chúng là các vùng nhiệt cao trên cơ thể như cổ, bắp tay, bắp chân, đùi, bụng…
Vắt rừng hoạt động mạnh nhất trong hai khung giờ: 5-8 giờ sáng và 5-7 giờ tối. Chúng sinh trưởng mạnh trong điều kiện ẩm ướt của rừng rậm, nhiệt độ từ 25-28°C.
Khi đi trong rừng, nếu thấy vắt bám lên quần áo thì phải phủi chúng đi ngay. Thông thường vắt mất tầm 1 phút để cắn, và thêm 2-3 phút để bắt đầu hút máu. Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ thấy ngứa ngáy ở khu vực vắt bám. Sau đó bạn sẽ không còn ngứa nữa mà cảm thấy nhồn nhột tại nơi bị cắn do vắt bắt đầu hút máu. Lúc này sẽ rất khó để cầm máu. Vì thế, bạn hãy hết sức để ý.
2. Vắt cắn có độc hay không?
Vắt đất hay vắt lá không có độc tố mạnh. Vết cắn của chúng gây ngứa nhẹ và không ngừng chảy máu. Tuy nhiên trong tuyến nước bọt của vắt thường sẽ có vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng.
3. Đề phòng bị vắt cắn
Chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi (Photo by Oriol Pascual on Unsplash)
Phòng vẫn hơn là chữa. Để chuẩn bị cho một chuyến trekking rừng rậm, bạn nên chuẩn bị thật kỹ càng những điều sau.
Chọn lộ trình ít vắt và hạn chế trekking vào mùa mưa
Bạn nên tìm hiểu lộ trình mà mình sẽ đi qua. Có thể tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước hoặc đi theo tour để chọn ra cung đường ít vắt nhất. Ngoài ra, thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện lý tưởng cho vắt rừng sinh trưởng. Một bụi rậm ven đường, một hốc đá ẩm mốc cũng có thể là nơi trú ngụ cho loài vật này. Bạn hãy hạn chế đi trek vào mùa mưa. Thay vào đó đi tiết trời khô ráo sẽ an toàn hơn cho bạn.
Nếu bạn vẫn muốn chinh phục những cung đường có vắt thì Tổ Ong sẽ hướng dẫn cho bạn bí quyết sau. Một bí quyết mà không phải ai cũng biết. Đó là luôn đi đầu tiên trong đoàn vì vắt thấy động trên đất mới bắt đầu chui ra. Lúc này bạn đã đi qua trước khi chúng kịp bò lên người bạn. Còn những người đi sau, bạn hiểu rồi đấy.
Chuẩn bị trang phục:
Chọn trang phục dài, sáng màu, ôm sát cơ thể. Ưu tiên chất liệu nilon vì vắt sẽ không di chuyển được quá xa trên bề mặt này. Che kín cổ, cổ tay, cổ chân, thắt lưng vì vắt có thể chui vào cơ thể thông qua các khoảng hở. Bạn nên ưu tiên dùng tất chống vắt (một loại ống bao phủ từ cổ chân đến ngang đùi, có dây thun buộc chặt hai đầu).
Bôi thuốc chống vắt
Dù cho bạn có mặc quần áo kín đến đâu thì vắt vẫn có thể chui vào người thông qua các kẽ hở. Do đó, bạn cần bôi thuốc chống vắt toàn thân. Các loại thuốc phổ biến hiện nay là thuốc DEET, DEP để diệt côn trùng nói chung. Dùng thuốc dạng để xịt trong giày và trang phục bên ngoài. Thuốc sẽ hết tác dụng sau một thời gian, bạn hãy bôi lại định kỳ.
Chọn lều chống thấm, có lưới ngăn côn trùng
Một chiếc lều chất liệu tốt sẽ giúp bạn có được khoảng thời gian nghỉ ngơi chất lượng. Ưu tiên các loại lều không thấm nước và có lưới để ngăn vắt hay các côn trùng khác xâm nhập nhé.
Chọn nơi nghỉ chân, hạ trại khi trekking
Một điều nữa cần lưu ý khi trekking là hạn chế ngồi nghỉ trong rừng, đặc biệt là những khu vực rậm rạp, ẩm ướt. Vì đây là nơi trú ngụ của vắt. Nếu muốn nghỉ ngơi, trekker hãy chọn bề mặt không có lá khô, nhiều cây cỏ và trải một lớp thảm chống thấm để lót.
Nơi hạ trại cũng tương tự, bạn phải chọn nơi thoáng đãng. Trước khi hạ trại, bạn hãy xịt thuốc, đốt lửa để xua đuổi vắt cũng như các loại côn trùng khác.
Chất lượng lều và nơi hạ trại cũng cần được lưu ý
4. Cách xử lý khi bị vắt cắn
Loại bỏ đầu hút của vắt
Nếu phát hiện bị vắt cắn, trekker cần ngay lập tức dùng đầu ngón tay miết sát vào da, loại bỏ đầu hút của vắt (đầu nhỏ) và phủi chúng ngay. Nếu không, chúng sẽ tiếp tục bám vào người.
Bạn có thể mua chai chai xịt muỗi remos để xịt khi bị chúng cắn, chỉ cần xịt 2 lần, vắn sẽ tự động nhả ra và rụng xuống
Không nên dùng muối hay lửa
Quả thật muối và lửa sẽ khiến vắt từ từ nhả ra. Tuy nhiên, cách này có thể khiến vắt phun máu ngược trở lại vết thương, gây nhiễm trùng.
Cầm máu
Khi hút máu, vắt sẽ bơm vào cơ thể người một chất chống đông máu, khiến máu chảy từ vết cắn không ngừng. Bạn hãy dùng ngón tay bịt miệng vết thương một lúc để cầm máu hoặc dán băng cá nhân, nhưng đừng quên rửa sạch hoặc sát trùng vết cắn.
Sát trùng
Khi đi trekking rừng rậm, bạn hãy luôn mang cho mình một bộ sơ cứu cá nhân. Dùng dung dịch sát trùng rửa nhẹ nhàng vết thương và cách ly bằng băng keo y tế. Kiểm tra vết cắn sau mỗi 1 giờ nếu thuận tiện.
Hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp
Với những chia sẻ trên đây, Tổ Ong hy vọng bạn sẽ không còn phải bận tâm bị vắt cắn trong chuyến trekking của mình nữa. Chúc các bạn có những trải nghiệm tuyệt vời với thiên nhiên.
Gợi ý bạn đọc:
Tham khảo Tour Trekking Bi-doup tại Tổ Ong Adventure
10 loại nấm độc khi trekking xuyên rừng quốc gia Việt Nam
Xác định phương hướng cùng 4 bí quyết khi lạc trong rừng