Sau dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, gia đình 4 người và một chú chó của anh Phạm Quốc Tuấn (36 tuổi) và chị Bùi Thúy (30 tuổi) ở Vũng Tàu khởi hành chuyến đi “vô gia cư”. Tất cả đồ đạc họ mang theo là 2 chiếc xe đạp và một xe kéo nhỏ chở đồ, tấm pin năng lượng mặt trời để lấy điện, dụng cụ cắm trại, đèn pin dã ngoại, thiết bị quay phim, chụp hình và một số sách vở cho con gái 2 tuổi rưỡi và con trai gần 5 tuổi.
Chuyến đi của họ bắt đầu từ vùng biển Long Hải với điểm đến đầu tiên là suối Tiên ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Hơn nửa tháng, họ đã đi được hơn 200 km và hiện có mặt tại huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng.
Hành trình của gia đình không có đích đến, phần lớn các điểm đều được bạn bè, người thân của hai vợ chồng giới thiệu là nơi con có thể vui chơi học tập như nông trại, vườn cây trái, ven suối, bên hồ… Trên đường đi, họ dừng ở bất cứ đâu nếu thấy mệt hoặc bị ấn tượng bởi khung cảnh đẹp.
Anh Tuấn chia sẻ, từ các đợt giãn cách do Covid-19 trước đây, khi các con ở nhà cùng bố mẹ thay vì đến trường, anh nhận thấy hai bé rất dễ học theo những thói quen xấu của bố mẹ như ngồi hàng giờ trước điện thoại, máy tính… nhưng cũng dễ tiếp thu những kỹ năng như nấu cơm, rửa chén bát, giặt đồ…
Đặc biệt, sau một biến cố về tài chính, anh Tuấn nhận ra mình cần thay đổi cuộc sống để tận hưởng hạnh phúc, khám phá nhiều điều mới lạ, thay vì bị cuốn theo vòng xoáy công việc, kiếm tiền mà mất đi thời gian bên con. Để chuẩn bị cho chuyến đi dài, vợ chồng anh bán hết tài sản mình có như nhà cửa, xe cộ, các thiết bị công nghệ hiện đại để đổi lấy cuộc sống tối giản hơn.
Chị Thúy cho biết, đây cũng là điều chị nhận thấy sau nhiều năm “quẩn quanh” với nghề cô giáo mầm non, mỗi ngày làm đủ 8 tiếng. Trong Covid-19, sau khi có nhiều thời gian hơn để đọc sách, tìm hiểu các phương pháp nuôi dạy con tại nhà và trò chuyện, làm bạn với con, chị quyết định không cho con tới trường học nữa.
“Cá nhân mình nhận thấy, cho con ở nhà tự do học tập, làm việc mình thích sẽ tốt hơn việc cứ mỗi 7h sáng thức dậy để đến trường, học tập theo thời gian biểu dù không biết có tiếp thu được hay không. Cùng độ tuổi, nhiều bạn đi học vẫn cần cô trợ giúp ăn uống, vệ sinh cá nhân nhưng con mình đã có thể tự chăm sóc, thậm chí giúp đỡ bố mẹ”, chị nói.
Trong hơn một năm qua, vợ chồng anh Tuấn đã cho các con tập luyện bằng các chuyến đi gần bằng xe đạp để khám phá thiên nhiên, gặp gỡ các bạn bè ở mọi vùng miền. Họ nhận ra khi con được ra ngoài cũng ít hơn các trận ốm vặt. Dù tuổi còn nhỏ, hai bé đã có thể leo núi, tắm suối…
Thay vì dạy con bằng cách áp đặt như trước kia, họ trở thành “người bạn lớn” để lắng nghe và cho con lựa chọn những điều mình thích. Tuy nhiên, các chuyến đi không chỉ là dịp để các bé vui chơi mà họ cũng luôn tạo môi trường học cho con bằng cách bố mẹ cùng con đọc sách, dạy con làm toán với trái cây trong vườn, học ngoại ngữ cùng những người bạn nước ngoài… Đến nay, con trai lớn chưa tròn 5 tuổi đã thành thạo các mặt số, biết làm toán và đọc.
Suốt chuyến đi họ nhận thấy con học được rất nhiều kỹ năng như tự tin hơn khi gặp người lạ, có thể leo núi, đá bóng, đặc biệt chúng có một tuổi thơ mà không phải đứa trẻ thành phố nào cũng có được như những lần tắm suối, xem nuôi dâu tằm, tìm hiểu cách ong làm mật, gặp gỡ những người bạn ở nông thôn…
“Việc dạy con cũng là cơ hội để bố mẹ sửa chính bản thân mình. Trước đây, mình có rất nhiều nỗi sợ như phải ngủ ngoài đường, đạp xe qua đèo nhưng khi đã vượt qua được thì thấy mọi việc không quá ghê gớm”, chị Thúy nói.
Anh Tuấn, chị Thúy cho biết hiện dù có nhiều người phán xét cách sống và nuôi dạy con của họ nhưng gia đình và bạn bè luôn ủng hộ, hỗ trợ. Vì vậy họ cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
Gia đình chị hiện chưa có dự định quay trở lại cuộc sống trước kia nhưng nếu con thích và lựa chọn học ở trường, anh chị sẽ đáp ứng. Gia đình hiện nay vẫn có những thu nhập từ công việc online của anh Tuấn, ngoài ra họ cũng dạy con làm vlog trên YouTube trong chuyến đi. Tuy nhiên cả hai quan niệm chỉ làm vừa đủ để có chi phí trang trải cuộc sống.
Lan Hương