Nhiều vụ tai nạn khi đi phượt bằng xe tay ga, lúc đổ đèo và bị mất phanh khiến nhiều người tranh cãi về việc có nên đi phượt bằng xe tay ga hay không
NGUỒN: PXV
Khuyên đi xe tay ga không sao là vô trách nhiệm?
Mới đây anh Phạm Thanh Tùng (sống tại Đà Nẵng) đã đăng bài chia sẻ trên một hội nhóm đi phượt về quan niệm của anh trong việc đi phượt bằng xe tay ga. Anh Tùng đã chia sẻ: “Có nên đi phượt bằng xe tay ga? Đây là câu hỏi khá phổ biến trong các nhóm phượt mà các bạn mới đi phượt đặt ra trước một chuyến đi. Không ít câu trả lời là thoải mái đi, biết cách đi thì vô tư nhé rồi dẫn chứng tôi, bạn tôi… đã đi Tây Bắc, Đông Bắc bằng xe tay ga, có sao đâu… Đó là những câu trả lời dựa trên trải nghiệm may mắn. Mình thì thấy nó khá vô trách nhiệm. Lời khuyên của mình: Không nên! Còn việc lựa chọn là của bạn”.
Bài viết của anh Tùng có đăng kèm những hình ảnh về vụ một cặp đôi gặp nạn khi đổ đèo Tam Đảo bằng xe tay ga
Rồi anh Tùng dẫn chứng vụ mới nhất là đổ đèo Tam Đảo, cặp đôi đi xe tay ga gặp nạn. Rất may có người dân hỗ trợ kịp thời đã được đưa đi cấp cứu. Thứ nhất, xe số thông thường cho phép về số thấp để phanh bằng động cơ thì xe tay ga lại không thể làm được điều này. Hầu hết người đi xe tay ga giảm tốc độ khi xuống dốc bằng cách rà phanh. Điều này làm hệ thống phanh nóng dần lên và tới một nhiệt độ nào đó hệ thống phanh sẽ hoàn toàn mất tác dụng. Xe tay ga vẫn có thể sử dụng sức ghì của động cơ để giảm tốc độ xe. Dù sao việc hãm tốc độ đổ đèo ở mức an toàn cũng khó hơn so với xe số. Thứ hai, xe ga có thể đứt cả 2 dây phanh (xe số có phanh chân, rất khó xảy ra đứt phanh sau). Thứ ba, theo thực tế, tỷ lệ gặp nạn khi xuống dốc của xe ga cao hơn xe số nhiều lần.
“Việc biện minh dân bản địa vẫn chạy xe tay ga ầm ầm là ngụy biện. Đường đèo dốc, quanh co, bạn không biết được phía trước là gì. Còn dân bản địa chạy hàng ngày trên đường đó, thông thuộc, biết rõ đường như lòng bàn tay và quãng đường cũng ngắn hơn”, anh Tùng nhìn nhận.
Anh Tùng (áo cam) trong những lần đi phượt ở những cung đường hiểm trở
NVCC
Sau những chia sẻ của anh Tùng, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Người đồng tình hoàn toàn với quan điểm của anh Tùng và cho rằng “Xe tay ga được thiết kế đi trong nội thành thôi còn trèo đèo lội suối là xe số”. Hay một thành viên có tên Manh Vu thì bình luận: “Đúng! Nói đi xe ga không sao là vô trách nhiệm, là ích kỷ! Vì không phải ai cũng có kỹ năng tốt”.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng: “Do mình chạy thôi đừng đổ thừa xe”, hay có bình luận rằng: “Với tôi xe tay ga hay xe số đều như nhau, nó chỉ là phương tiện và mình cần làm chủ nó”.
Xe nào cũng có thể bị tai nạn nhưng xe tay ga rủi ro cao hơn
Chia sẻ với người viết, anh Tùng cho biết năm 2020 anh đã từng đi phượt 63 tỉnh thành trong vòng 3 tháng và anh cũng có một nhóm thường xuyên tổ chức đi phượt và anh luôn khuyến cáo anh em không đi xe tay ga.
“Có chuyến đó, một bạn mới gia nhập vào nhóm, chạy xe tay ga và bị té ở đèo A Co Thừa Thiên Huế và đã sống đời sống thực vật. Một phần do bạn trẻ hiếu thắng, không nghe lời, vượt qua trưởng đoàn (là mình), vượt quá tốc độ khi đổ đèo cộng thêm xe tay ga mất phanh. Rồi trong những chuyến đi phượt của mình, dọc đường núi phía Bắc từng gặp khá nhiều vụ té xe của các bạn đi phượt, đa số là xe tay ga và mình nhiều lần trợ giúp”, anh Tùng kể và khẳng định xe nào thì cũng có thể tai nạn, nhưng rủi ro từ xe tay ga luôn cao hơn xe số.
Theo anh Tùng xe tay ga chỉ đi những đoạn đường gần, không đèo dốc, còn đi phượt đèo núi thì không nên đi xe tay ga
NVCC
Là một người chuyên đi phượt và là thành viên sáng lập nên hội phượt “Ờ! Phượt đi”, Nguyễn Tuấn Anh cho biết thường thì xe tay côn hoặc xe số sẽ dễ kiểm soát được độ trôi của xe khi xuống dốc (thông qua việc về số thấp ghì máy) hoặc tăng độ mạnh của máy khi lên dốc. Đối với xe tay ga sẽ không thể tạo lực đẩy mạnh mẽ như xe côn hay xe số khi lên dốc và đặc biệt hơn khi xuống dốc, xe tay ga chỉ có thể bóp thắng để ghìm độ trượt dốc của xe. Nhiều tuyến đường dốc kéo dài sẽ dẫn đến trường hợp cháy bố thắng làm cho hiệu quả của thắng xe trở về 0.
“Nên lâu lâu mọi người sẽ thấy trường hợp xe tay ga mất lái khi đổ đèo vì thắng xe không hoạt động khi thắng hoạt động quá nóng. Bản thân Tuấn Anh có nhiều tuyến đường trong miền Nam cũng đi xe tay ga và gặp phải hoàn cảnh cháy bố thắng xe tay ga khi dổ dốc ở chùa Linh Quy Pháp Ẩn, Lâm Đồng. Rất may mắn là chuyển sang dùng chân để thắng lại trước khi rớt xuống dốc. Hay cách đây 1 ngày (5.8), mình đi đảo Lý Sơn, bạn của mình thuê 1 chiếc xe tay ga và khi đổ dốc thì gặp cát. Bánh xe tay ga nhỏ nên dẫn đến việc té xe do mất kiểm soát lái vì trượt bánh”, Tuấn Anh kể.
Chính vì thế, Tuấn Anh khuyên: “Nếu đi phượt vào mùa mưa, đèo dốc thì lựa chọn xe tay ga không phải là tốt. Hãy cân nhắc xe số hoặc phương tiện bạn quen sử dụng nhất khi đến cung đường mới lạ”.
Nếu trang bị kỹ năng tốt thì phượt bằng xe tay ga là trải nghiệm tuyệt vời
Còn chàng trai Nguyễn Đức Thắng (26 tuổi, sống tại Hưng Yên) thì nhận định: “Bản thân tôi phượt xuyên Việt 2 lần đều bằg xe tay ga. Cung Tây Bắc, cung Tây Nguyên là 2 chặng nguy hiểm nhất. Quan trọng là kỹ năng. Nên ý kiến cá nhân tôi thì nếu trang bị kỹ năng tốt thì đi xe tay ga vẫn là 1 trải nghiệm tuyệt vời”.
Với Nguyễn Đức Thắng nếu trang bị kỹ năng tốt thì đi xe tay ga vẫn là 1 trải nghiệm tuyệt vời
NVCC
Trao đổi với người viết, Thắng cho rằng bản thân thấy đi phượt bằng xe tay ga cũng rất tốt. Theo Thắng phượt đường dài và đi những cung đường đèo núi nhiều thì trước khi bắt đầu chuyến đi nên bảo dưỡng máy, hệ thống tín hiệu như đèn, xi nhan… và đặc biệt nhất là hệ thống phanh và dây curoa.
“Đi xe tay ga chúng ta giảm đi được rất nhiều thao tác điều khiển. Ví dụ như lên xuống số và bóp côn là xe tay ga không cần đến. Đi đường dài giảm được các thao tác điều khiển xe nhiều thì đỡ mệt cho lái xe hơn. Vấn đề có đi phượt bằng xe tay ga không là chủ yếu nói về việc đi đường đèo núi”, Thắng chia sẻ.
Thắng đã 2 lần đi phượt xuyên Việt bằng xe tay ga
NVCC
Và anh chàng cho biết xe tay xa và xe số có đặc điểm khác biệt lớn nhất khi chạy đường đèo dốc quanh co. Hệ thống xe số thì khi đi đường đèo dốc ta áp dụng phương pháp “lên số nào xuống số đó”. Khi xuống dốc để số nhỏ thì quán tính của xe trôi xuống đa phần được hệ thống hộp số ghìm lại, còn được gọi là phương pháp phanh số. Còn xe tay ga đi cũng tương tự như vậy. Nhưng do ít người biết cách để xe được hệ thống chuyển động ghì lại. Đa phần để xe trôi ở trạng thái tự do và chỉ dùng phanh để hãm chuyển động của xe.
“Xe tay ga xác xe rất nặng và to nên khi để trôi tự do đà quán tính của nó rất lớn. Nếu không biết cách phanh động cơ thì rất nguy hiểm. Và điều đặc biệt nhất khi đi đèo dốc là những khúc cua gấp. Nếu người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ thì sẽ gây ra hiện tượng văng cua”, Thắng khẳng định.
Rồi Thắng khuyên: “Các bạn trẻ vẫn có thể đi phượt bằng xe tay ga được bình thường. Nhưng đặc biệt lưu ý vấn đề đi đường đèo dốc là phải cẩn thận. Không được chủ quan, quá tin tưởng vào hệ thống phanh của xe mình, để tránh bị những tai nạn không mong muốn. Khi đi đường đèo dốc thì phải đi chậm và tìm hiểu về kỹ thuật đi đường đèo dốc”.