- Chàng trai Việt và những điều ‘tột cùng’ khi lần đầu đến Ấn Độ
- Chàng trai Tiền Giang vòng quanh thế giới xin visa như thế nào?
Ba lô trên vai, Anissa Syifa Adriana, người Indonesia quyết định bỏ mọi thứ sau lưng, bắt đầu hành trình mơ ước của mình khi mới 24 tuổi. Điều đáng nói là cô chỉ có 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) trong túi để trang trải chuyến đi. Và trong một năm qua, Syifa đã ngang qua nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Myanmar và Trung Quốc.
Vượt qua trở ngại tài chính
Làm việc trong một công ty nhà nước với mức lương 200 USD/tháng từ năm 2014, đến năm 2016 Syifa tích lũy được gần 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng), số tiền được cho là quá ít cho một chuyến đi dài hơi.
Để giải quyết vấn đề này, cô quyết định vừa đi vừa làm. Syifa tìm việc ở nơi sắp đến qua mạng để trang trải chi phí. Vượt lên sự sợ hãi trước khó khăn tài chính và đối mặt với một hành trình bất định vì không biết mình phải làm việc ở mỗi nơi bao lâu mới có thể tiếp tục lên đường đến điểm tiếp theo, Syifa rời Indonesia, đến với thế giới.
Với cô, việc quan trọng nhất không phải là vấn đề tài chính mà là sự dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn, đi đến vùng đất mới. Syifa cho rằng cuộc sống là một chuyến phiêu lưu, hoặc sẽ không là gì cả.
Làm thêm tích lũy nhiều kinh nghiệm
Làm thêm ở những đất nước xa lạ và xin ngủ nhờ tại nhà người chưa hề quen biết qua couchsurfing là những trải nghiệm thú vị của Syifa. Cô được nhận mức lương 500 USD (khoảng 11,5 triệu đồng) cho 6 tuần làm việc trong một hostel ở Kuala Lumpur, Malaysia. Tuy công việc có vẻ nhàm chán nhưng cô vẫn vui vẻ vì có cơ hội gặp nhiều du khách quốc tế mỗi ngày.
Syifa có nhiều cơ hội kết bạn với cả chủ nhà lẫn những người đi “bụi” khác mỗi khi được ngủ nhờ. Đặc biệt, phần lớn họ chưa từng có bạn theo đạo Hồi nên ban đầu hơi e ngại, tuy nhiên khi gặp nhau, trò chuyện, chia sẻ, mọi người dần hiểu và quý mến nhau.
Một trải nghiệm đáng nhớ khác là làm tình nguyện viên trong trường quốc tế ở Chiang Mai. Ngày đầu tiên, Syifa đến trường nhưng không đội hijab (khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo) và thông báo cho các học sinh sẽ có một người Hồi giáo tham gia sự kiện. Hôm sau, nhiều học sinh bất ngờ vì cô chính là người Hồi giáo mà họ đang mong chờ. Cả nhóm bắt đầu thảo luận và nhận ra rằng tất cả mọi người đều giống nhau, bất kể tôn giáo hay chủng tộc.
Du lịch một mình khiến Syifa hiểu bản thân mình hơn
Điều cô học được nhiều nhất từ chuyến đi chính là hiểu và khám phá những điểm mới lạ của bản thân. Cô chia sẻ đi càng nhiều, cô càng quên mất trước kia mình như thế nào, vì thế mà vượt qua giới hạn của bản thân lúc nào không hay.
Trước khi khởi hành, Syifa từng lo lắng rằng 1.000 USD thậm chí không đủ để cô trang trải trong 4 tháng. Tuy nhiên khi tài chính càng ngày càng cạn kiệt lại cảm thấy điều đó không đáng sợ như cô tưởng. “Thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng”, sẽ có cách để xoay trở tiếp tục chuyến đi. Cứ thế, Syifa rong ruổi cả năm trời.
Một trong những trải nghiệm khó quên nhất là chuyến phượt xe máy trên quãng đường dài khoảng 900 km ở Việt Nam. Sau năm ngày tự cầm lái, da cô bị cháy nắng, tay run, lưng và đùi đau nhức, mệt mỏi nhưng lại rất phấn khích khi được ngang qua những cung đường đẹp, khiến cô yêu Việt Nam hơn. Chia sẻ với Ngoisao.net, Syifa dự định cùng bạn trai quay lại Việt Nam vào tháng hai năm sau để thực hiện thêm một chuyến phượt xe máy xuyên Việt nữa.
Du lịch một mình có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn, nhưng Syifa lại thích sự cô đơn đó. Bởi cô có dịp trò chuyện với chính mình, khám phá thế giới nội tâm, hiểu được mong muốn đích thực của trái tim.
Qua chuyến đi, Syifa biết được giới hạn, sức chịu đựng của bản thân khi tự mình giải quyết những khó khăn trên đường, cô nhận ra rằng mình đã mạnh mẽ như thế nào. Nếu tự tin khi làm bất cứ việc gì, không chùn bước thì khó khăn mấy cũng có thể bước qua.
Kết thúc chuyến đi bằng cách sống và làm việc ở một quốc gia khác
Như nhiều phượt thủ thực hiện chuyến đi dài ngày khác, cô xin visa kiểu cuốn chiếu nên đến Việt Nam, Syifa mới xin thị thực Trung Quốc.
Tháng 1/2017, Syifa dừng chân ở Trung Quốc, làm giáo viên thời vụ dạy tiếng Anh cho trẻ em để kiếm tiền. Cô chia sẻ Trung Quốc không phải là quốc gia dễ sống đối với cô vì khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên khi đã hòa nhập và hiểu hơn thì Syfia cảm thấy thích đất nước này. Cuối cùng cô quyết định xin visa việc làm và dừng chân ở Ngân Xuyên, trở thành một giáo viên tiếng Anh.
Hiện tại, Syifa đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Việc thay đổi từ chuyện đi phượt thành sống ở một đất nước lạ lẫm là một thử thách lớn. Tuy nhiên, việc đó không khiến người có tinh thần lạc quan như Syifa e ngại. Cô cảm thấy ổn với cuộc sống ở môi trường mới, công việc mới.
Đừng sợ, đừng đặt ra giới hạn cho bản thân
Syifa học được hai điều cần thiết nếu muốn đi du lịch một mình, đó là sự dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn và sẵn sàng đón mọi thử thách. Không cần lo ngại quá nhiều về đất nước hay vùng đất bạn sẽ đặt chân đến, bởi những chuyến đi sẽ giúp bạn trưởng thành và thích nghi với môi trường ở đó. Lên đường không sợ hãi, không đặt ra giới hạn cho chính mình thì bạn chắc chắn vượt qua mọi rào cản và sẽ thành công.
Video Syifa ở Sài Gòn
Vi Yến(Video & Ảnh: Anissa Syifa Adriana)