Phượt Tây Bắc nghe thì rất hấp dẫn và thú vị nhưng lại ít có ai biết được rằng với địa hình đèo núi hiểm trở của cung đường Tây Bắc, không phải ai cũng đủ bản lĩnh và can đảm chinh phục vùng đất này khi chưa nắm vững kinh nghiệm trong tay. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có kinh nghiệm hơn nhé.
Kinh nghiệm phượt Tây Bắc bằng xe máy
Đi phượt Tây Bắc đang là địa điểm được nhiều dân phượt ưu ái lựa chọn để trải nghiệm xua tan đi những áp lực từ cuộc sống. Bạn là một người trẻ có niềm đam mê khám phá những vùng đất mới lạ. Tây Bắc là sự lựa chọn sáng suốt với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phong trần mà không kém phần quyến rũ du khách.
Phượt Tây Bắc bằng xe máy sẽ là trải nghiệm khó quên mà bạn nên thử ít nhất 1 lần trong đời. Nếu như không tiện đem theo phuong tiện cá nhân, bạn có thể thuê xe máy Hà Giang để chinh phục những cung đường phượt đầy thử thách. Cùng theo chân mình để nắm gọn trong tay những kinh nghiệm nên biết khi phượt Tây Bắc bằng xe máy để có một chuyến đi thú vị hơn nhé.
Top 5 cung đường hấp dẫn cho dân phượt Tây Bắc
Tây Bắc là địa phận nối liền giữa các mạch núi và sông vì vậy đường lên Tây Bắc được nhiều phượt thủ đánh giá là khó đi và nguy hiểm. Làm sao để lựa chọn được một cung đường thuận tiện mà tiết kiệm thời gian và chi phí? Cùng theo dõi những cung đường mà tôi đã trải nghiệm sau đây xem có lựa chọn được cung đường nào không nhé.
Lào Cai – Đèo Ô Quy Hồ – Lai Châu
Đèo Ô Quy Hồ thực tế hay còn được gọi là đèo Hoàng Liên Sơn là một trong những cung đường đèo dài và hiểm trở nhất trong những cung đèo tại Tây Bắc. Nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, hiện nay con đèo này vẫn giữ kỷ lục “vua đèo Tây Bắc” với độ dài gần 50km.
Phượt qua cung đường này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Hoàng Liên, thác Bạc và Cổng trời. Ở độ cao 2035m, Ô Quy Hồ được xếp vào tứ đại đỉnh đèo Việt Nam.
Đèo Mã Pí Lèng
Mã Pí Lèng nằm ở vùng núi phía Đông Bắc được mệnh danh là Vạn Lý Trường Thành Việt Nam thuộc địa phận Đồng Văn Hà Giang. Mã Pí Lèng được ví như sợi dây chỉ vắt ngang lưng chừng núi với độ dài 20km, độ cao 1.200m.
Mặc dù là con đèo ngắn nhất nhưng Mã Pí Lèng vẫn được ưu ái xếp vào “Tứ đại hùng đèo” và là đỉnh đèo đẹp nhất so với ba đèo còn lại Ô Quy Hồ, Pha Đin và Khau Phạ.
Điện Biên – Pha Đin – Sơn La
Đèo Pha Đin được mệnh danh là nơi khung cảnh chốn bồng lai với những áng mây trắng bồng bềnh bao quanh. Đây là con đèo có nhiều cung đường cua nguy hiểm nhất với bán kính đường cong chỉ dưới 15m.
Đỉnh đèo là mây bao quanh núi, dưới chân là nhà dân lác đác tạo nên bức tranh tiên cảnh, nếu như trải nghiệm phượt qua cung đường này, chắc chắn sẽ rất thú vị đấy.
Mường Nhé – Điện Biên
Một trong những điểm đặc biệt của cung đường này là trời sáng rất lâu, bạn phượt qua đây lúc 7-8h tối, trời vẫn rất sáng và có thể nhìn rõ được những quang cảnh quanh đèo. Đi qua cung đèo này, bạn còn có thể ghé thăm một số địa danh để dừng lại nghỉ chân như suối nước nóng Thanh Luông, hồ nước nhân tạo Pe Luông,…
Sơn La – Mai Châu – Hòa Bình
Đây là cung đường dễ nhất trong các cung đường phượt Tây Bắc bằng xe máy và không cần trải qua các cung đèo nguy hiểm. Cung đường này có độ dài khoảng 250km, phù hợp với những bạn trẻ không sắp xếp được đi phượt lâu ngày.
Đi qua cung đường này, bạn sẽ được trải nghiệm rất nhiều địa danh du lịch nổi tiếng ở cả ba khu vực Mai Châu, Hòa Bình và Sơn La.
Phượt Tây Bắc mùa nào?
Tây Bắc mùa nào cũng đẹp, đẹp từ thiên nhiên hùng vĩ đến khí hậu ôn hoà. Mỗi mùa, Tây Bắc khoác trên mình vẻ đẹp riêng biệt. Bạn muốn thấy Tây Bắc với vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng hay hình ảnh một Tây Bắc mờ ảo, huyền bí? Để mình kể cho bạn nghe về các mùa của Tây Bắc để chọn được thời điểm tới thăm Tây Bắc nhé.
Mùa Xuân: Mùa xuân có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm trên mảnh đất Tây Bắc, đây cũng là mùa được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Tây Bắc nhiều nhất. Tràn ngập trong các sắc hoa bạt ngàn núi rừng từ hoa mận, hoa mơ, hoa cải, hoa đào,…cùng các đặc sản nổi tiếng như: Dâu tây, mận hậu…Mùa xuân được xem là mùa du lịch khu vực Tây Bắc.
Mùa Hạ: Với những bạn trẻ sống tại đô thị thành phố ồn ào đã quá mệt mỏi với nhịp sống tấp nập, không khí nóng bức, oi ả thì nên lựa chọn tới Tây Bắc vào màu hạ. So với mùa Xuân thì phong cảnh Tây Bắc không nổi trội bằng nhưng khí hậu mùa hạ nơi đây thực sự rất đáng để trải nghiệm. Có nhiều du khách chia sẻ chỉ lên Tây Bắc để ngủ một đêm rồi hôm sau về, chủ yếu hít cái không khí trong lành, mát mẻ là chính.
Mùa Thu: Mùa thu được ví như nàng tiên nữ đẹp nhất so với bốn mùa trong năm, màu thu ở Tây Bắc cũng đẹp không kém. Nếu như tại Hà Nội là những hàng cây bên đường ngả vàng thì với Tây Bắc là những cánh đồng lúa chín óng ả như một tấm thảm rộng lớn giữa sắc xanh của núi rừng.
Mùa Đông: Mùa đông là mùa khó trải nghiệm nhất trong năm so với các mùa khác tại Tây Bắc, do địa hình ở khu vực cao nên khí hậu Tây Bắc mùa đông rất lạnh, chênh lệch với trung du vài độ C. Vì vậy, nếu có ý định chinh phục những làn sương mờ ảo, thậm chí những tảng băng tuyết trắng xóa thì bạn nên dự phòng vài chiếc áo bông thật ấm nhé.
Những địa điểm cần đặt chân khi đến với Tây Bắc
Tây Bắc không phải là một tỉnh thành mà là khu vực vùng núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam. Tây Bắc bao gồm các tỉnh thành như: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Hoà Bình. Vậy nên đi phượt ở đâu trong các tỉnh thành trên?
Đã là phượt Tây Bắc thì dĩ nhiên bạn nên tham quan hết các tỉnh thành trên để có một trải nghiệm tuyệt vời và thật đáng nhớ rồi. Mình sẽ gợi ý cho bạn những địa điểm nổi bật ở từng tỉnh thành để giúp hành trình của bạn ý nghĩa hơn nhé. Nếu không có thời gian trải nghiệm tất cả các địa điểm thì có thể lựa chọn một địa điểm cũng rất thú vị đó.
Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc
Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc không còn quá xa lạ với dân phượt khi đến với vùng núi Tây Bắc và chắc chắn là địa điểm không thể bỏ qua khi nhắc đến phượt Tây Bắc bằng xe máy.
- Mã Pì Lèng hay còn gọi là Kim Tự Tháp của người Mèo thuộc địa phận Hà Giang hùng vĩ với độ cao 1.200m
- Ô Quy Hồ thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc” địa phận tỉnh Lào Cai với độ cao lên đến 2.073m
- Pha Đin là cung đèo giao giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên giữa phía Đông và Tây Bắc, có độ cao 1.648m
- Khau Phạ là con núi cao nhất của khu vực Mù Cang Chải của Yên Bái với độ cao 1.200m
Lào Cai
Nhắc đến Lào Cai không thể bỏ qua Sapa – nơi gặp gỡ đất trời. Đến với Lào Cai là đến với Sapa, leo đỉnh núi Fansipan, chóp mái của Đông Dương. Ngoài Fansipan thì tại Sapa còn các địa danh có tiếng khác như: Hàm Rồng, thác Bạc, Nhà thờ đá và trải nghiệm đặc sản chỉ có tại Sapa như thắng cố, cá hồi,…
Nếu như hành trình ngắn ngày thì một chuyến phượt tới Sapa cũng đủ giúp bạn có những trải nghiệm thú vị cho một hành trình phượt bằng xe máy.
Sơn La
Du lịch Mộc Châu – Sơn La là địa danh được biết đến nhiều khi nhắc tới du lịch Tây Bắc. Đến với Mộc Châu, bạn như được trải nghiệm một bầu trời mới lạ, khác xa hoàn toàn so với trốn thành thị xô bồ náo nhiệt mặc dù chỉ cách Hà Nội 180km.
Đến với Mộc Châu, có rất nhiều danh lam thắng cảnh có thể kể đến như thác Dải Yếm, rừng thông, Sơn Mộc Hương. Tuy nhiên, địa điểm dân phượt ưa chuộng nhất khi đến Mộc Châu chính là thác Dải Yếm.
Lai Châu
Nhắc đến Lai Châu không thể quên đi Hang Tiên Sơn, địa điểm du lịch được nhiều du khách từ phương xa biết đến và không thể không đến khi tới Lai Châu. Với khung cảnh động từ thiên nhiên hùng vĩ, địa điểm này thu hút được du khách từ chính những khối đá hoang sơ, mộc mạc.
Địa danh này không nổi tiếng bằng các địa danh tại các tỉnh thành khác nhưng nếu muốn trải nghiệm những cảm giác mới lạ, yên tĩnh và vắng vẻ thì đừng bỏ qua địa danh này nhé.
Đồ dùng cần thiết cho chuyến phượt Tây Bắc bằng xe máy
Để có một hành trình trải nghiệm Tây Bắc thú vị, điều đầu tiên cần chuẩn bị cũng không thể không kể tới các đồ dùng cần chuẩn bị. Theo kinh nghiệm của mình, bạn sau khi xác định được thời gian và lịch trình di chuyển, bạn nên liệt kê chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho chuyến đi để sử dụng trong suốt hành trình.
Tiền
Dù là phượt tại Tây Bắc hay bất cứ khu vực nào, tiền là thứ không thể thiếu trong mọi hành trình. Đây là yếu tố giúp bạn có thể duy trì được trong suốt hành trình. Vì di chuyển nhiều, dễ rơi dọc đường nên bạn không nên cầm quá nhiều tiền mặt trong người để tiện mua bán dọc đường phòng trường hợp không nhận chuyển khoản.
Tiền mặt nên chia thành nhiều túi nhỏ và phân cho 2-3 người cầm để tránh nếu không may xảy ra rơi thì không bị rơi hẳn một cục. Hiện nay hầu hết các huyện đều có cây ATM nên đến khu vực nào, bạn rút tiền tiêu tại khu vực đó thì sẽ thuận tiện và đảm bảo hơn.
Giấy tờ tùy thân
Đến các vùng đất mới, bạn nên cầm theo trong người các giấy tờ tùy thân như CMND, đặc biệt là với các phượt thủ cần phải cầm theo bằng lái xe và các giấy tờ liên quan đến xe máy. Nếu như không may có vấn đề bất cập xảy ra, bạn có thể sử dụng giấy tờ tùy thân để đối chứng. Ngoài ra, nếu như bị công an bắt có đầy đủ bằng lái xe và giấy tờ xe thì sẽ lỗi sẽ được giảm nhẹ hơn.
Bản đồ
Mặc dù cung đường Tây Bắc chỉ là những cung đường chạy dọc, không phải rẽ phải trái quá nhiều nhưng trước khi phượt Tây Bắc, mình khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc bản đồ. Tại sao phải là bản đồ mà không phải Google Maps ư?
Dĩ nhiên, với một số địa điểm như khi tới thành phố, bạn có thể sử dụng Google Maps để tra đường, tuy nhiên với một số huyện nhỏ hoặc xã, Google Maps vẫn chưa cập nhật đến, có thể sẽ chỉ sai đường. Tin tôi đi, vì tôi đã từng trải nghiệm đi sai đường Google Maps chỉ tại xã nhỏ rồi mà.
Cầm trong tay bản đồ bạn cũng có thể nhìn được cung đường mà mình sẽ đi qua và chủ động hơn trong suốt hành trình thay vì cứ phụ thuộc vào Google Maps.
Một số vật dụng cần thiết khác
Ngoài tiền, giấy tờ tuỳ thân và bản đồ thì bạn còn nên chuẩn bị một số vật dụng cá nhân cần thiết khác cho hành trình của mình như:
- Mũ bảo hiểm, đồ bảo hộ: Nên lựa chọn những loại tốt, chất lượng cao. Vì đi đường dài, nguy hiểm nên bạn cần đặt yếu tố bảo vệ sự an toàn cho bản thân lên hàng đầu.
- Túi ngủ, đèn pin, áo mưa, bếp mini: Mặc dù nhà nghỉ ở các huyện đã rất phát triển nhưng không phải địa phận nào cũng có nhà ở lưu trú. Trong trường hợp nửa đêm bạn dừng chân tại khu vực hoang vắng, không có người thì sẽ thấy những vật dụng đó rất cần thiết đấy.
- Bánh kẹo, lương khô: Phượt Tây Bắc là một hành trình dài di chuyển trên đường, thực phẩm sẽ tiếp thêm năng lượng để bạn phiêu lưu, khám phá. Tuy nhiên nên chọn những thực phẩm khô để lưu trữ được trong thời gian dài.
Khi đến Tây Bắc nên ngủ ở đâu?
Nếu như lên đến Tây Bắc còn ngủ tại khách sạn hay nhà nghỉ thì lại quá bình thường rồi, đúng không nào? Khách sạn hay nhà nghỉ không quá khó để tìm kiếm và trải nghiệm ở các thành phố lớn, đến với Tây Bắc không ngủ nhà sàn, homestay thì chuyến hành trình của bạn thiếu sót lớn rồi.
Hiện nay, tại các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc chủ yếu kinh doanh hình thức nhà sàn tập thể hoặc homestay thân thiết, gần gũi với thiên nhiên để du khách được trải nghiệm chân thật nhất về nét đặc trưng tại đây. Theo tôi, bạn là những người thích phượt, thích trải nghiệm thì nên chọn hình thức lưu trú này để trải nghiệm, thực sự rất thú vị đấy.
Tuy nhiên, với một số người không quen ngủ tại nhà sàn cộng đồng hoặc homestay thì cũng có thể lựa chọn nhà nghỉ hoặc khách sạn, vì dịch vụ du lịch ở Tây Bắc ngày càng tăng cao nên các hình thức lưu trú cho du khách rất đa dạng và chu đáo.
Đặc sản Tây Bắc không nên bỏ qua
Đến với Tây Bắc không thể bỏ qua những đặc sản tại đây. Nhờ vào ẩm thực độc đáo, mang nét đặc trưng của vùng Tây Bắc cũng giúp cho Tây Bắc được nhiều du khách biết đến hơn. Vì là các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc nên hầu hết đặc sản ẩm thực tại các tỉnh thành khác giống nhau, có thể kể đến một số món ăn nổi tiếng như:
- Cơm lam
- Thắng cố
- Cá nướng
- Thịt trâu gác bếp
- Lợn cắp nách
- Gà rừng
- Cá hồi
Những món ăn này bạn có thể dễ dàng đặt được tại các nhà hàng, để tìm kiếm được một nhà hàng chất lượng, chi phí hợp lý, mình khuyên bạn nên tham gia một số hội ẩm thực Tây Bắc, review Tây Bắc để xin địa chỉ quán ăn của những người đã từng trải nghiệm.
Những điều cần biết khi phượt bằng xe máy tới Tây Bắc để đảm bảo an toàn
Để chinh phục được những cung đường Tây Bắc bằng xe máy chắc chắn yếu tố đầu tiên các bạn cần đảm bảo và chắc chắn là sự an toàn. Bạn nên biết những việc làm nên và không nên làm dưới đây để đảm bảo cho hành trình của mình hạn chế rủi ro nhất nhé.
- Nên lái xe ở tốc độ cho phép, không vượt quá tốc độ khi đường;
- Nên đi theo kế hoạch đã đề ra từ đầu, không đi lung tung, đặc biệt là những khu vực sát vách núi.
- Nên tôn trọng văn hoá của người bản địa, không cười nói chuyện quá to vào nửa đêm, đặc biệt trong các bản, xã và không chụp ảnh người dân nếu như không có sự cho phép của họ.
- Nên chú ý tự động bảo vệ các đồ dùng cá nhân của bản thân
- Khi cảm thấy lái xe mệt mỏi hoặc buồn ngủ thì nên dừng lại nghỉ, không nên cố đi, rất nguy hiểm.
- Mang đầy đủ quần áo ấm, túi ngủ vì nhiệt độ của Tây Bắc sẽ chênh lệch vài độ C so với đồng bằng
- Giữ gìn vệ sinh môi trường dù là địa danh nào, không xã rác bừa bãi
- Khu vực Tây Bắc có nhiều trẻ em vùng cao khó khăn, nếu có thể thì nên mang dư một chút bánh kẹo để chia cho các bé, làm điều này sẽ khiến bạn cảm thấy rất hạnh phúc đấy.
Trên đây là những kinh nghiệm phượt Tây Bắc bằng xe máy mình muốn chia sẻ lại cho các bạn để các bạn có một trải nghiệm tuyệt vời hơn với Tây Bắc. Chúc bạn sẽ có một hành trình an toàn, ý nghĩa và đáng nhớ. Sau khi phượt Tây Bắc về, cùng vào đây chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn khác nữa nhé.