MANG VẺ ĐẸP VÀ VĂN HÓA MỖI VÙNG MIỀN
Sau 6 năm làm việc và kinh doanh ở lĩnh vực nhà hàng khách sạn, anh Nguyễn Văn Thắng (29 tuổi) gặp không ít lần thất bại. Vào năm 2022, anh quyết định bỏ phố trở về quê nhà ở An Giang.
Tại quê hương, chàng trai mở khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng tên Ganesha Camping Ô Thum, nằm trong khu vực người dân Khmer sinh sống (thuộc xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, An Giang).
“Quê hương mình có nhiều sản phẩm du lịch về văn hóa, ẩm thực của người Khmer và có vị trí vô cùng đắc địa là nằm trên sườn đồi Tức Dụp…, rất thích hợp để khách ngắm cảnh, hòa mình với thiên nhiên”, anh Thắng chia sẻ.
Khu du lịch của chàng trai 29 tuổi này có đến 90% nhân viên là bà con Khmer. “Ngoài biết thêm kiến thức về cuộc sống, con người Khmer, khách còn được trải nghiệm xe đạp, xe ngựa trên cung đường thôn quê ngắm đồi núi, ruộng lúa xung quanh”, Thắng nói và cho biết chủ lực của khu du lịch là loại hình camping (cắm trại) nghỉ dưỡng qua đêm.
Đặc trưng của loại hình này là khách có sự yên tĩnh sau những ngày làm việc mệt mỏi, được nghe tiếng suối róc rách, thưởng thức đặc sản địa phương và leo núi… Đến tối, mọi người quây quần bên tiệc nướng. Với cách làm trên, mỗi tháng anh Thắng đón được từ 3.000 – 4.000 lượt khách.
“Theo mình, để làm du lịch sinh thái thành công thì chúng ta phải mang cái đẹp và văn hóa mỗi vùng miền cho khách trải nghiệm. Đồng thời, giúp du lịch địa phương nổi bật từng ngày nhưng vẫn giữ nguyên giá trị của vùng đất. Tránh lợi dụng hoặc khai thác quá mức làm mất đi nét vốn có của bản sắc địa phương”, anh Thắng chia sẻ.
TỰ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TOUR
Anh Hoàng Văn Hoàn (35 tuổi), Giám đốc Công ty truyền thông và dịch vụ du lịch lữ hành Gió Hà Giang, đã nỗ lực không ngừng khi quyết định rời TP.HCM để về quê lập nghiệp với loại hình du lịch sinh thái.
Trở về quê nhà ở Hà Giang khi trong túi chỉ còn vài triệu đồng, anh Hoàn bắt đầu đi học quản trị và hướng dẫn viên du lịch. Tranh thủ thời gian rảnh, anh lang thang khắp các nẻo đường ở Hà Giang, ghi lại từng khung cảnh đẹp, cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Sau đó, anh truyền tải những hình ảnh ấy lên các trang, nhóm trên mạng xã hội mà mình tạo ra với hy vọng nhiều người biết đến.
“Trên các diễn đàn du lịch, cứ ai hỏi về Hà Giang là mình vào hỗ trợ miễn phí về việc tư vấn lịch trình, giới thiệu nơi ở, cho thuê xe máy, đặt vé xe khách… Dần dần, khi họ nhìn thấy cái tâm của mình dành cho du lịch Hà Giang thì chính họ là người kéo khách về cho mình”, anh Hoàn nhớ lại giai đoạn đầu về quê làm du lịch sinh thái.
Năm 2019, anh Hoàn thành lập công ty. Anh tự xây dựng những chương trình tour chất lượng hướng dần lên cao cấp. Ngoài những địa điểm chính ở cao nguyên đá Đồng Văn, đội ngũ hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số sẽ đưa khách đi sâu vào các bản làng, nhà dân để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân tại đây, cũng như trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực đặc trưng. Mỗi tháng, anh Hoàn đón được 2.000 – 3.000 lượt khách.
“Muốn làm một điều gì thì trước tiên phải hiểu về nó. Luôn mày mò tìm hiểu, lắng nghe những góp ý của khách hàng để xây dựng phương án cho phù hợp nhất. Không nên đi theo lối mòn của các chương trình tour du lịch truyền thống…”, anh Hoàn chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch sinh thái.
TẬN DỤNG THẾ MẠNH SẴN CÓ
Cũng rời TP.HCM về quê Lâm Đồng lập nghiệp với loại hình du lịch sinh thái, anh Cao Minh Sơn (35 tuổi), hay còn gọi là Sơn Trọc, cho biết anh đã tận dụng những thế mạnh sẵn có ở địa phương. Từ những cánh rừng xanh bạt ngàn đến các ngọn núi, thác nước đẹp nao lòng tại quê nhà, như: thác Mưa Bay k86, đỉnh Lomburr, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà…, anh làm thành tour du lịch trải nghiệm thiên nhiên hoang dã thông qua các hình thức đi bộ, cắm trại hay “trèo đồi, vượt suối”.
“Bên mình phát triển loại hình du lịch chữa lành. Có nghĩa khách sẽ được trải nghiệm hành trình về với thiên nhiên thuần túy. Thiên nhiên bao quanh là chất xúc tác để sự an bình, yêu cây xanh trong lòng mỗi người được khơi dậy rõ ràng hơn”, anh Sơn chia sẻ.
Không chỉ tận dụng được nguồn tài nguyên, thiên nhiên ở địa phương, anh còn sử dụng nhân lực sẵn có là người dân bản địa để đồng hành phát triển loại hình du lịch này.
“Đa phần những trải nghiệm trong chuyến đi bên mình đều gắn liền với đời sống thường nhật của bà con địa phương, nên hầu như mình rất ít khi chỉ họ cách làm du lịch như thế nào. Họ chở khách bằng xe công nông (phương tiện di chuyển hằng ngày) hoặc nấu bữa ăn là một món quen thuộc, từ đó tạo nên không khí rất ấm áp. Mình luôn muốn hướng người dân địa phương có sự chân thành, gần gũi và giữ được bản sắc văn hóa vùng miền khi đón khách”, anh Sơn cho hay.
Cũng theo anh Sơn, tính chất công việc dẫn tour leo núi đòi hỏi sức khỏe, ý chí, sự quả cảm và tình yêu với rừng. Nên để kinh doanh hiệu quả các tour du lịch về rừng thì điều tiên quyết là phải thật sự yêu rừng, yêu văn hóa vùng miền…