Khái quát về chuỗi cung ứng du lịch
Một chuỗi cung ứng du lịch có thể được coi như là một mạng lưới các tổ chức, doanh nghiệp (DN) khác nhau cung ứng một hoặc nhiều thành phần của sản phẩm/dịch vụ du lịch như: dịch vụ hàng không và dịch vụ lưu trú, phân phối và marketing các sản phẩm dịch vụ du lịch cuối cùng tại một điểm đến du lịch và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và các DN tham gia ở cả khu vực nhà nước và tư nhân.
Chuỗi cung ứng du lịch bao gồm nhiều thành phần, không chỉ có các dịch vụ lưu trú, vận chuyển và các hoạt động tham quan, các hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống và bar, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ ăn, xử lý rác thải… mà còn có cả sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước như: về hộ chiếu, visa, hải quan cũng như các dịch vụ hạ tầng phục vụ cho du lịch tại điểm đến. Đó là tất cả những yếu tố cấu thành của một chương trình du lịch mà khách hàng mong đợi và trả tiền cho điều đó.
Quản trị chuỗi cung ứng du lịch là sự liên kết các quá trình trong hoạt động kinh doanh du lịch từ các nhà cung cấp ban đầu (vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, mua sắm trong quá trình du lịch) đến người sử dụng cuối cùng (khách du lịch) nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ và thông tin cho khách du lịch. Việc tạo lập và quản trị chuỗi cung ứng du lịch hiệu quả sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích cho các bên liên quan (nhà nước, nhà cung ứng, DN du lịch, khách du lịch và người dân địa phương tại điểm đến du lịch). Đây chính là vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Thực trạng liên kết trong chuỗi cung ứng du lịch Việt Nam
Kết quả đạt được
Hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam đang tồn tại các mối liên kết giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng du lịch để hình thành một sản phẩm du lịch tổng hợp cung cấp cho khách du lịch. Một số hình thức liên kết đã được phát huy như:
– Liên kết theo tổ chức quản lý (cơ quan quản lý nhà nước, DN tư nhân, liên doanh với nước ngoài): Mối liên kết này được thể hiện thông qua các hoạt động quản lý, triển khai, giám sát thực hiện các quy định pháp luật, thỏa thuận trong hoạt động kinh doanh du lịch. Về phía quản lý nhà nước, một loạt các cơ chế, chính sách, thể chế liên quan có tác động tích cực, tạo nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển đã được hình thành và đổi mới phù hợp dần với điều kiện và xu hướng phát triển du lịch thế giới và trong nước. Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam; cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục nhập, xuất cảnh, cư trú, đi lại, hải quan liên tục được cải tiến thuận tiện hơn cho khách cho khách và các nhà đầu tư.
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp đó, ngày 19/6/2017, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Du lịch, thay thế cho Luật Du lịch được ban hành vào năm 2005. Chính phủ cũng thông qua 2 chính sách về thị thực đối với người nước ngoài là thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhờ đó, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Đến năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, thì khách du lịch quốc tế đạt hơn 3,66 triệu lượt người. Riêng quý I/2023, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch Việt Nam.
– Liên kết theo hành lang phát triển (giữa các địa phương trong một khu vực hoặc hành lang phát triển): Trong thời gian qua liên kết khu vực giữa các địa phương được hình thành một cách tự phát dưới hình thức tạo ra các chương trình du lịch đặc thù. Ví dụ như: Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế đã từng bước hướng đến sự liên kết chuyên nghiệp. Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam – Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương – một điểm đển”. Sự hợp tác liên kết giữa 3 địa phương chính là đã đưa thương hiệu Du lịch miền Trung đến với du khách trong và ngoài nước như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam, từ đó góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và ngân sách cho các địa phương…
– Liên kết dọc (từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch): Các DN du lịch và các cơ quan quản lý du lịch duy trì mối liên kết dọc từ Trung ương đến địa phương để cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch, cũng như chỉ đạo điều hành phát triển du lịch theo chiến lược và định hướng chung. Về quản lý nhà nước, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan trung ương có chức năng tham mưu giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về du lịch trong phạm vi cả nước. Ở các địa phương, chức năng này thuộc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Sở Du lịch. Nhiều DN du lịch lớn cũng hình thành các văn phòng đại diện tại địa phương để triển khai các hoạt động liên kết tại địa phương trong điều hành kinh doanh du lịch…
– Liên kết theo ngành nghề kinh doanh (lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách, bao gồm cả vận chuyển bằng đường không): Hình thức liên kết này chủ yếu được thực hiện qua việc các DN du lịch theo từng ngành nghề kinh doanh ký kết hợp đồng phục vụ khách du lịch trong một chương trình du lịch.
Trước đây trong chuỗi cung ứng du lịch, các DN lữ hành thường nắm vai trò chính trong việc phân phối khách và phân chia lợi ích cho các DN khác tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay xu hướng khách du lịch tự sắp xếp cho chuyến đi của mình không thông qua các hãng lữ hành hoặc mua chương trình tour ngày càng gia tăng. Với xu hướng này, vai trò của các DN lữ hành ngày càng hạn chế trong chuỗi giá trị du lịch.
Trong chuỗi cung ứng du lịch, vai trò của các DN kinh doanh khách sạn, lưu trú ngày càng tăng. Hầu hết các khách sạn đều đã thiết lập hệ thống tiếp thị trực tiếp tới khách du lịch, giảm sự phụ thuộc vào các DN lữ hành thông qua các kênh quảng bá, đặt chỗ trên mạng Internet. Các khách sạn đã chủ động tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch, chú trọng tới các đối tượng khách thường xuyên.
Trong mối liên kết giữa các ngành nghề kinh doanh, vận chuyển hàng không hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phục vụ khách du lịch tại Việt Nam. Điển hình như trong quý I/2023, trong số 2,7 triệu lượt khách đến Việt Nam trong quý 1/2023, thì khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 2,4 triệu lượt người, chiếm 89,8% (Tổng cục Thống kê, 2023). Do vậy, khách du lịch đóng vai trò then chốt đối với việc lập kế hoạch và đưa ra quyết định khai thác của Hãng hàng không Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, các thị trường nguồn của ngành Du lịch đồng thời cũng là thị trường trọng điểm của ngành Hàng không Việt Nam…
Một số khó khăn, bất cập
Mặc dù, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để phát triển du lịch, tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong mối liên kết phát triển du lịch. Sự liên kết giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương vẫn chưa thật chặt chẽ trong xây dựng chính sách và trong điều hành. Sự phối kết hợp liên ngành, địa phương chưa đồng bộ, chưa thường xuyên cả trong nhận thức và hành động. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong từng địa phương để phát triển du lịch vẫn còn rất hạn chế. Chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng ăn xin, đeo bám, chèo kéo, gây phiền hà cho khách ở nhiều điểm du lịch; tình trạng ô nhiễm môi trường du lịch, suy thoái tài nguyên môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn, an ninh tại các điểm tham quan du lịch xảy ra tương đối phổ biến…
Phối hợp liên vùng đã bắt đầu được chú ý nhưng còn lúng túng trong nội dung, chưa rõ ràng trong phân công, phân nhiệm và giải pháp để phát triển du lịch. Nhận thức chung của các đối tượng trên về vai trò hợp tác phát triển du lịch chưa đúng mức. Nhận thức xã hội về phát triển du lịch chưa đầy đủ. Những điểm hạn chế này đã làm giảm đáng kể giá trị của từng sản phẩm thành phần cung cấp cho khách du lịch nằm trong chuỗi cung ứng du lịch.
Hạn chế cơ bản của các DN tư nhân trong du lịch là thiếu sự liên kết chặt chẽ như một hệ thống để đạt được sự thống nhất cao trong kinh doanh, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Một vấn đề khác cần quan tâm đặc biệt là chất lượng đội ngũ lao động thuộc các DN tư nhân. Thực tế cho thấy, hiện các đơn vị trong ngành Du lịch vẫn gặp những thách thức về nhiều mặt, đặc biệt là thiếu nhân lực.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển Du lịch quốc tế ở Việt Nam” tổ chức ngày 9/8/2022, trước đại dịch COVID-19, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành Du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo.
Đến năm 2022, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực như: Nguồn lao động thiếu, trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao… Ngoài ra, sự tham gia của DN tư nhân vào quy trình hoạch định chính sách và lập kế hoạch còn hạn chế, có rất ít mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở công và cơ sở tư nhân.
Ngoài Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong lĩnh vực du lịch còn có các nhóm không chính thức khác nhau thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động theo cơ chế tự nguyện và xã hội hóa cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển du lịch.
Giải pháp phát triển chuỗi cung ứng du lịch
Đối với Nhà nước
– Đẩy mạnh tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về vai trò, vị trí của du lịch, về sự tác động tích cực của du lịch đến đời sống dân cư và sự tác động tiêu cực từ các hành vi chưa đúng, chưa tốt của dân cư đến hoạt động du lịch. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống các hành vi nâng giá, lừa gạt du khách.
– Hoàn thiện chính sách, văn bản pháp luật hỗ trợ cho việc hợp tác, liên kết giữa các vùng trong phát triển du lịch: Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng; có cơ chế cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khích lệ các DN và người dân chủ động và tích cực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, sáng tạo ý tưởng, đầu tư nguồn lực để hình thành các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng để cùng giải quyết những vấn đề chung đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích và cạnh tranh bình đẳng giữa các tỉnh trong vùng; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển để tăng cường năng lực bộ máy và hoạt động xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng cùng với Tổng cục Du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và của vùng.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân và DN tư nhân tham gia góp ý vào các dự án đầu tư, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch như dịch vụ lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch bản địa, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm truyền thống của địa phương, cung cấp sản vật của địa phương cho phát triển du lịch.
– Tích cực tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho ngành Du lịch: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho ngành Du lịch Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh du lịch như các sự kiện xúc tiến, các hoạt động văn hóa, hội chợ du lịch quốc tế tại thị trường trọng điểm và truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng như: Ðức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc và các thị trường khu vực Ðông – Nam Á… Nghiên cứu cơ chế thành lập Văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…) để thực hiện có hiệu quả công tác giới thiệu hình ảnh điểm đến Việt Nam. Kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam của năm kế hoạch nên gửi đến các địa phương từ tháng 10 của năm thực hiện để các địa phương có cơ sở lên kế hoạch xúc tiến du lịch và có điều kiện phối hợp tham gia. Ngoài ra, cần nghiên cứu các thị trường trọng điểm và thị trường mới để xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch dài hạn; đồng thời xem xét, phân cấp và chuyển kinh phí cho các địa phương làm đầu mối cho các hoạt động xúc tiến du lịch của ngành cho từng thị trường nước ngoài mà địa phương đang có thế mạnh.
Để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch cần có những chiến lược và kế hoạch kinh doanh cụ thể, phù hợp và quan trọng là trong chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cần hướng tới một mục tiêu là phát triển tốt chiến lược chung của ngành Du lịch. Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng kế hoạch kinh doanh hàng năm; xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế của doanh nghiệp.
– Tăng cường bảo vệ môi trường du lịch: Cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường; có biện pháp xử lý hành vi làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường đối với cả người dân lẫn du khách.
– Tăng cường liên kết vùng, địa phương trong phát triển các sản phẩm du lịch: Mỗi vùng có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách. Phát triển các sản phẩm du lịch của các vùng trong cùng một dòng sản phẩm. Hiện tại, du lịch tìm hiểu văn hóa được du khách nhiều thị trường ưa chuộng và có khả năng hình thành nhiều sản phẩm du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa miền biển, miền núi.
Tiếp theo, du lịch nghỉ dưỡng cần hướng tới kết hợp giữa nghỉ dưỡng biển và nghỉ dưỡng núi. Tương tự, loại hình du lịch sinh thái nếu xem xét việc kết hợp giữa khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn. Du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng có thể khai thác ở mọi vùng. Đến nay, có thể đưa du lịch đô thị vào danh mục để thu hút du khách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết các sản phẩm trong các dòng sản phẩm giữa các vùng để tạo ra bộ sản phẩm du lịch tổng hợp, đáp ứng yếu tố phong phú cho một chuyến đi.
Đối với doanh nghiệp
Để các DN tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch có thể chủ động và tích cực trong quá trình hợp tác và liên kết, đòi hỏi mỗi DN cần có những chiến lược và kế hoạch kinh doanh cụ thể, phù hợp và quan trọng là trong chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mỗi DN cần hướng tới một mục tiêu là phát triển tốt chiến lược chung của ngành Du lịch. DN cần chú trọng xây dựng kế hoạch kinh doanh hàng năm; xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế của DN; tăng cường liên kết để tạo ra sức mạnh trong cạnh tranh; tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường tiếp cận và cập nhật thông tin, đặc biệt là thông tin về chính sách phát triển và các quy định pháp luật về du lịch.
Bên cạnh đó, thiết lập một hệ thống thông tin liên kết với nhau ngoài hệ thống thông tin nội bộ của DN. Như vậy, những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch chung sẽ được các DN nhanh chóng cập nhật, nắm bắt và trao đổi với nhau thông qua mạng thông tin này.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (2022), Báo cáo tại hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển Du lịch quốc tế ở Việt Nam” tổ chức ngày 9/8/2022, tại TP. Hồ Chí Minh;
- Tổng cục Thống kê (2019-2022), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội các năm 2019 đến năm 2022;
- Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2023