Bạn là một người đam mê xê dịch, thích chinh phục những cung đường, chắc hẳn bạn sẽ muốn có một chuyến đi thật suôn sẻ. Đó là đi để giấu vào phổi bầu không khí ở một nơi nào đó, đi để cất vào áo hương gió của nơi đồng quê thanh bình đến yên ả, đi để giữ trong khối óc những khoảnh khắc với nhiều cung bậc cảm xúc, lúc hối hả cùng tốc độ guồng quay của bánh xe, lúc êm đềm rải mắt tận hưởng tạo hóa quanh mình. Chắc chắn bạn sẽ không muốn một chuyến đi thiếu thốn nhiều thứ, giữa đường phải chạy ngược chạy xuôi để bổ sung hành lý. Nếu bạn còn chưa biết phải chuẩn bị gì, chuẩn bị sao cho đầy đủ, bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi của mình.
Xe cộ và công cụ liên quan
Để có một chuyến đi an toàn, hãy đảm bảo rằng “con ngựa chiến” của mình đang ở trạng thái tốt nhất. Trước khi bắt đầu chuyến đi, hãy đưa xe của bạn đến một địa điểm sửa xe chuyên nghiệp để tiến hành kiểm tra tổng quát.
Một số điểm cần kiểm tra như:
Dầu nhớt: Bạn đã thay nhớt máy khi nào? Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần về rồi thay luôn cũng được. Nhưng sắp tới chiếc xe của bạn phải hoạt động liên tục như một con ngựa chiến thực thụ, xe thì có thể thay cá nhân nhưng xe thì chỉ có 1, vì thế trước khi đi nên thay mới dầu nhớt đi cho mát máy.
Thắng và săm lốp xe: Bố thắng mòn rồi thì nên thay, kiểm tra lại dầu thắng. Săm xe thì nên thay mới, vì đi đường dài dễ bị nóng rồi những vết vá bị bong ra giữa đường thì khổ, lốp xe mòn rồi thì nên thay đi ai mà biết đường mưa trơn trượt hay đường sình lầy khó đi vậy nên thay luôn cho chắc.
Ắc quy, đèn: Kiểm tra lại ắc quy, thấy đèn mờ mờ thì nên xem lại ắc quy. Nhất định phải kiểm tra lại đèn xe và đảm bảo nó đang ở trạng thái sáng nhất có thể nhé, vì trên đường đi không phải chỗ nào cũng có đèn đường. Và nhớ mang theo bóng đèn sơ cua, phòng khi đứt bóng giữa đường.
Nhông sên: Chủng quá thì cắt bớt mắt đi, hoặc đi thay luôn nếu bạn thấy nó quá cũ rồi.
Nhớ đổ đầy xăng trước khi bắt đầu hành trình nhé. Và nếu thấy xe còn trống chỗ thì có thể mang theo 1 chai xăng dự phòng.
Một số dụng cụ cần chuẩn bị:
Lưu ý: Dụng cụ là cần thiết, nhưng quan trọng nhất phải trang bị cho bản thân kiến thức về chiếc xe sẽ đồng hành cùng mình trong hành trình sắp tới.
Đầu tiên và rất cần thiết là bộ dụng cụ sửa xe máy cơ bản: nếu xe gặp vấn đề ở khu dân cư thì còn có đường cứu chữa, chứ mà giữa đèo hay khu vắng vẻ là chỉ có tự mình cứu mình, một số công cụ cần như: dụng cụ nặn lốp xe, dụng cụ vá xe (keo, miếng dán, dùi, ghim), bơm bánh xe (bơm tay hoặc bơm chân, nhưng lưu ý là nhỏ gọn thôi nhé), kìm, mỏ lết, bộ cờ lê, vít bắt, vít đầu đẹp.
Săm dự trữ phù hợp với xe của bạn. Tốt nhất là dự trữ luôn 2 cái cho chắc, hoặc nhiều hơn cũng được.
1 ống dây dài để hút xăng khi cần thiết.
Chiếc khoá xe dự trữ: Nếu bạn là người dành cả thanh xuân để tìm khoá thì nhất định phải đem theo khoá dự trữ, việc nhỏ xíu thôi nhưng không thừa đâu. Nhưng đặc biệt lưu ý là đừng có bỏ khoá dự phòng trong cốp nhé, hoặc là đưa “ôm giữ” hoặc là nhờ các “xế” khác trong đoàn.
Đồ phượt cá nhân
Đồ dùng bảo vệ để đeo, đội, mặc, gắn lên người:
Mũ bảo hiểm: Tốt nhất là nên chọn loại mũ bảo hiểm 3/4 hoặc full-face, có che tai, có kính, để bảo vệ tốt nhất nếu có sự cố xảy ra.
Giáp: Có thể là giáp rời, hoặc là giáp nguyên bộ. Để chinh phục những cung đường, bạn luôn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và những điều bất ngờ, đã gọi là bất ngờ thì có ai biết trước được, vì thế trang bị 1 bộ giáp là điều cần thiết để bạn bảo vệ chính bản thân mình.
Áo mưa bộ: Chuẩn bị một bộ áo mưa là tốt nhất, không nên sử dụng áo mưa cánh dơi vì sẽ vướng víu đặc biệt là khi đi xe với tốc độ cao.
Giày: Nếu chỉ dùng để đi xe máy thì đi giày gì miễn thoải mái là được (nếu là chuyến đi kết hợp trekking, leo núi thì bạn cần giày leo núi), tuy nhiên nhất thiết phải có một cặp bọc giày đi mưa phòng khi trời mưa, ngay cả khi bạn đi giày chống thấm thì vẫn cần bọc giày đi mưa. Giày ướt suốt chuyến đi là một trải nghiệm rất khó chịu.
Kính: Kính chắn gió, hạn chế điều tiết của mắt khi trời tối hoặc quá chói. Nếu mũ bảo hiểm của bạn không có kính thì nên chọn cho mình vài cái kính phù hợp nhé. Lưu ý khi chọn màu kính: Chọn màu kính không phải cho đẹp, chọn màu kính phải phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ như kính khói, kính màu xanh, kính 7 màu, hoặc kính tráng bạc, dùng đi ban ngày để chống chói. Ngược lại, kính màu vàng dùng để đi ban đêm để tăng sáng.
Găng tay: Chọn loại găng tay có bề mặt bám. Một số đặc điểm của găng tay (chất liệu, độ dày, có hốc gió hay không, có gù hay không, full ngón hay hở ngón, phần ngón tay có cảm ứng hay không) bạn có thể cân nhắc và chọn theo nhu cầu của mình.
Áo phản quang: Cần thiết khi bạn di chuyển vào lúc trời tối, đi theo đoàn để dễ nhận ra nhau, giữ khoảng cách.
Khăn ống, khăn rằn, hoặc các vật dụng che chắn tương tự.
Đồ dùng cá nhân:
Balo hoặc gì đó tương tự: Tốt nhất là ba lô chống nước và to để đồ cho cả “ôm” và “xế”, balo sẽ được cột phía sau, “ôm” có thể dựa vào, tuy nhiên như vậy thì hơi chiếm chỗ (nếu xe không có baga), vì thế nên gắn thêm baga hoặc sử dụng túi đôi gác xe là tiện nhất nhé.
Áo khoác chống gió, chống thấm: Sử dụng để chống nắng, chống gió, chống sương. Sử dụng vào lúc chiều tối hoặc ở những vùng có tiết trời se lạnh.
Áo quần mặc hằng ngày thì tất nhiên phải có rồi, tuy nhiên nhớ mang theo vài cái túi nilon để bỏ đồ dơ, sử dụng túi khô (Drybag) là tốt nhất.
Đồ sinh hoạt cá nhân như: Khăn, kem đánh răng, bàn chải, lược, xà phòng, dầu gội,… Tất cả những thứ này nên bỏ vào 1 cái túi cá nhân gọn gọn, để khi nào dùng lấy ra cho tiện.
Túi ngủ và lều nếu bạn muốn ngủ bụi để gần gũi với thiên nhiên.
Đồ ăn vặt và nước uống.
Thiết bị công nghệ
Đèn pin: Mang 1 cây đèn pin nhỏ nhỏ thôi, nhỏ nhưng có võ lúc cần đấy.
Sạc dự phòng: Không cần giải thích thì các bạn cũng biết tầm quan trọng của món này rồi, nhất định phải có.
Thiết bị định vị và bộ đàm (Option) nếu đi theo đoàn.
Thiết bị ghi hình: Điện thoại là tiện dụng nhất, tuy nhiên nếu bạn trang bị được thêm camera hành trình hoặc máy ảnh thì chất lượng hình ảnh ghi lại sẽ tốt và chuyên nghiệp hơn.
Giấy tờ tùy thân
Kiểm tra giấy tờ tùy thân trước khi bắt đầu chuyến đi là việc đơn giản, nhưng rất quan trọng. Hãy đảm bảo rằng trong ví của bạn có đủ chứng minh nhân dân, hộ chiếu nếu bạn đi nước ngoài, giấy phép lái xe, giấy tờ liên quan đến xe (giấy đăng ký và bảo hiểm xe máy).
Tiền: Với món đặc biệt này chỉ có 1 số lưu ý nhỏ, mang theo tiền mặt vừa phải, còn lại nên để trong thẻ ATM để phòng trường hợp bất trắc. Nhớ đổi ngoại tệ nếu bạn ra nước ngoài.
Đồ dùng y tế và sức khỏe
Dụng cụ y tế: Nên chuẩn bị những thứ cơ bản như: Thuốc hạ sốt, giảm đau, bông băng, thuốc đỏ, oxy già, băng gạc, vài viên sủi C, gel xoa bóp. Nếu bạn bị đau bao tử, hen suyễn hay một bệnh nào đó dễ phát bệnh đột ngột thì đừng quên thủ sẵn thuốc cho mình nhé.
Sức khỏe: Khi nói tới đi phượt bằng xe máy, nó không phải là đi hành xác như trekking, leo núi, tuy nhiên bạn phải xác định đó cũng không phải là một chuyến nghỉ dưỡng. Ngồi xe máy lâu sẽ khá mệt, điều kiện thời tiết thay đổi, sẽ có nắng mưa bất chợt, oi bức hay lạnh rét theo từng vùng miền. Vì thế, bạn nên chuẩn bị cho mình một trạng thái sức khỏe tốt nhất, để trải nghiệm chuyến đi trọn vẹn nhất.
Trước những chuyến đi, bạn nên tìm hiểu trước về cung đường mình sắp đi, bằng cách google hoặc tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước. Điều đó sẽ giúp bạn có một cái nhìn khái quát hơn về hành trình sắp tới của mình.
Chúc các bạn có những chuyến đi thật thú vị và thành công.
Được viết bởi Campingviet.vn. Để biết thêm thông tin về dịch vụ, vui lòng truy cập Campingviet.vn.