Để có được những trải nghiệm tốt nhất trong chuyến phượt xe máy thì lựa chọn hành lý mang theo trong suốt chặng đường cũng rất quan trọng.
Vậy nên “Đồ càng nhẹ, đi càng khỏe” là tiêu chí hàng đầu trong chuyến đi phượt. Hãy cân nhắc dựa vào các điểm mấu chốt sau:
LÊN KẾ HOẠCH VÀ ĐỊA ĐIỂM PHƯỢT
Chọn xe máy phù hợp để đi phượt
Độ dài chuyến đi phượt: Với chuyến đi phượt xe máy dài ngày có thể xem xét mang nhiều quần áo hơn, nhưng nên tận dụng dịch vụ giặt ủi trên đường đi để chuyến đi nhẹ nhàng hơn.
Khả năng chịu lực của xe: Lựa chọn một chiếc xe phù hợp cũng rất quan trọng. Nếu xe có hiệu năng quá yếu thì bạn tưởng tượng chiếc xe sẽ ì ạch đáng thương đến mức nào khi phải tải thêm một núi đồ phía sau.
Cung đường phượt
Nếu bạn đi theo đoàn và có người dẫn đường thì yên tâm chỉ cần tuân thủ đúng các hiệu lệnh là về đích an toàn. Còn nếu bạn tự đi thì nên tải google map về điện thoại. Đây là cách đơn giản nhất để xem đường đi. Các chức năng phức tạp hơn như vẽ bản đồ hay đánh dấu trạm xăng, quán ăn thì bạn tham khảo thêm tại video Hướng dẫn vẽ bản đồ Google Map. Ngoài ra, bạn nên cập nhật thông tin về các cung đường phượt cho xe máy một cách thường xuyên để không bỏ lỡ những địa điểm thú vị trong hành trình của mình.
Lựa chọn điểm đến, phong cách du lịch: Bạn thích phong cách du lịch nào hơn – thong thả chậm rãi và tận hưởng hay lao vút như những tay đua chuyên nghiệp, đường nhựa bằng phẳng sạch sẽ hay những con đường địa hình hiểm trở, hoặc xuyên rừng lội suối lấm lem bùn đất. Hãy xác định cho mình phong cách rõ ràng để có sự chuẩn bị thích hợp cho bản thân.
Đi phượt một mình hay đi theo nhóm: Khi đi một mình đòi hỏi bản thân phải chuẩn bị đầy đủ nhất có thể. Ngược lại, khi di chuyển theo nhóm thì bạn có thể phân chia hành lý mang theo để bù trừ cho nhau.
Tóm lại, bạn cần chuẩn bị, và đem những món đồ nào khi đi phượt? Ít hơn bạn nghĩ rất nhiều đấy! Hãy bắt đầu với những thứ cơ bản nhất nhé:
CHUẨN BỊ XE ĐI PHƯỢT
Bảo dưỡng xe trước khi đi phượt
Bảo dưỡng xe là công việc nên làm thường xuyên, tuy nhiên trước khi đi phượt bạn vẫn nên kiểm tra lại lần nữa để đảm bảo an toàn. Bạn nên thay dầu xe trước khi đi để bảo vệ động cơ trong suốt hành trình. Tiếp đến, kiểm tra săm lốp xe trước chuyến đi, đảm bảo chúng vẫn đang vận hành tốt. Cuối cùng kiểm tra ắc quy, còi, đèn pha, đèn hậu, xi-nhan, bugi… Tất cả phải ở trong tình trạng tốt nhất!
Đồ nghề sửa xe và phụ tùng thay thế cho xe
Tiệm sửa xe hiện diện hầu hết trên khắp các tuyến đường chính, nhưng ở những tuyến đường vòng hay những đường cách xa trung tâm thì không như vậy.
Thường thì những tay chơi moto chuyên nghiệp sẽ chuẩn bị sẵn cho mình các dụng cụ sửa chữa hoặc phụ tùng thay thế thích hợp vì họ biết rằng tại hầu hết các tiệm sửa xe đều không có. Nhưng nếu bạn không hẳn là tay lái chuyên nghiệp, thì việc mang theo những dụng cụ sơ cứu (bơm xe, keo dán, dây an toàn bằng thép không gỉ, băng sửa chữa, miếng vá và phích cắm nếu bạn có lốp không săm,.. ) cho chiếc xe của mình cũng là điều nên làm.
Lưu ý rằng chỉ nên tự sơ cứu xe khi bạn biết cách sửa nó, nếu không hay thủ sẵn cho mình thông tin liên lạc với đội cứu hộ trong toàn bộ khu vực mà bạn sẽ di chuyển để có phương án xử lí kịp thời nhé.
ĐỒ BẢO HỘ XE MÁY ĐI PHƯỢT
Mũ bảo hiểm – Không đội mũ bảo hiểm thì không lái xe! Chuẩn bị một chiếc mũ bảo hiểm tốt sẽ khiến bạn an tâm và thoải mái trong suốt chuyến đi phượt. Mũ fullface hay mũ ¾ có kính luôn là lựa chọn hàng đầu khi lái xe đường dài.
Găng tay xe máy – một đôi găng tốt giúp bạn đỡ lạnh vì gió, và không bị phồng tay nếu bạn chạy xe trong thời gian dài
Giày đi phượt – Bạn không nhất thiết phải cần đến giày mô tô chuyên dụng, tuy nhiên nếu có điều kiện thì bạn vẫn nên đầu tư. Nếu không, bạn chỉ cần một đôi giày cứng chắc, đủ bảo vệ bàn chân nhưng vẫn đủ thoải mái để bạn có thể đi bộ.
Nếu chuyến đi phượt của bạn theo hơi hướng off-road, mạo hiểm, trèo đèo lội suối thì hãy trang bị thêm cho bản thân các thiết bị bảo hộ thì nên chuẩn bị thêm một số trang bị bảo hộ thiết yếu/chuyên dụng tùy vào mức độ để có thể bảo vệ bản thân tốt nhất.
ĐỒ DÙNG TRÊN ĐƯỜNG
Giấy tờ tùy thân
Không thể thiếu giấy tờ tùy thân và các loại giấy tờ xe. Bạn nên cho vào túi nhỏ chống thấm và luôn giữ cẩn thận mọi loại giấy tờ này nhé.
- CMND/ Hộ chiếu
- Đăng ký xe
- Giấy phép lái xe
- Bảo hiểm xe
Lều trại
Nếu bạn thuộc tuýp người muốn tránh xa phố thị ồn ào, tìm về nơi thiên nhiên hoang vắng và lựa chọn khung cảnh bầu trời đầy sao với không khí trong lành thì lều, túi ngủ, hay võng xếp có thể xem như một “chỗ ngủ di động” để bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào bạn muốn. Thay thế cho khách sạn, nhà nghỉ với 4 bức tường ngột ngạt. Tất cả có thể xếp gọn vào túi khô chống nước, tổng trọng lượng tối đa chỉ nên ở khoảng 3kg đổ lại.
Bộ sơ cứu y tế
Đây là những thứ thực sự quan trọng trong chuyến đi của bạn, giúp bạn trở tay kịp với trong những trường hợp bị thương, hay bệnh vặt ngoài ý muốn. Hãy thủ sẵn cho mình một ít thuốc đau bụng, một vài viên thuốc giảm đau, bông băng, thuốc đỏ, ôxi già, cồn, gạc., …. Tất cả có thể gói gọn vào một góc nhỏ trong túi hành lý của bạn, vì thế đừng tiếc không gian mà bỏ quên những thứ quyền lực này nhé.
Đồ ăn mang theo
Để đảm bảo cho chiếc bao tử của mình sau một ngày dài lái xe trên đường bạn nên chuẩn bị cho mình một ít đồ ăn đóng gói sẵn như mì tôm, bánh, hoa quả sấy. Cố gắng giữ chúng nhỏ gọn và tiết kiệm không gian cho những đồ dùng khác. Bạn có thể mua bếp chuyên dụng dùng khi đi phượt để đun nước pha cà phê, trà hoặc chế mì tôm. Cốc và bát gập sẽ giúp bạn tiết kiệm tối đa không gian và một cái kìm đa năng là đủ để nấu một bữa tối nhanh gọn. Nhớ phân loại các vỏ đựng đồ ăn và đựng vào túi nhỏ để vứt rác khi có thể bạn nhé!
Dao đa năng
Đúng với tên gọi của nó, loại dao này được thiết kế với nhiều công dụng, bạn có thể khui đồ hộp, mở nút chai, cắt đồ ăn, vặn ốc hoặc thậm chí tự vệ nếu bạn gặp nguy hiểm. Tùy vào mức độ quan trọng của mỗi chuyến đi, và chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết.
QUẦN ÁO ĐI PHƯỢT
Tốt nhất hãy mang theo những bộ đồ khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất trong điều kiện chạy xe đường dài. Sau đây là một số loại quần áo khuyến khích mang theo:
- 2 – 3 chiếc áo phông đơn giản chất vải mát, nhẹ với logo nổi bật.
- Quần dài đủ dày để che chắn khỏi cái nắng cũng như giữ ấm khi trời trở lạnh trong điều kiện lái xe đường dài.
- Quần short mặc để dạo chơi các địa điểm gần, hoặc mặc khi ngủ.
- Áo khoác cản gió, chống thấm và có thể giữ ấm cũng là một lựa chọn tuyệt vời.
- Trang bị đi mưa vào những ngày trời đổ mưa bất chợt.
CHUẨN BỊ PHƯỢT THEO ĐOÀN
Bản đồ
Chuẩn bị bản đồ mỗi người 1 chiếc, hoặc cài đặt google map và đánh dấu điểm đến tiếp theo trước mỗi chặng.
Danh sách thành viên
Ghi đầy đủ những thành viên tham gia chuyến, có cả xế và ôm, bao gồm các thông tin:
- Họ tên
- Số điện thoại
- Ngày sinh
- Email/ Facebook
Vị trí xe đi trong đoàn (đánh theo số thứ tự)
Gửi thông tin cho tất cả các thành viên
Với các chuyến đi dài ngày, nên có lịch trình cụ thể cho từng ngày để mọi thành viên đều nắm rõ.
Cờ cỡ nhỏ buộc vào mỗi xe để dễ nhận ra nhau khi di chuyển.
NÊN THUÊ HAY MUA ĐỒ PHƯỢT?
Sau khi lên được một list đồ cần mang theo khi đi phượt bằng xe máy rồi. Giờ là lúc bạn đang phân vân không biết món đồ nào nên mua và món nào nên thuê. Câu trả lời là tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của bạn. Nếu điều kiện tài chính hạn hẹp thì bạn có thuê lều trại, thậm chí xe hay mũ cùng đồ bảo hộ cũng có thể thuê với giá rẻ. So với bỏ tiền ra sắm hết các món đồ đi phượt mà chỉ sử dụng vài lần trong năm thì quả thực thuê đồ phượt là phương án tối ưu hơn. Nếu bạn xác định sẽ đầu tư để mua các món đồ đi phượt thì nên cân nhắc tới các yếu tố: chất lượng, độ bền, sự thoải mái và các tính năng đi kèm của sản phẩm. Hiện nay có rất nhiều shop bán đồ phượt và cho thuê đồ phượt giá rẻ, tuy nhiên “ tiền nào thì của nấy”, vì thế ngoài cách mua đồ online từ các trang bán hàng như: Tiki, Shopee hay Lazada thì bạn có thể tới xem trực tiếp tại cửa hàng của Chrunix có mặt tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và mua hàng trực tuyến qua website Chrunix.vn
Tổng Kết
Chuẩn bị đồ dùng đầy đủ cho một chuyến đi xa đối với những phượt thủ mới có chút khó khăn là điều không tránh khỏi. Có thể dựa vào sở thích du lịch, đặc điểm chuyến đi mà lựa chọn trang bị đi phượt phù hợp nhất để tối giản cũng như tối ưu hóa lượng hành lý mang theo.
Đối với du lịch phượt, bên cạnh việc chuẩn bị hành lý hãy sẵn sàng tâm lý thích nghi với mọi điều kiện thời tiết ngẫu nhiên nắng mưa thất thường trên đường, trên tinh thần “du lịch cẩn thận” và đặc biệt là cháy hết mình với chuyến đi.
Hy vọng những thông tin mà chúng mình đưa ra bên trên sẽ hỗ trợ các bạn có được sự chuẩn bị kỹ càng hơn, khiến cho chuyến hành trình của bạn thêm vui và ý nghĩa.