Cuối mỗi học kỳ hằng năm, chị Nguyễn Ánh (Thanh Trì, Hà Nội, có con trai học lớp 11) đều nhận thông báo của nhà trường về việc tổ chức đi tham quan, dã ngoại. Khác với mọi năm, năm nay, chị và nhiều phụ huynh khác quyết định điền vào ô “không đồng ý” cho con tham gia dã ngoại. Nguyên nhân vì lo lắng vấn đề an toàn.
Chị bày tỏ, 1 – 2 giáo viên quản lý từ 30 – 40 học sinh thì rất khó để đảm bảo an toàn. “Công việc hai vợ chồng tôi khá bận, không thể đi dã ngoại cùng các con. Hơn nữa, con đang ở độ tuổi tò mò, không có bố mẹ sát sao tôi chỉ lo phát sinh những chuyện ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy năm nay tôi không cho con tham gia đi dã ngoại cùng lớp”, chị nói.
Chi phí mỗi chuyến đi dã ngoại có mức chi phí từ 1 – 1,5 triệu đồng tùy địa điểm không phải là vấn đề mà chị cân nhắc sự an toàn của con trẻ. Chị kể, có lần con tham gia chuyến đi 2 ngày 1 đêm, đến 10h đêm hôm đó chị gọi mãi không thấy con nhấc máy nên đứng ngồi không yên. Hơn 30 phút sau, con trai mới mượn điện thoại thông báo với mẹ rằng bị rơi máy nên mất kết nối, chị mới nhẹ lòng. Nhưng đêm hôm đó, chị gần như thức trắng vì lo lắng và bất an.
Chị My (Hà Đông, Hà Nội) cũng có phen tá hỏa khi cậu con trai 5 tuổi đi lạc trong chuyến tham quan sở thú cùng lớp mầm non. May mắn cô giáo tìm thấy con đang mải mê xếp lá cây gần đó. Sau sự việc, chị My từ chối cho con tham gia đi dã ngoại.
Với trẻ hiếu động, khi tham quan chúng càng tò mò, muốn tự mình khám phá mọi thứ. Vì vậy, chỉ cần lơ là một chút cũng tìm kiếm “hết hơi rồi”. Chị thông cảm với các cô vì quá đông học sinh nên rất khó để mắt liên tục. “Phòng hơn tránh, đến khi có chuyện xảy ra rồi hối hận không kịp. Chưa kể đến việc lần nào về con chị cũng ốm sốt và phải nghỉ học”, chị nói.
Để bù đắp môi trường cho con vui chơi, cuối tuần, gia đình chị đều chi 1 – 2 triệu đồng để đi cắm trại ở ngoại thành Hà Nội. Chị cho rằng đây cũng là hoạt động bổ ích để con khám phá, kết nối với thiên nhiên.
Trong khi đó, nhiều cha mẹ mong trường thường xuyên tổ chức hoạt động dã ngoại để con được cùng bạn bè trải nghiệm thú vị. Có 2 con theo học một trường tư thục ở Gia Lâm, Hà Nội, mỗi năm chị Hương đều chi tiền triệu cho con tham gia các chuyến dã ngoại cùng trường, lớp. Những lần như vậy, các con đều tuân thủ quy định do nhà trường đề ra, như mặc đồng phục, không tự ý rời khỏi khu vực chung… để đảm bảo an toàn.
Phụ huynh có thể đăng ký tham gia chuyến đi, việc trao đổi giữa cha mẹ và giáo viên cũng rất thường xuyên. Mỗi lớp gồm khoảng 30 học sinh, có 2 giáo viên và một tổ chức dẫn tour đi kèm. Các hoạt động và lịch trình được lên kế hoạch chi tiết, sự an toàn của học sinh được đảm bảo tối đa.
Chị Hương rất ủng hộ hoạt động này, vì đây là dịp hiếm hoi để các con có cơ hội gắn kết hơn với bạn bè. Hai con chị cũng rất hào hứng khi được cùng bạn bè trải nghiệm.
Chị Nga (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn khuyến khích con tham gia hoạt động trải nghiệm bên ngoài do trường, lớp tổ chức. Trường sẽ phát cho học sinh bản kế hoạch chi tiết, phụ huynh ký đồng ý thì các con mới đi. Trong bản kế hoạch này, phụ huynh phải điền ý kiến, thông tin về các loại đồ ăn con dị ứng hay tình hình sức khỏe cần lưu ý.
Mỗi chuyến đi thường có chi phí từ 500.000 đến 1 triệu đồng, tùy thời gian và địa điểm. Vi phụ huynh cho rằng đây là mức giá hợp lý. Theo chị Nga, cha mẹ không nên quá bao bọc trẻ trong vùng an toàn, đừng biến con thành “cỗ máy chỉ biết nghe lời”. Thoát ra khỏi thế giới của sách vở, con sẽ có thêm được nhiều trải nghiệm quý giá để trưởng thành.
“Khi cùng bạn bè đi ra ngoài, con có thể khám phá ra khía cạnh khác của chính mình. Con năng động, thoải mái và biết cách cư xử đúng mực trong tập thể. Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng rằng con sẽ trưởng thành nhưng kết quả khiến tôi khá ngạc nhiên. Con hay tâm sự với mẹ về những điều mới mẻ hoặc những câu chuyện trong chuyến đi đó”, chị nói.
Dù đồng tình với các chuyến dã ngoại, song chị Nga cho rằng các trường cần tổ chức chuyên nghiệp hơn. Đơn vị nào chưa có kinh nghiệm, thầy cô có thể thuê công ty du lịch tổ chức. Việc quản lý học sinh cũng nên linh hoạt, không để một giáo viên phụ trách quá đông học sinh, dẫn đến quá tải, rồi sự cố không mong muốn.