Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo là tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch. Với tiềm năng đó, tỉnh đã hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp bao gồm thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đây là vùng Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia. Khu vực đồi núi đá phía Bắc gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và thể thao mạo hiểm; không gian du lịch đồi núi đất phía Tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được biết tới với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, và 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch đã và đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường phát triển sản phẩm du lịch Hà Giang vẫn còn trùng lặp, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp. Sản phẩm du lịch cộng đồng chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa khai thác hết giá trị văn hóa độc đáo các dân tộc, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng còn ít, quy mô nhỏ, du lịch mạo hiểm mới ở giai đoạn đầu của sự hình thành và phát triển…
Thực hiện Quyết định số 147/QĐ – TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, ngày 16/2/2022 tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND phát triển sản phẩm du lịch guiai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Hà Giang nhằm kích cầu thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng du lịch tỉnh, thúc đẩy thị trường khách trung và cao cấp, thị trường khách tiềm năng đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước. Đến năm 2025, có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, đón khoảng 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34 % GRDP của tỉnh. Đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia, đón trên 5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 20.600 tỷ đồng đóng góp 14,34 % GRDP của tỉnh. Hà Giang hướng tới nâng cao chất lượng và phát triển 5 dòng sản phẩm chính đó là: du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch thương mại cửa khẩu.
Về sản phẩm du lịch cộng đồng, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng 16 làng văn hóa du lịch đã và đang khai thác, trong đó tập trung bảo tồn văn hóa truyền thống như kiến trúc nhà truyền thống, dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội của các dân tộc phù hợp với nếp sống văn minh, phát triển làng nghề truyền thống phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như đường làng, cổng làng, cây cảnh quan, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, trạm thông tin, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, quà lưu niệm của địa phương… Phát triển các hoạt động trải nghiệm như tham gia lao động sản xuất sinh hoạt, chế biến ẩm thực, học nghề thủ công… cùng cộng đồng. Hình thành mô hình quản lý phù hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, kết nối và điều phối phát huy hiệu quả của làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp. Xây dựng và phát triển các làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với sản phẩm OCOP”, “Làng văn hóa du lịch dược liệu”, “Làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN”. Nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng điểm đến mới tại 13 làng có văn hóa, cảnh quan đặc sắc như: thôn Khâu Vai gắn với Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai, thôn Sảng Pả A gắn với dệt thổ cẩm của người Lô Lô; thôn Cốc Pảng gắn với khu du lịch Du Già; thôn Nậm Lương gắn với bảo tồn Văn hóa dân tộc Bố Y; thôn Phiêng Luông gắn với văn hóa dân tộc Mông và du lịch sinh thái thủy điện lòng hồ Bắc Mê; thôn Khuổi My gắn với văn hóa dân tộc Dao áo chàm và ruộng bậc thang; thôn Minh Thượng gắn với văn hóa dân tộc Pà Thẻn và du lịch xanh xã Tân Lập; thôn Tân Sơn gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Dao và danh thắng quốc gia Thác Thí; thôn Khun gắn với du lịch sinh thái, mạo hiểm hang Pó Mỳ; thôn Na Léng gắn với danh thắng ruộng bậc thang; thôn Quảng Hạ gắn với suối khoáng nóng Nậm Choong; thôn Nấm Ngà xã Cốc Rế… Sản phẩm du lịch văn hóa chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của các dân tộc. Lập các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng theo qui định của pháp luật nhằm phát huy giá trị di tích. Hoàn chỉnh sản phẩm du lịch lịch sử thăm chiến trường xưa. Triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng tỉnh gắn với phát triển du lịch”; trưng bày Bảo tàng văn hóa các dân tộc Cao nguyên đá Đồng Văn hiện đại, hấp dẫn thu hút khách tham quan. Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh “Tam giác chùa thiêng” gồm các di tích chùa Bình Lâm – chùa Nậm Dầu – chùa Sùng Khánh… Thực hiện đề án nâng cao chất lượng và phát triển các lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Đề xuất xây dựng 3 trung tâm bảo tồn và diễn xướng văn hóa dân tộc. Bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa chợ phiên… Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tập trung xây dựng sản phẩm danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thành khu du lịch cấp tỉnh; nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các khu du lịch sinh thái hiện có như: Phia Piu, H’Mong Village, suối khoáng nóng Thanh Hà; khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe suối khoáng Nậm Choong, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo; khu du lịch Panhou; Ho Thau Eco – village”, danh thắng Thác Tiên – Đèo Gió. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp như mô hình trang trại cam, hồng không hạt, chè shan tuyết; trồng hoa tam giác mạch, hoa cải, mộc miên, lê, mận, đỗ quyên, phong lá đỏ; trồng và chế biến dược liệu; nuôi trồng thủy sản… phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm các hoạt động sản xuất trồng cấy, thu hái, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thưởng thức sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe từ dược liệu… Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với rừng đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với tổ chức các chương trình đi bộ, leo núi, cắm trại, ngủ rừng, khám phá sự đa dạng sinh học, hang động, vui chơi giải trí dưới nước… Sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm duy trì thường xuyên tổ chức các sản phẩm du lịch mạo hiểm như: Giải marathon quốc tế “chạy trên cung đường Hạnh Phúc”; giải dù bay trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Giải đua xe đạp “một đường đua hai điểm đến”; giải trình diễn và thi đấu xe mô tô, ô tô địa hình; đua thuyền kayak, thuyền sup… theo hướng quy mô lớn, chuyên nghiệp cao, đảm bảo độ an toàn phục vụ nhu cầu du khách. Thu hút nhà đầu tư lập dự án triển khai phát triển sản phẩm khinh khí cầu bay; các sân golf… Sản phẩm du lịch thương mại, biên giới tập trung khai thác chức năng của các cửa khẩu: Thanh Thủy, Săm Pun, Mốc Năm theo mô hình trung tâm thương mại với hệ thống cửa hàng miễn thuế và trung tâm giới thiệu sản phẩm địa phương. Xây dựng, đầu tư sản phẩm du lịch xã biên giới, chợ đêm gắn với tuyến phố đi bộ và hoạt động văn nghệ dân gian…
Giải pháp để triển khai kế hoạch được xác định chủ yếu là xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch chủ đạo, có tính cạnh tranh cao và nâng cao chất lượng của sản phẩm; liên kết xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thu hút các nhà đầu tư khai thác xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch…
Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch tỉnh Hà Giang thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần định hướng cho các tổ chức, cá nhân trong chiến lược đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Nguyễn Hoài – Sở Văn hóa, TT&DL