Sau một tháng rong ruổi từ Bắc và Nam, ba bạn nhỏ Đặng Lưu An Tường (10 tuổi), Đặng Lưu Khánh Linh (7 tuổi) và Lưu Đặng Phương Đông (4 tuổi) đã có rất nhiều những kỉ niệm đáng nhớ để ghi lại trong “nhật kí mùa hè”.
“Đây là chuyến đi dài nhất của vợ chồng tôi và các con. Cả nhà đã có những đêm ngủ trên xe, dựng lều bên bãi biển, cắm trại tại đồi thông Đà Lạt, ngắm hoàng hôn đảo Lý Sơn, cùng đạp xe, chèo SUP, lặn ngắm san hô… Mọi thứ đều là thước phim đáng giá”, anh Trường kể.
Gia đình anh bắt đầu hành trình vào ngày 21/6, di chuyển theo quốc lộ 1A, bám cung đường ven biển để từ Hà Nội vào TPHCM, tới du lịch miền Tây và Cà Mau. Họ trở về theo cung đường qua các tỉnh Tây Nguyên.
Chiếc ô tô 7 chỗ của gia đình được trang bị như một “ngôi nhà di động”. Từ khi con vài tháng tuổi, vợ chồng anh Trường đã dùng chiếc xe này chở các con du lịch các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Trên xe lắp đặt hệ thống điện 3KW – đủ phục vụ các sinh hoạt cơ bản cho gia đình như đèn, quạt trong 3 ngày; 100l nước, thường dùng để tắm tráng cho các con khi tới bãi biển hay phục vụ nấu ăn ven đường.
Xe có lều nóc và hệ thống đệm ghế để đủ phục vụ cho gia đình 5 thành viên nghỉ ngơi. Hệ tủ kéo được thiết kế khéo léo để vừa tiết kiệm diện tích vừa tối ưu công năng.
Ngoài ra, vợ chồng anh Trường cũng chở theo lều trại, bàn ghế, bếp di động và ba chiếc xe đạp nhỏ của các con. Trên xe trang bị thêm một tủ lạnh nhỏ để trái cây, đồ ăn nhẹ. Anh Trường ước tính, chi phí đầu tư cho “ngôi nhà di động” này khoảng 150 triệu đồng.
Vốn dày dặn kinh nghiệm cắm trại và muốn cùng con hòa mình thiên nhiên nên vợ chồng anh Trường xác định, xuyên suốt chuyến đi, gia đình chủ yếu ngủ lều. Nếu thời tiết xấu, điều kiện không thuận lợi, anh Trường sẽ thuê khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
“Khi tôi chia sẻ thông tin chuyến đi trên mạng xã hội, một số cha mẹ bày tỏ lo lắng việc cho con ngủ ô tô, ngủ lều không thoải mái, bất tiện… Tuy nhiên, với các bạn nhà tôi, cắm trại thú vị hơn nhiều so với ở trong các khách sạn tiện nghi”, anh Trường chia sẻ.
“Tôi cũng xem đây là cơ hội để các con học cách thích nghi, sẵn sàng đối mặt với thiếu thốn, khó khăn”, anh Trường nói.
Buổi sáng, gia đình này thường thức dậy lúc 6h, dọn dẹp lều trại hoặc trả phòng rồi đi tìm nơi ăn sáng, uống cà phê, ghé thăm một vài địa điểm gần đó. Anh Trường thường lái xe từ 9h-12h30 rồi nghỉ ăn trưa. Nếu tới nơi có cảnh đẹp, gia đình sẽ dừng xe, bung bạt, hạ bếp để tự nấu các món đơn giản như bánh mì, xúc xích, mì tôm.
Gia đình luôn dừng xe trước 16h tại các bãi biển đẹp để ba bạn nhỏ thỏa thích tắm biển, nghịch cát. Những điểm cắm trại ấn tượng nhất với gia đình này có thể kể tới bãi biển Châu Tân (Quảng Ngãi), Dốc Lết (Khánh Hòa), Hàm Rồng (Thừa Thiên Huế)…
“Ba bạn nhỏ nhà tôi rất chuyên nghiệp. Xe dừng, các con sẽ tự bê đồ dùng, bàn ghế cá nhân, giúp bố mẹ dựng lều, đặt bếp…”, anh Trường kể. Vợ anh Trường thường ghé các khu chợ ven biển, tìm hải sản tươi ngon để nấu cho con hoặc nhờ các nhà hàng gần đó.
“Chuyến đi dài ngày nên việc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các bạn nhỏ rất quan trọng. Chúng tôi luôn để trên xe sữa, sữa chua, hoa quả… để bổ sung cho con”, anh Trường nói.
Theo kinh nghiệm của ông bố Hà Nội, để đảm bảo an toàn, gia đình chỉ cắm trại ở những nơi không quá vắng vẻ, gần nhà dân hay nơi cung cấp dịch vụ ăn uống. Anh Trường cũng thường gọi điện hỏi bạn bè hay chủ động tìm hiểu tình hình an ninh khu vực qua người dân địa phương.
Nếu thời tiết đẹp, gia đình dựng lều bên ngoài xe. Nếu trời lạnh, mưa, anh Trường sẽ xếp hệ thống ghế gấp để tạo giường cho 3 người ngay trong xe, đồng thời mở thêm lều nóc.
“Ngủ ở lều trại rất vui, ban đêm con có thể ngắm trăng, sao, buổi sáng ngắm bình minh”, bé An Tường, con trai lớn của anh Trường cho biết.
Khi tới các tỉnh thành, ngoài đưa con cắm trại và vui chơi ở bãi biển, vợ chồng anh Trường cũng tìm hiểu các điểm đến nổi tiếng khác như di tích lịch sử, phố du lịch để cùng con khám phá, tìm vào các làng nghề để trải nghiệm ẩm thực địa phương.
Trong hành trình, gia đình này cũng gặp một số sự cố như sa lầy ở biển hay bục két nước làm mát khi đang leo đèo Đại Ninh (Lâm Đồng).
“Thật may chúng tôi tìm được anh em bạn bè gần đó hỗ trợ kịp thời. Trong lúc chờ cứu hộ, các bạn nhỏ “bình thản” xếp bàn ghế, mang bếp ra nấu nướng, vui chơi với nhau thay vì lo lắng, buồn chán”, anh Trường kể.
Muốn các con có trải nghiệm hè đáng nhớ, vui chơi thoải mái nhất nhưng anh Trường cũng đặt ra những nguyên tắc để gia đình tuân thủ, trong đó có việc: Tuyệt đối không để lại rác thải bừa bãi ở nơi cắm trại.
Ông bố Hà Nội tin rằng, những chuyến du lịch sẽ giúp gia đình gắn kết và mang tới nhiều trải nghiệm thực tế bổ ích cho các con.
Tổng chi phí cho hành trình của gia đình anh Trường khoảng 50 triệu đồng.