Bạn Trần Lưỡng Thành (tốt nghiệp trường Cao đẳng Kĩ thuật Cao Thắng TPHCM) đã dành gần 8 triệu đồng tiết kiệm để đi du lịch bụi vào tháng 11/2022.
Trong 14 ngày, Thành đi được 3.510km, đặt chân đến 25 tỉnh thành như: Hà Nội; Hưng Yên; Vĩnh Phúc; Tuyên Quang; Hà Giang; Cao Bằng; Bắc Kạn; Thái Nguyên; Hòa Bình; Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Phú Yên; Khánh Hòa; Đà Lạt…
Chia sẻ về lý do đi phượt một mình, Thành thừa nhận, sau khi mới ra trường, cảm thấy hết năng lượng và phải chạy theo sự tấp nập, ồn ào của cuộc sống. “Do đó, mình muốn đi tới nơi không quá đông đúc để thư giãn đầu óc, hít thở không khí trong lành và nạp đầy năng lượng trước khi trở lại với cuộc sống bình thường.
Mình cũng là một người thích sự dịch chuyển, đi để thỏa mãn sự tự do, đi để có nhiều trải nghiệm, hiểu hơn về nền văn hóa bốn phương, cũng như khám phá được hết tất cả cảnh đẹp ở Việt Nam”, Thành nói.
Thành khuyên mọi người hãy mang hành lý gọn nhẹ bởi khi đi vào vùng sâu, vùng xa vẫn có nhiều dịch vụ, nếu mang nhiều đồ vừa cồng kềnh vừa mất thời gian để quản lý.
Phong cảnh được Thành ghi lại trên hành trình xuyên Việt.
Trước khi đi, Thành gác lại mọi công việc sau lưng, để đầu óc trống rỗng không mong chờ, không phán đoán, bước đi với niềm khát khao rộng mở để khám phá.
Có phần mạo hiểm khi chọn đi phượt một mình, nhưng Thành cảm thấy có nhiều điều thú vị hơn so với đi cùng nhóm bạn. Thành tự lên kế hoạch cho chuyến đi, chủ động lịch trình, không phụ thuộc vào thời gian của người khác.
“Mình được tham quan các địa điểm theo ý thích và có thời gian yên tĩnh cho bản thân. Đặc biệt, mình phải tự đối diện với những khó khăn bất ngờ, đi kèm với nguy hiểm và sự cố như ngã xe, động vật băng qua đường hay bị ốm do sốc thời tiết… đòi hỏi phải trang bị kỹ năng sinh tồn để vượt qua. Sau khi vượt qua những khó khăn đó, mình cảm thấy bản thân mạnh mẽ và trưởng thành hơn”, Thành cho biết.
Bên cạnh những khó khăn, chuyến đi xuyên Việt giúp Thành “tái tạo” nguồn năng lượng tích cực, được tiếp xúc với thiên nhiên, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới, gặp và giao lưu được nhiều bạn bè.
Trước khi đi, Thành đã bảo dưỡng xe và trang bị những kỹ năng sửa xe đơn giản khi gặp sự cố nhẹ.
Những cung đường biển đẹp mê hồn dưới góc máy của Thành.
Tổng kết lại chuyến đi, Thành liệt kê ra những cái nhất từ sự trải nghiệm của bản thân như sau: thành phố đẹp nhất (Hà Nội), cung đường đèo đẹp nhất (Đèo Hải Vân), cung đường đèo hiểm trở nhất (Đèo Mã Pí Lèng), món ăn yêu thích nhất (Phở), con đường biển đẹp nhất (cung đường ven biển Nam Trung Bộ), trải nghiệm qua Cao Bằng trên những con đường đất đỏ chưa được khai phá), điều bỏ lỡ đáng tiếc nhất (chưa được trải nghiệm hết những con đèo ở Tây Bắc và săn mây ở Tà Xùa)…
“Trong đó, Đèo Hải Vân là cung đèo đẹp nhất mình được trải nghiệm trong chuyến đi này. Cung đèo là cầu nối giữa Huế và Đà Nẵng, một bên có biển, một bên có núi, phía trên lại được mây bao phủ quanh năm, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều. Vì thế, mình đã dành nhiều thời gian ở Huế để trải nghiệm cung đèo vào 3 thời điểm khác nhau trong ngày”, chàng trai kể.