Tôi vào trang của người nhắn để “check” xem có phải tài khoản ảo không và ngạc nhiên khi thấy những bức hình chụp ở Việt Nam với những dòng ghi chú bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Ý và Anh rất chuẩn.
Điều khiến tôi chú ý hơn không phải là vì không có bất kỳ hình ảnh nào của người này mà là nội dung của những bức hình. Đó là những chữ viết bằng tiếng Việt trên các bức tường, được chụp tại rất nhiều nơi ở Hà Nội và các khu vực lân cận cũng như nhiều nơi khác ở Việt Nam. Nào là những dòng chữ cổ động như “Cán bộ và nhân dân phường Cửa Bắc quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước” hay những tấm biển “Hiệu cắt tóc”, “Tiệm sửa xe”, thậm chí là những tờ quảng cáo “khoan cắt bê tông”…
Xem hình trong trang Instagram này, tôi cứ ngỡ như đang lạc vào một Việt Nam xưa cũ, màu sắc của những bức hình cũng mang bóng dáng của một thời đã qua. Cảm giác hết sức thú vị. Thế là tôi đã làm một việc hiếm khi thực hiện trên Instagram nói riêng và mạng xã hội nói chung: trao đổi tin nhắn qua lại với chủ nhân của trang ảnh thú vị này.
Từ đó, tôi phát hiện ra một việc thú vị khác: Andrea là người Ý, từng sống ở Việt Nam, hiện cũng đang sống ở Uzbekistan như tôi với công việc giảng dạy tiếng Ý tại một trường đại học ở một thành phố khác. Anh chàng liên hệ với tôi vì muốn… nói tiếng Việt. Chúng tôi hẹn sẽ gặp khi có dịp thuận tiện. Do tôi đã kết hôn (chồng tôi cũng tên là Andrea giống anh chàng) nên trong lần gặp đầu tiên, tôi rủ Andrea của tôi cùng đi gặp Andrea kia, coi như cuộc gặp vui vẻ giữa đồng hương Ý và đồng ngôn tiếng Việt.
Vừa gặp, Andrea (từ giờ, Andrea sẽ là tên của chàng trai người Ý, còn chồng tôi sẽ là “chồng tôi”) đã khiến tôi bất ngờ khi hỏi luôn với giọng Bắc khá chuẩn: “Chị bao nhiêu tuổi? Em 3x tuổi”. Đây là câu mà tôi cũng hay hỏi khi mới quen một người Việt để tiện xưng hô. Điều này chứng tỏ Andrea khá am hiểu văn hóa Việt Nam. Anh chàng chủ động gọi tôi bằng “chị” ngay từ đầu để thể hiện sự tôn trọng.
Thêm nữa, do tôi đã lập gia đình và có con trong khi anh chàng vẫn còn độc thân nên lẽ đương nhiên… tôi là “chị”. Cuộc gặp có cả chồng tôi nên chúng tôi trò chuyện chủ yếu bằng tiếng Ý. Tuy nhiên, vì tò mò trước khả năng tiếng Việt của Andrea nên tôi quyết định hẹn gặp riêng một lần để “test” tiếng Việt của cậu. Lần gặp này diễn ra tại nhà hàng Việt Nam tại Tashkent để Andrea có thể thoải mái nói tiếng Việt và ăn món Việt, vì như cậu than thở: “Em thèm ăn phở Việt Nam quá chị ạ!”.
Tôi bảo: “Andrea này, hôm nay chị sẽ phỏng vấn em bằng tiếng Việt và quay một chút video, em có đồng ý không?” “Tất nhiên là được chứ. Nhưng sao chị không nói trước để em chuẩn bị đầu tóc, vì trông em… lộn xộn quá”. Andrea trả lời hồn nhiên khiến tôi bật cười. Tôi muốn cậu thật tự nhiên không chuẩn bị trước nên đã không đả động gì đến việc phỏng vấn trước khi gặp cậu.
Em có thể giới thiệu một chút về bản thân chứ?
– Em tên là Andrea, đến từ thành phố Naples (hay Napoli) của Ý.
Vì sao em nói tiếng Việt tốt vậy?
– Em từng sống ở Việt Nam 6 năm với công việc giảng dạy tiếng Ý tại Đại học Hà Nội. Buổi sáng, em học tiếng Việt 4 tiếng ở trường. Buổi chiều em dạy sinh viên tiếng Ý.
Việc học tiếng Việt có khó không?
– Không như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt là ngôn ngữ có sử dụng dấu đầu tiên mà em học. Ban đầu khá khó khăn, nhưng vì yêu thích việc học ngôn ngữ nên em quen dần và càng ngày càng thích tiếng Việt. Trước đó, em đã học tiếng Anh, Pháp, tiếng Farsi của người Ba Tư và tiếng Ả Rập nên việc phát âm tiếng Việt với em không quá khó nữa. Các sinh viên và người Việt Nam giúp đỡ em rất nhiều, họ luôn vui vẻ khi thấy em cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt với họ.
Em cảm thấy cuộc sống ở Việt Nam thế nào?
– Có lẽ do em đến từ Naples, một thành phố đông người, ồn ào và khá giống không khí ở Hà Nội nên chỉ sau một tuần, em đã thấy như đang ở nhà mình vậy. Em rất thích Hà Nội.
Việc xe cộ đông đúc trên đường, nhất là xe máy, không làm em sợ khi tham gia giao thông ư?
– Ồ, người Naples lái xe máy cũng lạng lách ghê lắm, họ nói to và bấm còi inh ỏi nên em thấy Hà Nội thật dễ quen. Việc lái xe máy ở Hà Nội với em rất dễ dàng, mặc dù lái xe ở Việt Nam không chỉ cần bằng lái mà cần nhiều kỹ năng khác.
Ví dụ?
– Kỹ năng kiểm soát tình huống xung quanh và tránh nhau một cách nhanh nhạy chẳng hạn. Người Việt đi xe máy rất đông, nhưng hầu như chẳng mấy khi chạm vào nhau. Em thích đi chậm, đi thong dong, không cần phóng nhanh nên không gặp vấn đề gì. Em thích “phượt” bằng xe máy lắm, vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp.
Em đã đi những đâu?
– Ồ nhiều nơi lắm, xa nhất là đến Quảng Trị. Em đã muốn đi tiếp xuống phía Nam, nhưng lúc ấy có việc gấp nên phải quay lại Hà Nội. Thật đáng tiếc.
Vì sao em thích Việt Nam đến vậy?
– Em không biết nữa, nhưng em luôn cảm thấy Việt Nam như là nhà của mình. Em đã có bạn gái (cũ) người Việt, em yêu tất cả các món ăn ở Việt Nam, em thích cả cái nóng ẩm của Việt Nam. Sau này, khi đi dạy ở những nơi khác như Mông Cổ hay châu Phi, em vẫn hay nghĩ về Việt Nam. Em mong sẽ được quay lại Việt Nam, sống và làm việc ở đó.
Nhắc đến khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, em không ngại muỗi ư?
– À lúc đầu thì em khó chịu với bọn muỗi lắm vì mỗi khi bị đốt, da của em sưng tấy lên. Nhưng rồi em đã tìm ra một thứ rất hữu hiệu – Dầu nóng. Em bôi nó lên người và lũ muỗi chạy hết. Từ đó trở đi, lúc nào trong túi em cũng có một lọ dầu nóng Việt Nam.
Nếu được quay lại Việt Nam, em thích sống ở đâu?
– Hà Nội là nơi đầu tiên đón nhận em một cách nồng hậu, em muốn trả lại cái ơn nồng hậu đó nên có lẽ sẽ chọn Hà Nội.
Câu hỏi cuối, với tư cách là một người nước ngoài yêu mến Việt Nam, em sẽ góp ý gì để Việt Nam làm tốt hơn trong việc nâng cao hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế?
– Để em lấy ví dụ về đất nước Uzbekistan nhé. Ở Samarkand, nơi em đang sống và làm việc, có một công trường khảo cổ mới được phát hiện. Người Ý đã sang giúp người Uzbek khai quật và đào tạo để họ nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ, trân trọng giá trị văn hóa của di tích lịch sử này, từ đó phát triển rộng hơn trong cộng đồng. Nếu mỗi người Việt đều hiểu biết và tự hào về các di tích văn hóa, lịch sử, họ sẽ là những một hướng dẫn viên tích cực cho đất nước của mình. Việt Nam đã có lợi thế là nơi đâu cũng có sẵn nhà nghỉ, khách sạn, homestay nên việc du lịch trong nước rất dễ dàng. Dễ hơn cả ở bên Ý.
Các bạn nghĩ thế nào về tình yêu Việt Nam và khả năng nói tiếng Việt của chàng trai 100% Tây nhưng lại rất Việt như Andrea? Hãy giao lưu với anh chàng qua trang Instagram có tên Eyesonvietnamproject nhé. Mong rằng trong tương lai không xa, Andrea sẽ tìm được cơ hội quay trở lại để sống và làm việc ở Việt Nam, đúng như ước vọng của mình.