Năm 2019, lần đầu tiên Phạm Xuân Quý (sinh năm 1988, Đồng Nai) đặt chân đến Hà Giang, vẻ đẹp của vùng đất địa đầu Tổ quốc khiến chàng thanh niên Nam Bộ choáng ngợp về sự trùng điệp, hoành tráng của núi non và cả những cung đường đèo quanh co, hiểm trở.
“Cảnh vật ở đây đẹp đến mức không thể nào diễn tả bằng lời. Mình cũng tiếp xúc với nhiều đồng bào người Mông trên đó, cảm thấy họ thật thà, hiền lành và phóng khoáng, chợ phiên mang những nét đặc trưng, khác xa so với chợ ở quê mình”, Quý nhớ lại.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống, anh chợt nhận ra cần trân trọng tuổi trẻ, ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, anh quyết định xin nghỉ vị trí quản lý một rạp chiếu phim ở Biên Hòa (Đồng Nai), mua máy ảnh và bắt đầu những chuyến đi phượt, khám phá đất nước.
Mộc Châu (Sơn La), Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái), Y Tý, Bắc Hà (Lào Cai), Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang)… là những địa điểm đầu tiên Quý nghĩ đến khi bắt đầu hành trình.
Khác với nhiều du khách đi chỉ để thưởng lãm cảnh đẹp, tận hưởng những sản phẩm du lịch độc đáo, Quý chọn cách hòa vào cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao, ăn ở cùng họ… ghi lại hình ảnh về đời sống, công việc, nụ cười của người dân, đặc biệt là trẻ em.
“Những nụ cười của em bé vùng cao rất đẹp, như những bông hoa vậy, rất yên bình. Vẻ đẹp thì nơi nào cũng có nhưng vẻ đẹp của những bông hoa nở ở những nơi khó khăn nhất lúc nào cũng làm con người ta thổn thức”, anh Quý chia sẻ.
Trong chuyến đi xuyên Việt hồi tháng 5 vừa qua, anh đã dành 8 ngày để ở lại Hà Giang, trong đó 6 ngày là ở dốc Thẩm Mã để làm bạn với những người già, những đứa trẻ.
“Sáng nào mình cũng đến đó trò chuyện, chụp ảnh, mua quà ăn vặt cho các em, tối mình lại chở các em về nhà. Do các bé không biết nói tiếng Kinh, nên mình cũng nhờ chị bán nước ở dốc Thẩm Mã dạy cho một số câu cơ bản bằng tiếng H’Mông như “Xin chào”, “Cháu tên gì”, “Cười lên nhé”… “, chàng trai Nam Bộ nói.
Những hình ảnh chuyến đi cũng được anh thường xuyên đăng tải trên các hội nhóm du lịch, với mong muốn du khách sẽ đến với vùng cao, không chỉ để khám phá cảnh đẹp đất nước, mà còn giúp cuộc sống bà con ở đây tốt hơn.
Quý chia sẻ, dù là người miền Nam nhưng anh lại cảm thấy được là chính mình khi đến với vùng cao phía Bắc, chạy xe giữa những con đường đèo uốn lượn, thưởng thức đặc sản thắng cố, mèn mén… Điều anh cảm thấy yêu nhất ở vùng đất này là những con người.
Trong hành trình, anh cũng nhận được nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ của người dân vùng cao như mời anh uống nước, ăn trưa dù chỉ có những suất cơm ăn với muối khi ra đồng đi làm.
Kỷ niệm về lòng tốt của người vùng cao khiến anh không bao giờ quên, trong một lần dừng chân tại một quán nước ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Quý vô tình để quên máy ảnh. Đến sáng hôm sau mới quay lại tìm kiếm và không còn thấy người bán hàng nào ở đó, anh đã nghĩ là mất máy ảnh, buộc phải kết thúc hành trình sớm.
Tuy nhiên, người dân xung quanh đã hỏi và tìm kiếm giúp anh. Một người bán hàng nước đã cầm về nhà giúp anh, khi Quý vừa tới cửa, chị lập tức nhận ra và vào lấy túi máy ảnh còn nguyên vẹn cho anh. Hỏi ra mới biết chị là giáo viên, buổi tối chị bán hàng nước để có thêm thu nhập.
Hay một lần khác khi đang lái xe máy tới Bản Mù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái), do mưa lớn và đường trơn trượt, Quý mất lái, khiến cả người và xe đều trôi xuống vực.
May mắn có 3 người phụ nữ đi rừng về nghe thấy tiếng kêu cứu của anh nên đã leo xuống vực, các chị dùng dây buộc để kéo cả anh và xe lên. “Lúc đó mình đã nghĩ là mình chết, may mắn là được các chị giúp đỡ. Khi mình ngỏ ý gửi tặng các chị hết số tiền mặt mình có, ai cũng cười tươi và lắc đầu không nhận. Nghĩ lại, mình đều rất cảm động”, anh nói.
Anh tâm sự, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ trở lại Hà Giang, mang theo những món quà, lần này không chỉ có những tấm ảnh mà còn là đồ dùng học tập cho trẻ em nơi đây.