Kate Moir, 17 tuổi, là nạn nhân cuối cùng của vợ chồng David và Catherine Birnie – hai kẻ sát nhân hàng loạt khét tiếng Australia. Ngày 9/11/1986, cô bị khống chế khi đang đi bộ về nhà sau một đêm vui chơi với bạn bè.
Được David và Catherine đề nghị cho đi nhờ xe, Kate cảm thấy an toàn khi biết có phụ nữ trong xe. Sau đó, cô hoảng hốt nhận ra bên trong cửa không có tay cầm và hiểu điều khủng khiếp sắp xảy đến với mình.
Hai kẻ lạ mặt trói cô và đưa về nhà ở thành phố Perth. Ở đó, cô đã trải qua những ngày tháng bị tra tấn về thể xác và tinh thần. Kate thầm hy vọng nếu ngoan ngoãn nghe lời sẽ được sống và còn hy vọng bỏ trốn. Khi tình cờ xem bản tin thời sự trên tivi, Kate mới nhận ra hai kẻ bắt cóc là những kẻ giết người.
Cặp đôi vừa chăm chú theo dõi tin tức một số cô gái mất tích trong khu vực, vừa cười cợt về họ. Chúng không nói toạc ra là thủ phạm nhưng Kate có thể suy ra từ những lời bình luận về việc biết các cô gái trong bản tin không còn sống nữa. Hiểu mình có thể sắp là nạn nhân tiếp theo, Kate suy tính cách chạy trốn.
Vào ban đêm, Kate bị phải ngủ với cổ chân bị còng vào tay David. Khi hắn ép cô uống thuốc ngủ, Kate sẽ vờ nuốt. Khi chắc chắn rằng hắn đã ngủ, cô giấu những viên thuốc dưới đệm. Cô muốn duy trì sự nhạy bén và tỉnh táo để tăng cơ hội sống sót. Không chỉ tập trung tìm cách sống sót, Kate còn muốn hai tên phải trả giá cho những gì đã gây ra cho mình và các nạn nhân trước.
Kate bí mật giấu một gói thuốc lá trên trần nhà. Bằng cách đó, nếu trốn thoát, cô có thể chứng minh rằng từng ở căn nhà này. Nếu chúng nói không quen biết, cô có thể yêu cầu cảnh sát kiểm tra trần nhà để tìm gói thuốc lá làm bằng chứng.
Kate còn tranh thủ lúc cặp đôi không chú ý, viết vội số điện thoại của mình vào một tờ giấy và giấu dưới chiếc ghế dài. Cô ấy cũng giấu son trong đệm đi văng.
Kate cũng rất nỗ lực để có được sự tin tưởng của David và Catherine. Cô kìm nén nỗi sợ và cố gắng hợp tác. Một vài lần cặp đôi còn cho Kate cùng xem tivi.
Một buổi sáng, David Birnie đi làm, nói sẽ giết cô khi trở về. Kate nhận ra cần tranh thủ cơ hội này. Cô cố gắng kết bạn với Catherine bằng cách gợi chuyện, tỏ ra hứng thú với những thứ cô ta nói. Catherine vui vẻ chia sẻ sở thích âm nhạc với Kate, bật những bài hát yêu thích cùng nghe.
Nhờ mối quan hệ hữu hảo được xây dựng, Catherine còn không buồn xích cô trong phòng ngủ, tin Kate sẽ không cố gây chuyện. Phòng ngủ có một cửa sổ bị khóa. Kate vô cùng sợ hãi về những hậu quả sẽ phải đối mặt nếu bị bắt, nhưng sau khi cân nhắc các lựa chọn, cô biết đây là cơ hội duy nhất để “nhìn thấy ngày mai”.
Kate phá khóa, nhảy ra khỏi cửa sổ và chạy thục mạng. Cô chạy xuống khu phố trong tình trạng bán khỏa thân, cầu xin sự giúp đỡ. Kate gõ cửa ba ngôi nhà nhưng không ai trả lời, thậm chí còn bị một con chó tấn công. Cuối cùng, cô tìm thấy một người đàn ông đứng bên ngoài và kể mọi chuyện.
“Giúp tôi với, tôi bị cưỡng hiếp. Hãy đưa tôi vào trong và gọi cảnh sát. Nếu một người phụ nữ đến đây và nói rằng tôi là con gái của cô ta thì đừng tin”, Kate nói.
Khi đến đồn cảnh sát, Kate nói với các sĩ quan rằng đã bị giam giữ và hãm hiếp trong nhiều ngày. Họ không tin, nói cô bịa ra câu chuyện này để gây chú ý. Viên sĩ quan giao Kate cho sĩ quan tân binh Laura Hancock để ghi chép về việc báo cáo sai sự thật.
Laura Hancock mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp trường cảnh sát. Vụ của Kate là vụ đầu tiên cô thực hiện một mình và tin Kate nói sự thật. Theo Laura, câu chuyện của Kate có những chi tiết quá phức tạp để có thể bịa ra.
Là nữ cảnh sát duy nhất làm nhiệm vụ vào thời điểm đó, Laura gặp khó khăn trong việc thuyết phục cấp trên xem xét lời khai của Kate một cách nghiêm túc. Cho đến khi Laura nhắc đến cái tên David Birnie, các đồng nghiệp của cô mới bắt đầu lắng nghe.
David Birnie có hồ sơ phạm tội rất dài, “nổi tiếng” với cảnh sát vì nhiều lần vào tù ra tội, trong đó có cưỡng hiếp một phụ nữ lớn tuổi.
Trong khi đó, ở nhà, Catherine đã đốt hết bằng chứng khi nhận ra Kate trốn thoát. Tuy nhiên, cô ta không biết về những bằng chứng Kate bí mật để lại. Cảnh sát tìm thấy những mảnh giấy nhét vào giữa đệm đi văng và những viên thuốc ngủ dưới đệm phòng ngủ.
Nhờ Kate, họ đã có chứng cứ bắt cặp đôi. Tuy nhiên, khi bị thẩm vấn, Catherine khai chưa từng gặp Kate, trong khi David khẳng định Kate tự nguyện đến nhà họ để quan hệ tình dục đồng thuận.
Sau khi cảnh sát thuyết phục, David đã thú nhận. Theo lời khai, từ 6/10 đến 5/11/1986, cặp đôi bắt cóc ít nhất năm cô gái trong độ tuổi từ 15 đến 31. Các nạn nhân bị cưỡng hiếp và tra tấn trong nhiều ngày, trở thành nô lệ tình dục phục vụ cho ảo tưởng bệnh hoạn của cặp vợ chồng này. Khi chán, chúng gây án rồi tìm các nạn nhân tiếp theo.
Chúng buộc nạn nhân viết thư cho người thân nói đã bỏ trốn, gọi điện cho cha mẹ thông báo vẫn an toàn. Vì thế, một số nạn nhân không bao giờ được tìm kiếm.
Năm 1987, David và Catherine bị tuyên bốn án tù chung thân với thời hạn tối thiểu để được ân xá là 20 năm. Năm 2005, David tự sát trong tù. Năm 2007, Catherine kết thúc thời hạn tối thiểu 20 năm mà không được ân xá và đang nộp đơn xin ân xá ba năm một lần theo quy định.
Như vậy, mỗi ba năm kể từ 2007, Kate phải kể lại những tổn thương của mình trước hội đồng ân xá để ngăn Catherine được ân xá. Là người sống sót duy nhất, cô cảm thấy áp lực rất lớn để đảm bảo những nạn nhân khác nhận được công lý xứng đáng.
Kate trở thành nhà hoạt động giúp đỡ các nạn nhân của tội ác bạo lực. Cô kêu gọi quốc hội xem xét việc khiến các nạn nhân phải sống lại trải nghiệm đau thương nhất mỗi ba năm, và gia đình của các nạn nhân phải sống trong nỗi sợ khi thủ phạm được thả tự do.
Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của Kate, năm 2018, một dự luật đã được đưa ra. Luật mới khiến những tên tội phạm bị buộc tội trong ba vụ giết người trở lên trong một phiên tòa có thể không được ân xá.
Tuệ Anh (Theo Channel7, Newsau)
- Cô gái giả chết suốt 5 năm
- Cảnh sát ‘chìm’ giăng bẫy kẻ ấu dâm
- 100 năm nhầm danh tính của cậu bé bị bắt cóc
- 18 tiếng tìm cơ hội thoát khỏi kẻ bắt cóc
- Kẻ buôn người bị ‘quả báo’ suốt 12 năm