Chúng ta thường đi đến các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Lạt, Nha Trang nhưng ngày nay, rất nhiều bạn trẻ chọn một nơi mới có ít người và chưa thực sự phát triển để tận hưởng không khí tuyệt vời: Đắk Lắk.
Người ta hay bảo đi Côn Đảo thì phải ăn ốc vú nàng nướng, còn lên Đăk Lăk thì phải uống cho được ngụm suối, ngụm sương của núi rừng dạt dào trong đóa hoa cà phê thuần vị. Nhưng đâu chỉ bấy nhiêu thôi đâu? Đắk Lắk còn rất nhiều những điểm du lịch dã ngoại đẹp hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi nên thơ khác.
1. Khu Du Lịch Sinh Thái Troh Bư – Buôn Đôn, Đắk Lắk
Từ cái tích về lũng cá lóc suối mà người xưa kể lại, nay Troh Bư đã hóa thành khu bảo tồn thực-động vật đa dạng thu nhỏ mà điển hình là các giống lan. Troh Bư không rộng, không đa dạng như Yok Đôn, nhưng lại chứa cái chất riêng chỉ nó mới có, là nơi mà Lan tìm về để neo hồn và nảy nở, tạo nên những cảnh sắc độc nhất Việt Nam với hơn 1.000 loài hoa (trong đó có cả các giống hồng cổ tự nhiên).
Đây còn là nơi để các đoàn khách, các gia đình hội họp tổ chức cắm trại, dã ngoại với nhiều trò chơi ngoài trời hấp dẫn, cũng là địa điểm để các bé có thể khám phá thế giới muôn màu thông qua những hoa, cỏ, động vật thân thiện, hiền lành và đầy màu sắc.
Troh Bư còn là nơi lưu giữ chiếc thuyền độc mộc và dàn chiêng đá nguyên bản lớn nhất Việt Nam, hai hiện vật tiêu biểu, đủ để cảm nhận được nếp xưa, hồn xưa hiện hữu thân thuộc và gần gũi ở nơi này. Quả thực ở Đăk Lăk và Tây Nguyên nói chung, hiếm có nơi nào lại kết hợp trọn vẹn giữa thiên nhiên, con người và nền văn hóa cộng đồng như vườn cảnh Troh Bư.
Đến với khu du lịch sinh thái Troh Bư, team bạn đừng quên mang theo lều phượt, túi ngủ cùng các dụng cụ dã ngoại để ở trọn vẹn 1 đêm trong núi rừng đại ngàn Đắk Lắk nhé.
2. Làng Cà Phê Trung Nguyên Buôn Mê Thuột
Thử nghĩ mà xem, Đăk Lăk nổi tiếng với đặc sản là nắng, gió, hồ, buôn,…thì cũng thưởng thức hết rồi, vậy hương vị cuối cho hành trình của chúng ta chính là hạt cà phê rang xay tại Làng cà phê Trung Nguyên, nơi mà vị giác, khứu giác, thị giác lẫn thính giác, xúc giác được lần lượt đánh thức một cách tinh tế nhất!
Với diện tích 20.000m2, làng cà phê, như đúng tên gọi của nó, được bao bọc bởi những cây cà phê cổ thụ, có giá trị về chất lẫn về hồn, về kinh tế lẫn lịch sử, văn hóa. Bên cạnh những đóa hoa trắng muốt mang hương “sáng tạo” của G7, nơi đây còn là bộ sưu tập các giống cà phê quý khác trên khắp thế giới, trong đó có cả Arabica hay Robusta,…với những cách thưởng thức riêng biệt, đầy kích thích.
Bên cạnh những câu chuyện thực tế về cây cà phê, hành trình từ nguồn cội giống loài cho đến cách cà phê đi vào đời sống với những cách thức khác nhau thông qua những công đoạn, dụng cụ, công thức, quan niệm khác nhau, thì Làng cà phê Trung Nguyên còn là nơi của quy tụ loại hình văn hóa cộng đồng dân tộc đồng bào nơi đây với kiến trúc trung tâm là nhà sàn, cồng chiêng và những đồ dùng, vật dụng truyền thống khác, cùng với đó là các món ăn đặc sắc trên khắp mọi miền tổ quốc,… Vừa được nghe kể chuyện vừa được thưởng thức ẩm thực, lại vừa được ghém gói cho mình một túi cà phê rang xay đem về làm quà cho người dưới xuôi,…nghe thật mãn nguyện cho một chuyến hành trình!
3. Du Lịch Vườn quốc gia Yok Đôn – Đắk Lắk
Nằm trên địa bàn 3 huyện (Buôn Đôn, Ea Sup, Cư Jut), Yok Đôn, một trong những khu bảo tồn sinh thái độc đáo, đa dạng, là điểm đến không một ai có thể bỏ qua khi đến đặt chân lên Đăk Lăk. Nơi đây không chỉ làm người ta phát cuồng lên bởi sự phong phú về chủng loại các hệ sinh thái thực-động vật.
Trải nghiệm Cưỡi Voi đầy thú vị
Có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, mà còn làm “hoảng hốt” một cách đầy thích thú khi du khách được tận hưởng trải nghiệm của một kiểm lâm-người gác rừng chân chính, vạch núi, băng rừng bằng voi, đôi khi là bằng chính đôi chân của mình, để ngắm nghía, vỡ òa trong sung sướng trước những thức liên cầm dị thảo của đại ngàn. Với một trái tim đầy niềm khao khát chinh phục thì hành trình về với Yok Đôn để nghe rừng gầm suối hát, để cảm nhận rõ ràng hơn không khí sương về trên rẻo cao cũng thực là kỳ thú!
4. Tháp Yang Prong
Không còn là nét thơ của mặt hồ Lăk, cũng chẳng nghe được nữa tiếng cồng chiêng của buôn Jun – buôn Lê lúc hội hè, đi thêm một chặng dài nữa, giữa những tán rừng khộp vào mùa thay lá, lặng nghe lịch sử thì thầm của tòa tháp Yang Prong. Gần tháp cũng có thác Yang Prong để hội bạn của bạn dựng trại và chill nhé.
Yang Prong ( thuộc xã Ea Rốk), tháp Chăm duy nhất tại Tây Nguyên, nơi mà nhiều đồn đoán, giả thiết ra đời. Nghe rằng, nơi này thờ thần Shiva, một vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo, biểu tượng của sự vô hạn, vô tướng, vô hình.
Mặt dù không đồ sộ như nhiều tòa tháp Chăm khác ở miền Trung, song vết tích của tín ngưỡng, thờ cúng, thần, thời gian và lịch sử vẫn còn đó, lẩn khuất đâu đấy trong từng viên gạch, chân tháp hay những gốc cây cổ thụ ngàn năm tuổi nơi này, để rồi khi đến cho mãi tận lúc đi, cái cảm giác linh thiêng cứ vờn vũ mãi.
5. Khu Du Lịch Hồ Ea Kao
Cách trung tâm thành phố 12km, khác với sắc thiên thu của hồ Lăk, Ea Kao lại mang trên mình sự dịu dàng, bình yên, ấm áp của một hồ nước có giá trị về thủy lợi và thủy sản.
Bạn có biết tớ đã nghĩ gì khi đến nơi này không?
“Ea Kao như biển Hồ, không giữ cho riêng mình một thứ gì cả, cứ thế mà hiền hòa, bao dung, phân phát nguồn nước cho ruộng đồng, tôm cá cho dân làng. Cứ thế Ea Kao sinh sôi, nảy nở sự sống cũng từ đó!”
Dẫu là một hồ nước ngọt nhân tạo, song Ea Kao vẫn toát lên vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Bao bọc quanh hồ là những cánh đồng bằng phẳng, xa một chút là thảm rừng xanh quanh năm cùng với những cây cổ thụ cổ kính xanh um một vùng,…bình yên như làng quê đồng bằng vậy đó!
Chiều chiều, đến Ea Kao, đi ngang qua con đường rợp bóng cây xanh, lại thư thái trong bảng lảng sương buông mặt hồ, người, và người lầm lũi, chân chất, giản dị trong đời sống lao động, đẹp an nhiên.
6. Buôn Ako Dhong
Nằm trong lòng Buôn Mê, Ako Dhong (hay còn gọi là Akô D’hông, Cô Thôn, Nhà Ngói) lưu giữ chân khách bằng sự nồng hậu, chân thành và cái hồn Ê đê trọn vẹn nơi này, giữa những ngôi nhà sàn nối tiếp, san sát nhau, êm đềm dưới bóng cổ thụ.
Là một trong những buôn làng giàu mạnh nhất Tây Nguyên, nằm ở đầu nguồn con suối Ea Nuôi, buôn Ako Dhong là nơi sinh sống chủ yếu của người Ê đê, có cả người H’Mông, với những tập tục, công trình, kiến trúc xưa cổ.
Vẫn có đâu đó là những ngôi nhà sàn vững chãi, là các chị, các mẹ thật duyên bên đường may thổ cẩm, là cầu ao, bến nước, vườn tược,…tất cả làm nên không khí tách biệt của Ako Dhong, khác hẳn với đô thị ồn ào, là cái vẻ trầm tư, hiền hòa, truyền thống và đầy mộc mạc, khiến cho ai đến đây cũng phải lắng lại, và hơn thế, là yêu, là nhớ buôn, nhớ làng!
7. Du Lịch Hồ Lăk – Đăk Lăk
Nhiều người ví hồ Lăk như một dải lụa thiên thanh bao bọc Liên Sơn (huyện Lăk), nhưng khi thực sự đến nơi, được xuôi dòng trên thuyền độc mộc, lại được ngắm nhìn Lăk khi hoàng hôn về, chắc chắn bạn mới thấy rõ vẻ đẹp của hồ Lắk
“Lăk chỉ là một cái hồ không hơn không kém, một cái hồ chứa cái hồn thơm thảo, nên thơ của buôn Jun, buôn M’Liêng, buôn Lê; một cái hồ chứa cái hồn thiêng của lịch sử nơi này, đằm lại, và sâu sắc”
Hồ Lăk không tự mình làm đẹp, mà là do mạch nguồn, hoa cỏ, địa chất, vị trí của nơi này. Bắt nguồn từ mạch ngầm trên dãy Chư Yang Sin, thấm đẫm qua địa tầng đất đai màu mỡ của huyện Lăk, để rồi tụ về hồ lớn, làm nên sắc thiên thanh, trong sáng của mặt hồ.
Mặt hồ lặng yên, nhưng lòng ta dạy sóng
Tứ hướng của hồ bằng phẳng và lặng lẽ những hoa, cây và thảo mộc, bên cạnh hồ là Điện Bảo Đại, trầm ngâm ngự lạc, xa hơn một chút là thảm rừng nguyên sinh xanh thẳm. Trời xanh, non xanh, sơn cước một vùng xanh,…phản quang, chiếu sắc làm xanh cả một mặt hồ.
Bởi thế cho nên, khi nghêu ngao trên thuyền giữa hồ Lăk, cứ cảm giác như lạc vào họa trấn trong những bộ phim cổ trang Trung Hoa, nhưng vẫn cảm thấy thân thuộc, thương yêu bởi tiếng chiêng, tiếng cồng của quê ta, làng ta chập chùng trong sương nắng.
8. Thác Krông K’mar, Đăk Lăk
“Đi Đăk Lăk mà không tắm thác Krông K’mar thì chẳng khác nào vào buôn Jun mà không có cuộc gặp gỡ với hồ Lăk !” Thật vậy! Krông K’mar, một trong những quần thể thác đẹp độc đáo nhất nhì Tây Nguyên, nơi mà con nước bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của Chư Yang Sin, dãy núi vờn mây giỡn với ánh mặt trời, để rồi đổ qua những lạch đá, cội cây, đổ thành Krông K’mar, thác của bạc đầu.
Nước của Krông K’mar không hiểu vì điều gì mà trong, xanh, đầy ăm ắp quanh năm. Nơi thì ào ạt thành dòng trắng xóa như tuyết, nơi thì lặng lẽ luồn lạch qua thạch đồ trận toàn đá là đá, lại có nơi đằm lại, dùng dằng như không muốn chảy, cứ thế lững lờ làm gương soi cho dân làng, du khách thập phương.
Nhớ đến Krông K’mar quyện mình vào dòng nước mát của cội nguồn, nghe chim ca, gió hát, thác reo, và lắng lại trong tiếng hoan ca của đại ngàn nhé!
9. Hang đá Đăk Tuar, Đăk Lăk
Không chỉ là một hang đá với kiến trúc thượng tầng từ trầm tích, kiến tạo của tự nhiên mà Đăk Tuar (thuộc huyện Krong Bông) còn là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử những năm tháng hào hùng chống đế quốc Mỹ. Hãy đến đây và cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ của Đắk Lắk qua điểm du lịch dã ngoại này.
Đường đi đến Đăk Tuar khá dễ dàng song khi vào trong hang động, du khách phải ngỡ ngàng, ngạc nhiên bởi kiến trúc tự nhiên nơi này, thực sự kì bí và đầy thử thách, rất thích hợp cho dân phượt chính hiệu.
10. Hang đá Krông K’mar
Đến hang đá Đăk Tuar để nghe suối Đăk Tuar reo ca, để kiếm tìm những kì thú bên trong lòng động đá, để chiêm ngưỡng những kiệt tác kiến cổ của mẹ Thiên Nhiên, để thấy rằng, Đăk Lăk cũng có nhiều điểm đáng để đến nhiều lần hơn thế nữa!