Du lịch mạo hiểm thu hút người trẻ bởi những trải nghiệm đặc biệt. Ảnh: Hie.
Khác với những chuyến du lịch ngắn ngày, vui chơi và ăn uống tại một địa điểm, du lịch mạo hiểm bao gồm những yếu tố như hoạt động thể lực, trải nghiệm văn hóa hoặc môi trường tự nhiên. Những chuyến du lịch mạo hiểm thường kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.
Với mức chi phí không quá đắt đỏ, đa dạng hình thức, du lịch mạo hiểm dần trở nên quen thuộc. Nhiều người trẻ chọn băng rừng, leo núi, phượt hàng trăm cây số một mình… để trải nghiệm cảm giác khác lạ trong những chuyến đi.
Bứt phá bản thân bằng sự liều lĩnh
Những người trẻ luôn thích khám phá điều mới mẻ, không ngại thử thách để chinh phục một vùng đất mới. Ngoài ra, du lịch mạo hiểm còn giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá tiềm năng của bản thân và làm mới tinh thần.
Trong khoảnh khắc cảm thấy nhớ núi rừng, muốn tạm xa phố thị, Trần Thị Phương Liên (23 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) mang theo vỏn vẹn 3 bộ quần áo, đổ đầy bình xăng và phượt đến Mộc Châu (Sơn La) một mình.
Phương Liên mang theo tripod để chụp ảnh khi đến Hang Táu, thác Nàng Tiên. Ảnh: Trần Thị Phương Liên.
“Tôi lái xe suối 8 tiếng để đến Mộc Châu, vừa chạy vừa thong dong ngắm núi rừng. Đi phượt một mình sẽ có nhiều rủi ro xảy ra so với đi đông người, đặc biệt là những bạn nữ như tôi”, nữ du khách nói.
Phương Liên phải vượt qua những cung đường đèo với nhiều xe lớn. Đến Hang Táu, nữ du khách bật khóc vì đoạn đường trước mắt toàn bùn lầy, bên cạnh là vực sâu thẳm.
“Cảm giác một mình giữa rừng núi, xung quanh không bóng người, không một tấm bản đồ trong tay khiến tôi muốn bỏ cuộc”, Liên chia sẻ về khó khăn khi đi phượt.
Tuy nhiên, khung cảnh bình yên, không khí trong lành và người dân mộc mạc, chất phác tại Mộc Châu đã kéo sự hào hứng của nữ du khách quay trở lại.
“Công sức tôi bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Tôi đã đến được nơi tôi muốn, ngắm được cảnh tôi thích. Ở đây, không ai biết tôi là ai, tôi có thể buông bỏ mọi mệt mỏi”, du khách này tâm sự.
Đối với Phương Liên, đi phượt một mình được nhiều hơn mất. Nữ du khách được hòa vào thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa nơi mình đến và kết nối với những người bạn mới gặp lần đầu khi đi phượt.
Tương tự, Nguyễn Dương Như Yến (26 tuổi, sinh sống tại Đồng Nai) cũng tự lái xe suốt 7 tiếng từ Đồng Nai đến Đà Lạt với mục đích phá vỡ sự an toàn của bản thân, chữa lành bằng trải nghiệm trước giờ chưa dám thử.
Như Yến tự lái xe đến Đà Lạt để làm mới bản thân. Ảnh: Nguyễn Dương Như Yến.
Trong suốt quãng đường, nữ du khách thường dừng xe lại để ngắm cảnh, khám phá những món ăn ngon, nét đẹp văn hóa của từng khu vực.
Chia sẻ về chuyến đi phượt một mình, Như Yến bộc bạch: “Tôi có chút lo lắng vì con gái đi một mình có nhiều đoạn đường vắng, xe cộ và nhiều thứ khác. Nhưng tôi đã vượt qua điều đó, xóa bỏ giới hạn hiện tại của bản thân làm tôi vui hơn, giàu sức sống hơn”.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn
Du lịch mạo hiểm gắn với nhiều rủi ro phát sinh trong hành trình, khó xử lý khi đi phượt hoặc trekking một mình. Hơn nữa, những người trẻ vốn tò mò, thích khám phá điểm đến hoang sơ, mới lạ. Nếu gặp trục trặc về xe hoặc có vấn đề về sức khỏe khi đến những địa điểm này sẽ khá nguy hiểm.
Không thường xuyên du lịch mạo hiểm nhưng du khách Lê Minh Tân (29 tuổi, sinh sống tại TP.HCM) đã một mình chinh phục cung đường TP.HCM – Kiên Giang để thăm đảo Phú Quốc.
Minh Tâm khám phá Phú Quốc trong 7 ngày 6 đêm. Ảnh: Minh Tân.
Trước khi bắt đầu hành trình phượt 250 km, Minh Tân đã chuẩn bị chu đáo từ xe cộ đến nơi lưu trú. “Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi nghĩ đến việc phượt một mình là kinh tế phải vững. Những chuyến phượt không tốn quá nhiều, nhưng có khoản dư dả thì hành trình sẽ dễ thở hơn”, du khách này cho biết.
Phượt một mình không giới hạn về độ tuổi, nhưng người tham gia cần có tình trạng sức khỏe ổn định, khả năng lái xe tốt. Để tránh rủi ro, người tham gia phải kiểm tra, bảo dưỡng xe máy thật kỹ. Những vật dụng cá nhân phải mang theo đầy đủ nhưng sắp xếp gọn gàng, nếu cồng kềnh sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình di chuyển.
“Điều cuối cùng cần chuẩn bị là tâm lý thoải mái, không lo sợ thử thách hay sự cố phía trước nếu có. Sau chuyến phượt, tôi học được cách tự lập, tự giải quyết mọi thứ”, Tân nói.
Không chỉ phượt một mình, trekking xuyên rừng cũng là loại hình du lịch mạo hiểm được nhiều bạn trẻ yêu thích vì mang lại cảm giác phiêu lưu.
Theo đuổi trekking nhiều năm, Nguyễn Anh Văn (26 tuổi, sinh sống tại TP.HCM) đã chinh phục được 6 cung đường khó nhằn như Tà Giang – Sơn Thái, đỉnh Chư Yang Lắk… Đa số cung đường trekking là những khu vực hoang dã, phải vượt dốc lớn, băng qua rừng rậm, sông suối và núi non. Có lúc, nam du khách ngã liên tục vì mưa gió lớn khiến địa hình trơn.
Trekking giúp Anh Văn phá bỏ giới hạn của chính mình. Ảnh: Văn Nguyễn.
Trekking ở địa hình hiểm trở có thể gặp phải những tình huống không mong muốn. Theo Anh Văn, có 5 điều cần chuẩn bị trước khi bắt đầu trekking xuyên rừng núi.
- Tìm hiểu về địa hình, thời tiết, điểm dừng chân ở địa điểm sắp trekking hoặc tham khảo thông tin từ những người đi trước để có thêm kinh nghiệm.
- Trekking yêu cầu sức khỏe tốt và sức bền cao. Vì vậy, người tham gia nên luyện tập thể thao đều đặn để cải thiện thể lực và khả năng chịu đựng của cơ thể.
- Quần áo trekking cần thoáng khí, thoải mái. Bắt buộc dùng giày chuyên leo núi, độ bám tốt và phù hợp với địa hình. Người tham gia nên mang theo áo khoác chống nước khi trekking vào mùa mưa.
- Chuẩn bị đầy đủ thức ăn và nước uống cho toàn bộ chuyến trekking. Ưu tiên đồ ăn nhẹ, dạng hạt, thực phẩm giàu năng lượng và thức ăn có thể chế biến nhanh.
- Học qua kiến thức sơ cứu và mang đủ vật dụng y tế cơ bản.
“Trekking cũng như mục tiêu trong cuộc sống. Việc lên kế hoạch và thực hiện chuyến trekking dài giúp rèn luyện khả năng quyết định và sự kiên nhẫn. Nếu có sự chuẩn bị tốt, đánh giá đúng khả năng của mình và tuân thủ quy tắc an toàn sẽ giảm đi rủi ro và độ mạo hiểm trong quá trình trekking”, Anh Văn chia sẻ.