Hát Quốc ca ở đảo
Tàu KN390 sau hai ngày dài trên biển, điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây. Đảo hiện ra trước bình minh đẹp và bình yên đến lạ. Đã thấy rõ những ngôi nhà ngói đỏ, những cây phong ba, bàng vuông dù mới bị bão quét qua nhưng vẫn trụ vững và đâm chồi mướt xanh.
Lễ chào cờ được tổ chức trang nghiêm, xúc động, 10 lời thề danh dự của người chiến sĩ vang động cả vùng. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, lời bài Quốc ca cất lên trầm hùng giữa biển trời bao la làm không khí trở nên trang nghiêm, hùng tráng và xúc động đến lạ kỳ.
Trong chuyến đi, chúng tôi cũng dành thời gian đến thăm 14/66 cán bộ, chiến sĩ là người Quảng Nam trên các đảo (đảo Sinh Tồn, Trường Sa lớn và trên tàu Kiểm ngư 390). Qua đó, động viên, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để quân, dân huyện đảo Trường Sa vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Dù diện tích nhỏ, nhưng Song Tử Tây là đơn vị hành chính cấp xã, có đầy đủ trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trạm khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, trường học, trạm xá… khang trang. Đặc biệt âu thuyền có sức chứa hàng chục tàu cá công suất lớn, là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Người dân trên đảo vồn vã mời bằng được khách vào thăm nhà dùng ly nước mát, rổn rảng câu chuyện về cuộc sống gian nan nhưng thú vị, thắm đượm tình người.
Sau gần một tiếng rời Song Tử Tây, chúng tôi đến đảo Đá Nam xế trưa chang chang nắng. Đây là đảo chìm, với 2 căn nhà 3 tầng chừng vài trăm mét vuông nối với nhau bằng cây cầu be bé vừa đủ cho 2 người tránh nhau. Đảo không có đất, bộ đội trồng rau trong chậu nhựa, thùng gỗ từ hộp đạn cũ… Chắc nhờ khí trời Trường Sa mà rau quả xanh tươi.
Tưởng nhớ… Gạc Ma
Quy định 5h00 báo thức toàn tàu, nhưng chẳng ai bảo ai đều dậy trước cả tiếng, chờ đợi, tưởng nhớ về sự kiện bi hùng không thể nào quên cách đây vừa tròn 35 năm – hải chiến Trường Sa. Đảo chìm Cô Lin như phần mũi của cây gậy sừng sững mọc lên giữa Biển Đông, vì chỉ cần bước ra vài chục mét là biển đã sâu thẳm. Đây là vùng biển nơi 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tạo nên vòng tròn bất tử huyền thoại. Hương trầm phảng phất, vòng hoa và hàng trăm con hạc giấy gửi đến các anh với lòng tự hào, tri ân vô hạn. Bất chợt nhìn về Gạc Ma mà nặng trĩu lòng.
Mặt trời lên cao, Cô Lin được nhuộm sắc vàng tươi, sáng bừng niềm tin của những người lính đảo, quyết giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hành trình tiếp theo, đoàn đến cụm đảo Đá Tây lúc 6h30 sáng. B và C là đảo chìm, nhà cửa, công trình giống hệt các đảo chìm khác. Đá Tây A là đảo nổi khá đẹp, có âu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá phong phú.
Anh em bộ đội ở Đá Tây C dàn hàng ngang, quân phục chỉnh tề, tay bắt mặt mừng đón chúng tôi. Ai cũng vui vẻ, hào sảng, đúng kiểu ăn sóng nói gió của lính Trường Sa. Ở đây nhộn nhịp hơn các đảo khác, vì là ngư trường đánh bắt chính của ngư dân, nhìn quanh đã thấy hơn chục chiếc tàu cá cờ đỏ sao vàng phần phật trước gió Biển Đông.
Chào thị trấn Trường Sa
Tàu tăng tốc 17,5 hải lý/giờ, gần trưa đã đến đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) – trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là nơi duy nhất trong hành trình mà tàu KN 390 trực tiếp cập cảng không cần xuồng nhỏ trung chuyển. Là đảo nổi có phần diện tích nổi lớn nhất, trên đảo có các công trình xây dựng kiên cố như nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, trung tâm y tế, trạm khí tượng thủy văn… Ấn tượng là đảo rợp bóng cây xanh, hoa trái, nhà cửa khang trang hiện đại không khác gì thành phố. Đảo ở trung tâm quần đảo Trường Sa nên thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão, tiếp nhận nước ngọt, lương thực; là nơi phát triển dịch vụ nghề cá, cảng biển.
Đón chúng tôi là những chiến sĩ săn chắc, đầy sức trẻ, lạc quan, yêu đời. Có chiến sĩ quê Quảng Nam nhanh nhảu: “Chừ hơn hẳn hồi xưa đó anh vì có sóng điện thoại, tivi, rứa là ngon hung rồi, chớ làm chi có ba bốn G mà zalo, FB”. Rồi giọng chùng xuống: “Em đã ra đảo được gần 1 năm, nên sắp đến lúc phải về rồi”. Tôi cảm nhận sự tiếc nuối của người lính trẻ.
Đúng 7 giờ sáng hôm sau, tàu tiếp cận nhà giàn DK1/17, sóng biển cấp 5, cấp 6. Xuồng trung chuyển bé tí liên tục bị tung lên, dìm xuống bởi những con sóng lớn, đập ầm ầm vào trụ nhà giàn rồi lại bị kéo ra xa. Lên giàn lúc này rất khó khăn, nguy hiểm. Vật lộn với sóng một lúc, vài người trong đoàn công tác cũng leo lên được nhà giàn hiện đại, sừng sững giữa thềm lục địa, vừa làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, vừa nghiên cứu khoa học.
Sau hành trình 7 ngày với gần 1.000 hải lý, chúng tôi cảm nhận Trường Sa đang rất gần. Chuyến đi kết thúc, nhưng mãi đọng lại nghĩa tình sâu nặng với Trường Sa. Món quà quý giá nhất mang về là niềm tin vững chắc về chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.