Ông Martin Holroyd, chuyên gia hang động thuộc hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh, cho biết, an toàn luôn là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu – cho cả du khách và hướng dẫn viên trong hành trình du lịch thiên nhiên. Với những tour vượt sông suối khi nước dâng cao, người dẫn đoàn nên cân nhắc huỷ chuyến đi, tìm đường khác, hoặc chờ khi nước rút thì mới di chuyển.
“Vào thời điểm nước dâng quá cao, các đơn vị tổ chức tour nên cân nhắc hoãn lịch trình hoặc xem xét các lựa chọn khác như thay đổi lộ trình, băng qua sông ở vị trí khác hoặc sử dụng thuyền”, ông Martin nói. Trong trường hợp có thể đi bộ qua sông, du khách sẽ được trang bị thêm dây thừng, túi ném, mũ bảo hiểm và áo phao. Dây thừng vượt suối phải là loại dây nổi, nhẹ và bền.
Khi băng qua sông, hướng dẫn viên và du khách phải kiểm tra thêm nhiều yếu tố như độ nông – sâu của dòng nước; tốc độ dòng chảy; điều kiện địa hình dưới nước; xem đáy sông có đá ngầm, sỏi, cây cối… hay không; và phát hiện sự bất thường của màu nước.
“Khi xảy ra lũ, nước sông dâng cao liên tục sẽ khiến cho cây cối bị kẹt lại tại các đồi đất ở giữa sông, các vật thể rắn bị nhấn chìm ở dưới nước khiến ta khó nhận diện. Vì vậy, bạn cần phải xác định chắc chắn điểm vượt sông an toàn. Và nếu cần thiết, ta nên đổi sang vị trí khác có dòng chảy chậm hơn”, ông Martin nói thêm.
Băng suối theo hàng ngang
Đây là cách vượt suối đơn giản nhất khi mực nước thấp dưới thắt lưng. Cả nhóm lập thành một hàng ngang, dùng vật có khả năng chịu lực tốt hoặc choàng tay qua vai và eo nhau nhằm hỗ trợ lực cho nhau.
Người có sức khỏe và kinh nghiệm nhất – thường là người dẫn đoàn – sẽ đứng trên cùng, theo hướng dòng chảy để làm giảm áp lực dòng nước. Đồng thời, người này đếm để phát lệnh cho cả đoàn cùng bước tới và đúng cự ly nhằm tránh lệch hàng lối, giảm sức chống chọi với dòng nước của tất cả.
Qua suối theo hàng dọc
Trong trường hợp nước lên cao ngang bụng thì có thể áp dụng phương pháp này. Cả đoàn kết thành một hàng dọc, tay người sau giữ lên vai người trước. Người đứng đầu tiên ngược hướng dòng chảy phải là người khỏe để cản lực nước. Có thể sử dụng thêm gậy bền chắc để chống trụ xuống lòng sông, suối làm điểm bám trụ. Với kỹ thuật này, đoàn sẽ cùng bước sang một bên, trái hoặc phải tùy theo hướng di chuyển.
Dùng dây vượt suối
Dây vượt suối có thể được sử dụng để hỗ trợ khi nước dâng cao. Người mang dây vượt suối phải dày dặn kinh nghiệm, có sức khỏe và bơi giỏi. Thừng vượt suối phải là loại dây nổi, nhẹ và bền.
Dây thừng được căng ngang qua sông để cả đoàn có thể bám vào. Hoặc các thành viên được nối vào dây thừng bằng đai và móc karabiner để nổi lên, hoặc bơi qua sông suối khi hai chân bị dòng chảy cuốn đi. Dây vượt sông, suối cũng phải chênh lệch khoảng 45 độ xuôi dòng để giảm lực đẩy từ dòng chảy.
Kỹ thuật vượt suối flying fox
Đây là kỹ thuật đòi hỏi công đoạn set up phức tạp và cần những điểm néo ở cao để tạo thành một dây đu zipline tạm thời, giúp cả đoàn có thể an toàn qua sông, suối.
Lưu ý Không nên mang theo balo hoặc trang thiết bị nặng trên người khi vượt sông suối ở mực nước lên cao. Luôn luôn có sẵn một đội cứu hộ ở khu vực phía dưới điểm vượt suối và được trang bị dây nổi cứu hộ chuyên dụng. Đây là loại dây nhẹ, bền, nổi và cuộn tròn trong túi đựng dây. Túi đựng dây được kết nối với một đầu dây trong trường hợp cần lấy nước để giúp ném dây xa hơn.
Nguyễn Nam
- Kinh nghiệm sinh tồn trong rừng của khách Việt
- Bí kíp sinh tồn khi du lịch
- Khách Tây cho con ra hoang đảo luyện kỹ năng sinh tồn
- Mẹo sinh tồn cơ bản nhiều người chưa biết