Fansipan là cái tên không còn xa lạ với những người yêu thích dịch chuyển. Nếu bạn có sức trẻ, có đam mê thì hãy hiện thực hóa ngay ước mơ chinh phục của mình. Những kinh nghiệm leo Fansipan tự túc dưới đây chắc chắn sẽ là những thông tin bổ ích giúp bạn có một chuyến đi thành công.
1. Đỉnh Fansipan ở đâu?
Fansipan thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn nằm cách thị trấn Sapa 9km về hướng Tây Nam. Với độ cao 3.143m so với mực nước biển, Fansipan không chỉ là ngọn núi cao nhất ở Việt Nam mà còn là ngọn núi cao nhất trong ba nước Đông Dương. Vì thế, người ta còn biết đến Fansipan với cái tên “Nóc nhà Đông Dương”.
Fansipan sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ, địa hình phức tạp chênh vênh trở thành một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam mà bất kì ai cũng muốn được một lần chinh phục.
2. Nên leo Fansipan tháng mấy?
Ở từng thời điểm khác nhau, Fansipan sẽ mang một vẻ đẹp riêng. Vì thế, leo núi Fansipan vào bất cứ lúc nào trong năm cũng sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, bạn có thể cân nhắc việc chinh phục Nóc nhà Đông Dương vào tháng 3 và tháng 11. Đây được xem là hai thời điểm Fansipan vào mùa đẹp nhất.
Tháng 3 là thời điểm Sapa đang vào những ngày cuối xuân, nhiệt độ ban ngày trung bình chỉ dao động từ 16 độ C- 24 độ C, rất mát mẻ, phù hợp cho việc thăm thú khắp nơi. Không chỉ thời tiết tốt, tháng 3 cũng là thời điểm nở rộ của hoa đỗ quyên – loài hoa được biết đến với danh xưng “nữ hoàng của hoa rừng Tây Bắc”. Vì thế, khi leo núi Fansipan vào thời điểm này, bạn đừng quá ngạc nhiên khi chứng kiến biển hoa với đủ sắc màu vàng, trắng, hồng, đỏ, tím.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này cũng thường xuất hiện những cơn mưa bất chợt, vì thế, bạn phải thường xuyên theo dõi các chương trình dự báo thời tiết để lựa chọn ngày leo núi phù hợp nhất.
Tháng 11 cũng là thời điểm lý tưởng cho hành trình leo núi Fansipan. Lúc này, tiết trời Sapa cực kì dễ chịu: không còn nóng nực, chuyển sang se lạnh mà không khắc nghiệt, trời quang, không mây mù, không mưa … Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn có cơ hội chiêm ngưỡng biển mây cuộn cuộn từ đỉnh Fansipan cũng như đắm mình vào những tia nắng vàng rực rỡ trên “Nóc nhà Đông Dương”.
3. Leo Fansipan cần chuẩn bị những gì?
Không phải ngẫu nhiên khi chúng ta thường gắn từ “chinh phục” khi nói về đỉnh núi Fansipan. Bởi leo đỉnh núi này là việc làm khó khăn, đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi thứ. Vậy cần chuẩn bị những gì khi leo núi Fansipan?
3.1. Sức khỏe
Leo núi là hoạt động có cường độ mạnh đòi hỏi một nền tảng thể lực tốt. Hơn nữa, Fansipan là ngọn núi cao, địa hình hiểm trở, phức tạp nên bạn càng phải chuẩn bị thật tốt mọi thứ, đặc biệt là sức khỏe.
Theo chia sẻ của nhiều người leo núi chuyên nghiệp, để hành trình leo núi của bạn thuận lợi hơn, bạn cần dành ít nhất một tuần cho sự tập luyện trước khi nước vào hành trình chinh phục. Bạn có thể rèn luyện cơ thể bằng những hoạt động thể thao đơn giản như đi bộ, chạy bộ, tập Yoga,… hay một vài bài tập đơn giản cho các cơ. Nếu có điều kiện, bạn có thể leo núi giả, leo núi trong nhà để rèn luyện trước chuyến đi.
3.2. Tinh thần
Không chỉ thể lực, bạn còn cần chuẩn bị tốt tinh thần thật tốt. Nhiều người lần đầu leo núi thường khá căng thẳng, lo lắng về chuyến đi. Tuy nhiên, điều này chỉ làm cản trở bạn hơn mà thôi. Vì thế, trước khi leo núi, bạn cần chuẩn bị tinh thần thật thoải mái, vui vẻ. Để hành trình thêm vui vẻ và thú vị, bạn có thể rủ bạn bè cùng tham gia.
3.3. Chuẩn bị thuốc men
Leo núi Fansipan là hành trình khá dài hơi cộng thêm địa hình phức tạp, nguy hiểm nên ẩn chứa nhiều rủi ro có thể xảy ra trên đường đi. Vì thế, bạn nên mang theo một số loại thuốc tiêu chảy, thuốc cảm cúm, dầu gió, cồn y tế, bông, băng gạc, miếng dán Salonpas và một số kẹo mang hàm lượng dinh dưỡng cao như Socola, kẹo béo tăng lực, chè sâm cao nóng, kem chống nắng…
3.4. Đồ dùng trang bị cần thiết
Balo
Để lựa chọn được loại balo có dung tích phù hợp bạn cần xác định được thời lượng chuyến đi. Ngoài ra, còn cần chú ý đến các yếu tố như: dây đeo phải mềm, chắc chắn; có dây thắt quanh bụng để giảm bớt trọng lượng khi mang vác, có túi cạnh để nước, chất liệu chống thấm, có giá trợ lực, …
Khi xếp đồ nên xếp những đồ dùng sử dụng thường xuyên ở phía trên và ngược lại. Khi đeo lên vai nên kéo cao quai balo, để lực dồn lên vai, không kéo người về sau rất khó chịu.
Xem thêm: Cách chọn và sử dụng balo trekking phù hợp
Giày leo núi
Giày leo núi chuyên dụng có nhiều kiểu dáng và chức năng khác nhau. Tuy nhiên, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm leo núi, bạn nên chọn loại giày cao cổ (loại cao hơn mắt cá chân một chút) để bảo vệ chân được tốt nhất và cũng rất dễ di chuyển. Để đi lại thuận tiện nhất, bạn phải chọn loại giày đúng size, không quá to cũng không quá nhỏ so với chân của mình.
Tất
Tất không chỉ có tác dụng giữ ấm chân mà làm giảm ma sát giữa chân và giày giúp bàn chân bạn thoải mái hơn khi di chuyển. Khi leo núi Fansipan, bạn nên mang theo khoảng 3-4 đôi là được. Khi lựa tất cần chọn loại được làm từ chất liệu vải dày, thoáng mát, nhanh khô. Nên chọn loại cao cổ trùm được lên quần, vừa là để giữ ấm, chống vắt.
Gậy leo núi
Gậy leo núi chuyên dụng sẽ có lò xo đàn hồi, điều chỉnh được độ dài ngắn khác nhau cho phù hợp với chiều cao của mỗi người hoặc có thể thu ngắn lại để cột vào balo khi không cần dùng đến.
Găng tay
Leo núi Fansipan bạn có thể sẽ phải vịn tay vào cỏ cây, dốc đá nên để bảo vệ đôi tay của mình, bạn cần mang theo găng tay. Loại găng tay được dùng khi leo núi là loại găng tay bảo hộ có gai cao su, khá mỏng giúp tay hoạt động linh hoạt khi leo núi.
Bọc cổ chân, gối
Hoạt động leo núi có cường độ mạnh cộng thêm việc mang vác đồ dùng cá nhân sẽ gây nhiều áp lực lên đôi chân khiến bạn dễ gặp các hiện tượng như: bong gân, giãn cơ trong quá trình dịch chuyển. Để hạn chế các hiện tượng này, bạn có thể sử dụng bọc cổ chân, gối.
Tuy nhiên, hiện nay các loại bọc gối đều có một kích cỡ, không điều chỉnh được cộng thêm việc được làm từ sợi polyester và sao su, dễ gây kích ứng da. Hoặc khi bọc quá chặt sẽ khiến chân không linh hoạt, thậm chí cản trở lưu thông máu. Nên hãy cân nhắc thật kĩ trước khi sử dụng nhé!
Quần áo
Loại quần áo mang theo sẽ phụ thuộc vào thời điểm bạn tiến hành leo núi Fansipan. Cụ thể:
Từ tháng 5 – tháng 9: thời tiết tương đối nóng; bạn nên ưu tiên các loại áo phông, quần ống rộng với chất liệu vải thoáng mát, nhanh khô; 1 chiếc áo gió nhẹ vì đêm ở Sapa thường se lạnh. Thời điểm này, Sapa thường có những cơn mưa bất chợt nên hãy mang theo một, hai bộ áo mưa giấy hoặc chọn mua bộ quần áo chống nước khi gặp mưa.
Từ tháng 10 – tháng 1: thời điểm này, nhiệt độ sẽ giảm mạnh; đặc biệt rét đậm vào tháng 12 nên bạn phải mang theo đồ ấm. Cần mang nhiều áo mỏng dài tay (3-4 cái) loại cotton và một áo khoác gió, nên chuẩn bị thêm quần tất (cho nữ), quần đông xuân (cho nam) để mặc bên trong một quần leo núi rộng. Để hạn chế trường hợp mặc quá nhiều quần áo gây khó khăn khi di chuyển, bạn nên mang theo miếng giữ nhiệt.
Từ tháng 2 – tháng 4: Khoảng thời gian này thời tiết thay đổi thất thường vì thế bạn nên theo dõi các chương trình dự báo thời tiết gần nhất để biết được mình nên mang theo những loại quần áo nào.
Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết khác khi leo núi Fansipan như: mũ đội đầu, khăn, đèn pin, dao gấp đa năng, bật lửa, thuốc chống muỗi, vắt, …
3.5 Các loại giấy tờ cần thiết
Đương nhiên, bạn không thể quên mang theo những loại giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, …
Để được leo núi Fansipan, bạn còn cần giấy phép vào rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn do Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Hoàng Liên Sơn cấp. Bạn có thể xin giấy phép vào buổi sáng, khi mà bạn bắt đầu hành trình leo núi của mình. Để được cấp giấy phép này, bạn cần thanh toán các khoản phí gồm:
Phí vệ sinh: 5.000vnđ/ngày
Phí kiểm lâm: 150.000 vnđ/ngày
Phí leo núi: 30.000 vnđ/ngày
Bảo hiểm: 5.000 vnđ/ngày
4. Tự leo Fansipan mất bao lâu?
Thông thường, để leo núi Fansipan và quay trở về bạn mất khoảng 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, với những người có thể lực tốt và thành thạo địa hình, họ có thể hoàn thành chuyến leo núi Fansipan trong vòng 1 ngày.
5. Leo núi Fansipan bằng đường nào?
Hiện nay, có 3 con đường phổ biến để lên được đỉnh Fansipan. Mức độ khó của 3 cung đường sẽ được sắp xếp theo thứ tự tăng dần sau đây:
5.1. Leo Fansipan đường Trạm Tôn: (Độ khó thấp nhất)
Xuất phát điểm của cung đường này là ở Trạm Tôn với độ cao 1.900m. Từ đây, bạn sẽ phải mất khoảng 6h để lên được điểm dừng chân thứ nhất ở độ cao 2200m; mất thêm 4h để lên được điểm dừng chân thứ 2 với độ cao 2.800m và lên được tới đỉnh Fansipan 2h sau đó.
Theo đánh giá của nhiều người, cung đường từ Trạm Tôn được đánh giá là khá dễ để chinh phục. Bởi đường đi ít dốc, di chuyển khá dễ. Cung đường như vậy sẽ phù hợp với những bạn mới lần đầu leo núi, có thể lực trung bình. Tuy nhiên, nhược điểm của cung đường này chính là cảnh quan không đa dạng như hai cung đường còn lại.
5.2. Sín Chải – Trạm Tôn: (Độ khó trung bình)
Cung đường này xuất phát từ Sín Chải ở độ cao 1.260 mét, cách trung tâm thị trấn Sapa 5km. Từ Sín Chải, bạn phải di chuyển trong khoảng 3h để đến được trạm dừng chân thứ nhất ở độ cao 2200m, 4h để đến độ cao 2800 và thêm 2h nữa để lên được đỉnh Fansipan.
Cung đường này có độ dốc rất cao đặc biệt là đoạn từ Bản Sín Chải lên độ cao 2.200m. Nhưng leo núi bằng cung đường này, bạn sẽ được thưởng thức phong cảnh rất đẹp với nhiều đỉnh đồi bạt ngàn tre trúc vàng óng.
Cung đường Sín Chải – Trạm Tôn sẽ phù hợp với những bạn có thể lực tốt nhưng không có quá nhiều thời gian cho hành trình leo núi Fansipan.
5.3. Leo Fansipan từ bản Cát Cát: (Độ khó cao nhất)
Đây là cung đường được đánh giá khó nhất khi chinh phục Fansipan. Điểm xuất phát sẽ bắt đầu từ thung lũng Cát Cát, ở độ cao 1.245 mét, kết thúc ở Sín Chải hoặc Trạm Tôn. Cung đường này dài và dốc nhất trong 3 cung đường chinh phục Fansipan.
Leo núi Fansipan từ bản Cát Cát sở hữu những con dốc cheo leo, đường đi hiểm trở tạo nên những thách thức lớn cho những người yêu thích bộ môn leo núi. Nhưng đổi lại, khi leo núi bằng con đường này, bạn sẽ được thưởng thức những cảnh quan đa dạng, thay đổi liên tục suốt tuyến đường đi.
Cung đường này phù hợp với những người có nhiều thời gian, có sức khỏe tốt và có kinh nghiệm leo núi rồi.
6. Ăn trưa, ăn tối và nghỉ đêm ở đâu?
Tùy cung đường bạn lựa chọn sẽ có những điểm nghỉ ngơi và ăn uống khác nhau. Cụ thể:
Nếu xuất phát từ Trạm Tôn bạn có thể sẽ ăn trưa ở độ cao 2200m; sau đó lên thẳng 2800m để ăn tối và nghỉ đêm.
Nếu đi đường Sín Chải – Trạm Tôn, bạn sẽ được nghỉ ngơi và ăn trưa ở độ cao 2.000m và nghỉ đêm ở độ cao 2200m.
Nếu xuất phát từ Bản Cát Cát buổi trưa đầu tiên các bạn có thể ăn tại độ cao 1.500m hoặc 1.720m. Sau đó qua đêm ở rừng Thảo quả ở độ cao 2150m. Ngày hôm sau bạn sẽ nghỉ và ăn trưa ở độ cao 2.900m. Từ đây bạn sẽ đi tụt xuống khe cạn và đi vào rừng Thảo quả, đến đêm bạn sẽ dừng chân ở độ cao 2680m. Đến trưa hôm sau sẽ lên đến đỉnh Fansipan.
7. Những lưu ý khi leo Fansipan
Leo núi Fansipan không hề đơn giản như việc leo các ngọn núi thông thường khác. Vì thế, bạn cần chú ý một số lưu ý dưới đây để có một chuyến đi được đảm bảo an toàn tuyệt đối:
Chuẩn bị một nền tảng thể lực tốt trước khi leo núi Fansipan: Trước khi bước vào hành trình leo núi, bạn nên có sự tập luyện trước đó ít nhất một tuần để các bộ phận trên cơ thể làm quen với các hoạt động có cường độ mạnh. Ngoài ra, cần xác định rõ tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu bạn là người đang mang thai hoặc mắc các bệnh như: bệnh tim mạch, huyết áp, suy hô hấp, … thì tốt nhất đừng tham gia leo núi để đảm bảo sức khỏe bản thân và không làm ảnh hưởng đến tiến độ của những thành viên khác trong đoàn. Những ngày trước khi leo núi nên ăn đủ chất bổ dưỡng, đủ vitamin C, uống đủ nước hạn chế bia rượu và quan trọng là ngủ đủ 7h/ngày.
Không nên nghỉ quá lâu sẽ sinh ra lười biếng: Để chinh phục được đỉnh Fansipan, bạn sẽ phải trải qua chặng đường nhiều khó khăn vì thế không thiếu những lúc mệt mỏi, đôi chân đau nhức đến nỗi không bước đi nổi. Những lúc như thế này, thay vì ngồi nghỉ ngơi, bạn hãy sốc lại tinh thần, ý chí của mình. Hãy tiếp tục đi khi còn có thể. Việc nghỉ ngơi quá nhiều chỉ khiến bạn thêm nản chí và ỷ lại vào thành viên khác trong đoàn mà thôi. Bạn chỉ nên nghỉ ngơi trong khoảng 5 phút để xoa bóp chân rồi tiếp tục hành trình của mình.
Nên thuê porter là những người bản địa thông thuộc địa hình: Dù bạn có nhiều kinh nghiệm leo núi thì cũng khó có thể di chuyển dễ dàng khi mang vác quá nhiều đồ đạc. Vì thế, thuê porter là một cách giúp chuyến đi được thực hiện dễ dàng hơn. Các porter ở Sapa thường là người Mông sống lân cận Sapa, họ có sự thông thuộc địa hình nên sẽ dễ ứng phó với các tình huống xảy ra trên đường đi.
Không tự ý tách đoàn: Không chỉ leo núi Fansipan, mà bất kì cuộc chinh phục nào, bạn cũng cần có sự tuân thủ tuyệt đối với nội quy và quyết định của người dẫn đoàn. Việc tự ý tách riêng, lùi lại hay tiến nhanh lên trước rất dễ khiến bạn bị lạc đường – điều cực kì đáng sợ khi bạn leo núi.
Xử lý khi lạc đường: Khi lạc đường, bạn phải thật sự bình tĩnh để xác định được hướng quay về đường cũ. Trường hợp không xác định được phương hiện, bạn nên ở yên một chỗ chờ mọi người đến tìm thay vì đi lại quá nhiều khiến cơ thể ngày càng xuống sức. Bạn nên sử dụng dây ruy băng hoặc các vật dụng khác để đánh dấu những nơi mình đã đi qua vừa giúp bản thân khỏi bị lạc quá xa lại gây sự chú ý cho mọi người.
Chú ý những cung đường nguy hiểm: Leo núi Fansipan, bạn sẽ gặp những con dốc thẳng đứng, trơn trượt, những con suối gồ ghề đá, những con đường chông chênh giữa trời. Lúc này, hãy di chuyển thật cẩn thận, ngoài giữ vững trọng tâm chân, bạn còn cần sử dụng luôn cả 2 tay bám vào đá, cây hoặc bất cứ vật gì có thể bám vào gần đó để di chuyển được. Khi leo dốc, hãy đi theo đường zic zắc sẽ đỡ mất sức hơn, khi xuống dốc, hơi khom lưng, gập gối và ướm độ chắc chắn của những vật bạn định bám vào.
Xem thêm: Những kỹ năng bạn cần trang bị để có 1 chuyến trekking an toàn
Lưu ý khi mang đồ: Bạn cần xác định rõ chức năng của từng loại đồ vật mang theo và chỉ mang theo chúng khi thực sự cần thiết. Đừng mang lung tung sẽ khiến bạn mất quá nhiều sức vào việc mang vác balo.
Bảo vệ rừng, giữ vệ sinh môi trường trong suốt hành trình: Hãy tuân thủ tuyệt đối các nội quy của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Trong quá trình di chuyển, không được vứt rác bừa bãi mà nên cho chúng vào túi hoặc balo và vứt đi khi đến điểm dừng chân có thùng rác. Không tự ý chặt cây, đốt lửa trong rừng đặc biệt vào mùa khô.
8. Chi phí leo Fansipan tự túc và đi theo tour
8.1. Chi phí leo Fansipan theo tour
Chi phí leo núi Fansipan theo tour sẽ phụ thuộc vào loại tour bạn chọn. Khi lựa chọn được công ty du lịch vừa ý, bạn sẽ được tư vấn gói tour có lịch trình và giá cả phù hợp. Mọi chi phí sẽ được thanh toán trước cho bên công ty du lịch trước khi bạn bắt đầu chuyến đi. Để đáp ứng nhu cầu leo núi Fansipan, có rất nhiều công ty du lịch lữ hành cung cấp các gói tour leo núi Fansipan cho các du khách. Giá của các tour được cung cấp bởi các công ty khác nhau sẽ khác nhau. Bạn có thể tham khảo giá tour leo núi Fansipan của Viettrekking như sau:
Tour trekking Fansipan 3N2Đ
Tour leo núi chinh phục Fansipan 2N1Đ
Chi phí này chưa bao gồm: VAT (10%), các chi phí khác ngoài chương trình, tiền tip HDV, Porter.
8.2. Chi phí leo Fansipan tự túc
Chi phí leo núi Fansipan tự túc nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào kế hoạch chi tiêu của mỗi người. Dưới đây là dự toán kinh phí dành cho bạn:
Xe khách đi lên Sapa (khứ hồi): 400.000VNĐ
Phương tiện đi lại khi đến Sapa (thuê xe máy): 100.000VNĐ + 50.000 tiền xăng
Đi chơi ngày đầu tiên: tiền vé và ăn uống các kiểu: khoảng 1.000.000 VNĐ (Chi phí này sẽ thay đổi tùy kế hoạch của mỗi người).
Thuê nhà nghỉ khách sạn đêm đầu tiên trên Sapa: khoảng 50.000VNĐ – 400.000VNĐ /người tùy loại phòng
Vé leo Fansipan: 150.000VNĐ/người
Thuê porter dẫn đường leo Fansipan và vác đồ giúp: 200.000VNĐ/ porter cho mỗi nhóm 3-4 người.
Thuê túi ngủ, các vật dụng cần thiết leo núi và lều trại: 70.000VNĐ – 100.000VNĐ/ người
Tổng chi phí: >2.000.000VNĐ.
Trên đây là những kinh nghiệm leo Fansipan tự túc chi tiết giúp bạn dễ dàng chinh phục được “Nóc nhà Đông Dương” huyền thoại. Hi vọng những thông tin từ bài viết thực sự bổ ích và mang lại cho bạn một chuyến đi thành công.