Nhóm phượt thủ được cho là dùng son để sửa số ghi mốc quốc giới.
Các cột mốc quốc giới thường nằm trong lịch trình chinh phục của các phượt thủ đam mê thử thách. Song việc chinh phục chúng thường gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí gây không ít nguy hiểm cho các phượt thủ bởi nhiều cột mốc quốc giới nằm ở vị trí hiểm trở, khó di chuyển.
Gần đây, trên các trạng mạng xã hội dành cho những người thích du lịch, khám phá đã xuất hiện hình ảnh một nhóm phượt thủ được cho là dùng son nhằm tìm cách sửa số ghi mốc quốc giới số 423 (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) thành 428 nhằm mục đích chụp ảnh, khoe khoang. Trước sự việc nên trên, những người yêu thích du lịch, khám phá cảm thấy khá bất bình.
“Chỉ vì muốn khoe mẽ mà làm ảnh hưởng tới cột mốc quốc giới phân định ranh giới lãnh thổ, thứ vô cùng thiêng liêng với người Việt Nam”, một tài khoản có tên Minh Nguyen bình luận.
Trong khi đó, một độc giả khác cho rằng: “Chúng ta đi phượt là để khám phá điều mới lạ, tận hưởng cảnh đẹp non sông gấm vóc quê hương, chứ không phải chứng minh cái tôi của mình”.
Còn anh Nguyễn Huy Hùng – một phượt thủ đang sinh sống tại Hà Nội cho biết: “Đường vào cột mốc 428 rất khó đi, vậy nên tôi nghĩ hành vi trên của có thể xuất phát từ việc các bạn muốn chứng tỏ khả năng của bản thân mình. Tuy nhiên, có lẽ các bạn không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm luật. Tôi cho rằng, trên các diễn đàn phượt, du lịch, khám phá, những người có kinh nghiệm hoặc quản trị diễn đàn nên có nhiều bài viết chia sẻ kiến thức, kỹ năng cần có khi đi phượt nhiều hơn. Chỉ như vậy, các phượt thủ mới có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tại nơi họ đặt chân tới”.
Mốc quốc giới 428 nằm ở một vị trí hiểm trở, rất khó chinh phục
Theo tìm hiểu, dù cả hai mốc quốc giới số 423 và 428 đều thuộc xã Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, song việc chinh phục mốc quốc giới số 428 khó hơn mốc quốc giới số 423 rất nhiều do con đường dài 2 km lên mốc quốc giới 248 có địa hình đồi núi ngoằn ngoèo, với những đoạn dốc thẳng đứng, phía dưới là sông, trên là vách núi. Muốn chinh phục cột mốc này, phải mất gần 3 tiếng đi bộ, bắt đầu từ cuối bản Xéo Lủng, nơi sinh sống của đồng bào H’mong.
Theo quy định tại điều 14, chương 1, Luật Biên giới Quốc gia 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2004, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới.
Liên quan tới quy định xử phạt, khoản 1, theo điều 7, chương 2, Nghị định số: 129/2006/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hại, xê dịch hoặc có bất cứ hành động gì khác có hại tới mốc quốc giới; dấu hiệu đường biên giới.