Huyện Phú Giáo nằm về phía đông Bắc của Bình Dương, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km. Với nhiều điểm tham quan, ẩm thực và lưu trú ấn tượng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho du khách khi đến với Phú Giáo.
Đập thủy lợi Phước Hòa
- Di tích lịch sử văn hóa
Huyện Phú Giáo có 3 di tích lịch sử văn hóa được công nhận xếp hạng là di tích cấp tỉnh, thành phố và nhiều điểm đến hấp dẫn. Trong đó, Cầu gãy Sông Bé là di tích lịch sử cách mạng không thể bỏ qua khi đến Phú Giáo. Cầu gãy Sông Bé nằm ở vị trí tiếp giáp giữa 2 xã là Phước Hòa và Vĩnh Hòa trên quốc lộ DT741. Nếu di chuyển từ Tây Nguyên về Sài Gòn theo hướng Đồng Xoài – Bình Phước, khi nhìn thấy Cầu gãy Sông Bé, du khách sẽ nhận ra rằng mình đang di chuyển trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với nhiều túp lều nhỏ đang nấu những nồi bắp/ ngô bày bán quanh khu vực Cầu gãy Sông Bé – một hình ảnh trở nên quen thuộc hàng chục năm qua trong lòng du khách khi có dịp đi ngang qua nơi này.
Kế đến là cụm di tích Dinh tỉnh trưởng Phước Thành, Tượng đài chiến thắng Phước Thành và công viên vui chơi tại khu vực tượng đài (lưu ý là đi vào sáng sớm hoặc cuối giờ chiều sẽ rất hấp dẫn). Hiện nay Dinh tỉnh trưởng Phước Thành trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu, chuyện kể trận đánh Phước Thành và tư liệu về vùng đất và con người Phú Giáo qua các thời kỳ. Khu vực này gần chợ Phú Giáo nên sẽ rất thuận tiện cho việc mua sắm.
- Điểm đến Nông nghiệp công nghệ cao
Phú Giáo được mệnh danh là thủ phủ của trang trại, vườn cây cao su, trại gia xúc, gia cầm, thủy sản…mà dân gian xưa gọi là mô hình Vườn – Ao – Chuồng. Ngày nay, cũng là mô hình Vườn – Ao – Chuồng nhưng Phú Giáo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình trong đó có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao U&I, trang trại Chiến Thắng, Hợp tác xã Dưa lưới Kim Long và các vườn cây ăn trái được đầu tư bài bản, có nhiều tiềm năng khai thác phục vụ khách du lịch trong thời gian tới. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao U&I làm chủ đầu tư, với quy mô hơn 400ha. Đến đây, du khách vừa có thể tham quan, vừa học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, đặc biệt là mô hình trồng dưa lưới, chuối hữu cơ …. Trang trại Chiến Thắng Citafarm (xã Tam Lập) cũng là nơi lý tưởng cho du khách đến để trải nghiệm với loại hình tham quan vườn cây ăn trái đầy đủ các loại đặc trưng của tỉnh Bình Dương, như: Măng cụt, dâu, bòn bon, mít tố nữ… Ở đây, mọi người còn có thể trải nghiệm cảm giác thú vị với câu cá giải trí, khám phá khu rừng nguyên sinh với diện tích hơn 10ha. Và, sẽ thật thú vị nếu chúng ta trải nghiệm qua đêm trong lều trại ở nơi này.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao U&I
- Điểm đến du lịch sinh thái
Bên cạnh điểm đến là di tích lịch sử – văn hóa, Trang trại – Nông nghiệp công nghệ cao, trên địa bàn huyện Phú Giáo còn có những điểm đến du lịch sinh thái, hấp dẫn, như: Suối Rạt ở xã An Bình, khu Hang Cọp ở xã Tam Lập, đập Phước Hòa ở xã An Thái…Những điểm tham quan này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn với không khí trong lành, mát mẻ rất phù hợp với những chuyến du lịch dã ngoại, thư giãn cuối tuần.
- Điểm đến du lịch tâm linh
Du lịch tâm linh ở huyện Phú Giáo, du khách có thể đến Chùa Bửu Phước ở Phước Hòa, thiền viện Trúc lâm Thanh Nguyên ở xã Tam Lập, Nhà thờ nước Vàng.
- Ẩm thực
Ẩm thực Phú Giáo khá đa dạng và phong phú, nhiều quán ăn hấp dẫn, hợp khẩu vị với nhiều du khách. Trong số những món ăn ở Phú Giáo, Có thể nói heo rừng nướng mọi chấm muối ớt xanh là món có thể “đốt cháy” mọi khẩu vị của đa số thực khách. Món này ngon nhất là du khách vào tham quan trại, sau đó chọn con heo mà mình yêu thích (trọng lượng, thể trạng mỡ – nạc,), làm thịt tại chỗ và nướng…Kế đến là món ăn “rất” dân dã mà không phải ai cũng được thưởng thức – nấm mối kho tiêu. Món này đang được bán tại nhà hàng Như Quỳnh thuộc xã Vĩnh Hòa, gần cầu gãy Sông Bé. Nấm mối thường mọc vào những tháng đầu mùa mưa, sau cơn mưa khó “chịu” vừa mưa vừa nắng trong những vườn cao su, vườn trái cây…. Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên trong khí trời “hầm – nóng” khó chịu. Những con mối sống dưới lòng đất tiết ra nước bọt, nước bọt gặp độ ẩm thích hợp sẽ mọc thành cây nấm – thường thì nấm mọc thành từng ổ nấm có rất nhiều cây, người ta quen gọi là ổ nấm mối, có nhiều ổ nấm lên đến 3, 4 kilogram, thời gian sinh trưởng của nấm mối ngắn – độ khoảng 2 đến 3 ngày, sang ngày thứ 4 nấm bắt đầu tàn. Dựa vào trạng thái của nấm người ta thường chia thành 3 loại: Nấm búp – là nấm mới nhú lên khỏi mặt đất khoảng 1 – 2cm; Nấm dù – là nấm lớn hơn nấm búp một tí, nấm có hình dáng giống cây dù lúc chuẩn bị bung ra; Nấm nở. Trong 3 loại kể trên, thì nấm búp có giá trị kinh tế nhất, giá cao, kế đến là nấm dù và sau cùng là nấm nở. Ngày nay thì nấm ít có “cơ hội” được nở vì có nhiều đội ngũ tự phát theo từng nhóm người, gọi là biệt đội săn lùng nấm mối, họ càn quát khi nấm chưa kịp lên khỏi mặt đất và thao tác cũng rất khác xưa. Họ đi đào nấm mối chứ không còn dùng tay để nhổ như xưa. Cảm giác khi gặp một ổ nấm rất khó tả – mọi cảm xúc giống như được kích hoạt đồng thời để trào dâng cùng đam mê.
Chế biến nấm: nạo sạch phần đất, rửa nhẹ nhàng với nước, sau đó mang đi chế biến. Nấm mối có thể xào, với mướp thì càng “nhức nách”, đối với nấm búp thì kho tiêu, nấu cháo, có thêm gà nữa thì thật sự là đệ nhất ẩm thực. Hiện nay người ta thường bảo quản nấm như sau; Cách 1, bảo quản nấm tươi – nấm nhổ về để nguyên đất, không sơ chế, không để dính nước, quấn giấy báo và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thời gian bảo quản khoảng 7 đến 10 ngày. Cách 2, bảo quản nấm đã chế biến, nấm sau khi chế biến (chủ yếu là kho, xào) để vào túi ni long buộc lại và để vào ngăn đông của tủ lạnh – cách này bảo quản nấm được lâu hơn. Hiện nay nhiều người đã nghiên cứu và trồng nấm mối nhưng chưa thành công nên nấm mối vẫn là đặc sản của tự nhiên.
Quay trở lại câu chuyện ẩm thực của Phú Giáo, du khách có thể tìm thấy nhiều quán ăn, nhà hàng ngon, hấp dẫn trên đường Trần Hưng Đạo ví dụ như tề Thiên Quán cũng có cảnh quang rất đẹp. Và, không nên bỏ qua quán chè Hương ngay chợ Phước Vĩnh – rất nổi tiếng.
- Lưu trú
Hiện nay huyện Phú Giáo có nhiều nhà nghỉ nhưng khách sạn lớn hầu như chưa có. Du khách du lịch tại Phú Giáo nên 1 lần lưu trú tại trang trại để cảm nhận được cuộc sống về đêm của người dân nơi đây – khoảng 1 giờ sáng, du khách sẽ nghe được những thanh âm của từng đoàn người đi khai thác mủ cao su, nhiều ánh đèn như những vì sao soi sáng cả khu vườn cao su – điểm hấp dẫn về đêm nơi miệt vườn. Du khách sẽ biết được quy trình khai thác mủ cao su – vàng trắng một thời của huyện Phú Giáo nói riêng và của Bình Dương nói chung.
Còn chần chờ gì nữa, hãy 1 lần đến Phú Giáo để trải nghiệm và cảm nhận.
Võ Thúy Hằng (TTXTDL)