1. Tà Năng – Phan Dũng
Cung đường trekking xuyên rừng đi qua Lâm Đồng – Bình Thuận đang thu hút những người mê khám phá ở phía Nam. Điểm xuất phát từ xã Tà Năng hoặc xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cần khoảng 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm để trải qua hơn 30km băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển từ độ cao 1.100 m xuống còn 500 m so với mực nước biển.
Từ trên cao nhìn xuống, hẳn ai cũng phải ấn tượng với cảnh quan kỳ vĩ thiên nhiên ban tặng nơi đây. Nếu một lần đứng trên đỉnh Tà Năng, bạn sẽ được hoà quyện với thiên nhiên khi trước mắt là đồi núi chập chùng, suối nước mát rượi cùng áng mây bồng bềnh trôi.
Địa hình đa dạng và hiểm trở như vậy đòi hỏi những người tới đây cần trang bị kiến thức và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên đường.
2. Tả Liên Sơn, Lai Châu
Núi Tả Liên (còn gọi là núi Cổ Trâu) thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ngọn núi có độ cao 2.993 m so với mặt nước biển, có khung cảnh núi non hùng vỹ cùng với thảm thực vật rừng nguyên sinh.
Theo một số phượt thủ, để leo lên đỉnh Tả Liên, bạn cần 3 ngày 2 đêm. Trưa ngày 1 bắt đầu leo, đường hoàn toàn là lối mòn mà dân bản hay đi rừng. Bạn có thể nghỉ đêm tại hang đá mà dân đi rừng hay leo vì gần như không có lán trại trên đường. Bạn cần tìm điểm nghỉ bằng phẳng, gần nguồn nước trước khi trời tối. Ngày 1 chỉ cần leo 3-4 tiếng là đủ tới cao độ 1.900 m. Ngày 2, leo lên đỉnh cao độ 2.993 m. Lên đỉnh trước 14h để có thể quay lại điểm nghỉ trước khi trời tối. Ngày 3, xuống núi, tầm trưa tới bìa rừng. Di chuyển về Sa Pa trước chiều tối.
3. Núi Lảo Thẩn
Núi Lảo Thẩn được biết đến là nóc nhà Y Tý, Lào Cai. Đây là một điểm Du lịch trekking mới ở Lào Cai được các phượt thủ chuyên nghiệp phát hiện ra. Dưới đây là những tư vấn, hướng dẫn và kinh nghiệm cho chuyến trekking, phượt núi Lảo Thẩn, Lào Cai thuận lợi nhất.
– Vị trí: Thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. – Tọa độ: 22.610420 độ, 103.686535 độ. – Cao độ: trên 2.800 m so với mực nước biển. – Thời gian leo: 2 ngày 1 đêm. – Cảnh quan: Tầm nhìn hướng về thung lũng Dền Sáng, núi Nhìu Cồ San rất đẹp. Là địa điểm “săn mây” đẹp nhất Y Tý. – Độ phức tạp: Lên xuống ít, gần đỉnh mới dốc, nhiều gió. Đường leo núi không nhiều dốc và không phức tạp. Tuy nhiên có nhiều cây bụi, gai, gió mạnh và nắng gắt. Các bạn nên chuẩn bị mũ món, quần áo cho tốt.
Lưu ý
Bạn có thể cắm trại trên bãi đất trống bên cạnh hang đá của một cặp vợ chồng người Mông tại cao độ 2.560 m. Hang đá chỉ ở được khoảng 4 người, cho nên các bạn hãy chuẩn bị túi ngủ và lều bạt. Nguồn nước cách hang khoảng 30 phút đi bộ. Tuy nhiên, khu vực rừng núi rất hiếm nước, tốt nhất các bạn nên mang nhiều nước theo.
Các bạn nên thuê porter dẫn đường, bởi đây là một điểm phượt, trekking mới, tuy địa hình không quá khó đi nhưng dễ bị lạc. Các bạn hãy liên hệ với anh porter người Mông vui tính tên Hờ để thuê anh cùng anh Lử, bạn của anh Hờ nhé.
Tổng thời gian leo núi là khoảng 6 tiếng. Lảo Thẩn được mệnh danh là nơi mặt trời mọc sớm nhất và đi ngủ muộn nhất ở Y Tý, Lào Cai, vì vậy các bạn hãy cố gắng leo lên đến đỉnh vào buổi sáng hoặc chiều tối để ngắm hoàng hôn hoặc bình minh.
Các bạn nên chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cùng đồ ăn, nước uống từ nhà hoặc mua tại Sapa bởi đồ trên Y Tý rất đắt và không nhiều. Xe có thể gửi tại trang trại rau sạch nhưng cần thỏa thuận giá và trả tiền trước, tránh mâu thuẫn.
Đặc biệt, đây là điểm du lịch mới, còn rất hoang sơ và nhạy cảm với những tác động tiêu cực của con người. Vì vậy, đề nghị các bạn có ý thức không xả rác trên núi. Trước khi rời núi hãy thu dọn sạch rác để mang xuống bản thiêu hủy.
4. Lùng Cúng
Đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Leo Lùng Cúng mất khoảng 2 ngày một đêm trong rừng để tới đỉnh và xuống núi. Bạn có thể leo từ 3 hướng khác nhau là bản Thào Chua Chải, bản Lùng Cúng hoặc bản Tu San. Hành trình sẽ đi qua rừng nguyên sinh có cảnh quan rất đẹp, bạn sẽ bắt gặp những thảm thực vật độc đáo hoặc tán lá phong.
5. Fansipan (Lào Cai)
Fansipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và Đông Dương, đồng thời được đa số dân phượt xem như mục tiêu trong những chuyến đi. Với độ cao 3.143 m, bạn có thể chinh phục ngọn núi bằng 3 đường khác nhau. Con đường dễ nhất là xuất phát từ Trạm Tôn đến đỉnh và trở về cũng bằng lối này. Thời gian chuyến đi kéo dài 2-3 ngày.
Cách thứ hai kéo dài khoảng 4 ngày với đoạn đường dài 19,5 km, bắt đầu từ “sống lưng” dãy Hoàng Liên. Cũng xuất phát từ Trạm Tôn, nhưng đường về lại theo thung lũng Mường Hoa, suối Cát Cát và đi dọc theo sườn đông của dãy Hoàng Liên.
Đường thứ ba khó khăn hơn khi xuất phát từ Dốc Mít, Bình Lư đến đỉnh. Đây là hành trình rất nguy hiểm và chỉ dân leo núi chuyên nghiệp với đầy đủ trang thiết bị mới dám đi.
6. Hang Én
Trong năm qua, khu vực Sơn Đoòng, Tú Làn hay Hang Én là những cái tên rất được quan tâm. Hang Én là hang động lớn thứ ba thế giới với hệ sinh thái phong phú và độc đáo. Nhiều người ưa mạo hiểm chưa đăng ký được tour Sơn Đoòng có thể lựa chọn nơi này để chinh phục.
Từ TP Đồng Hới, bạn đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến km 35. Khoảng cách từ km 35 đến hang Én dài khoảng 8 km. Đường có nhiều đoạn dốc, đi qua suối Rào Thương, qua bản Đoòng, một bản nhỏ của người Vân Kiều nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tiến sâu vào hang, một lần nữa bạn được chiêm ngưỡng con suối Rào Thương chảy quanh co theo hình chữ S. Càng đi vào bên trong, bạn sẽ quan sát được những thạch nhũ nhiều hình dáng khác nhau hay các tổ chim én.
7. Yên Tử
Yên Tử được nhớ tới trong trái tim của những con người Việt Nam không chỉ là một đỉnh núi cao ở vùng Đông Bắc mà là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện mang đậm sắc màu Phật Giáo. Vậy nên hành trình trekking Yên Tử đầu xuân không còn là chinh phục, là thỏa mãn đam mê mà là đi về xứ thiêng để cảm nhận trọn vẹn đạo và đời.
Đường lên Yên Tử dài gần 6000m từ chân núi lên đến đỉnh, và trên suốt quãng đường đi của mình, người ta phải vượt qua hàng ngàn bậc đá và dốc đá dựng đứng, đôi lúc gặp phải những đoạn đường trơn trượt, họ phải dùng tới gậy trúc để giữ thăng bằng. Nhưng dường như điều đó không hề khiến những kẻ hành hương phải nản lòng, họ cứ đi với một tấm lòng thành tâm và niềm tin mãnh liệt vào sự chở che của các đấng thần linh.
Và trên mỗi chặng đường, ta được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên trữ tình của mùa xuân. Đâu đó là tiếng suối róc rách êm tai, là những cây cổ thụ với niên đại hơn 700 tuổi, được phủ một tầng rêu phong xanh ngắt, như một lão ông ngồi bình lặng giữa núi rừng. Đâu đó lại có những rừng trúc cao vút xen lẫn màu trắng tinh khôi của hoa mơ. Tất cả vẽ nên một tranh xuân đầy sắc màu, nhưng cũng phảng phất cái phong vị thần bí, hoang sơ của một vùng đất thiêng.
8. Langbiang
Người ta gọi Lang Biang là nóc nhà của cao nguyên Lâm Viên, nơi ghi dấu một câu chuyện tình yêu lãng mạn thuở nào mà cho tới nay người ta vẫn ví nó như một thiên tình sử của Việt Nam. Vậy nên nhiều người chọn Lang Biang làm nơi trekking chinh phục đầu năm mới, để hít thở khí trời trong lành miền cao nguyên và cảm nhận rõ nét hơn hơi thở tình yêu vĩ đại ẩn chứa trong nhịp đập của đại ngàn.
Hành trình trekking Lang Biang cũng không quá khó khăn, đến những kẻ nghiệp dư cũng có thể lên tới đỉnh núi chỉ sau 3 – 4 giờ đi bộ. Những đoạn dốc thoai thoải, vừa đi vừa nghỉ, vừa ngắm thiên nhiên đất trời đang trổ lộc mùa xuân. Cảm xúc thật khó tả khi bạn đặt chân lên đỉnh Lang Biang mờ sương, thấy thiên nhiên hùng vỹ hiện lên trong tầm mắt và xa xa là thành phố Đà Lạt đang mơ màng trong làn khói buổi sớm mai, thấy những cung đường ngoằn ngèo nơi chốn cao nguyên, đẹp đến nao lòng.
9. Apachai, Điện Biên
Apachai (xã Xín Thầu – huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là điểm cực Tây của Việt Nam, nằm ở ngã ba biên giới của Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Cột mốc Apachai nằm trên độ cao 1.400 m so với mặt nước biển, làm bằng đá hoa cương với bệ đỡ vuông quay mặt về ba hướng. Từng mặt đều khắc tên nước bằng chữ quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia.
Cung đường trek ở Apachai không quá khó khăn như Fansipan nhưng cũng khiến nhiều trekker “mất sức”. Để chinh phục Apachai, các trekker mất từ 3-5 tiếng leo lên và xuống, tùy điều kiện thời tiết.
10. Núi Hàm Lợn Hà Nội
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km, núi Hàm Lợn là điểm trekking cuối tuần lý tưởng cho nhiều người. Với độ cao 462 m, nơi đây thường được chọn tập dượt cho những chuyến trekking Fansipan hay Apachai.
Dân phượt thường có hai con đường để chinh phục đỉnh núi. Cách thứ nhất và cũng dễ hơn là đi theo đường mòn bằng phẳng, ít bụi rậm và chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Cách thứ hai phù hợp với người ưa mạo hiểm là đi men theo suối. Thời gian di chuyển mất khoảng 4 giờ.
Bạn nên mang theo lều cắm trại qua đêm trên núi. Khi đó, bạn sẽ được ngắm khung cảnh đẹp ngỡ ngàng trong ánh bình minh hay hoàng hôn cuối ngày.
11. Đảo Cát Bà (Hải Phòng)
Nằm ở phía Bắc vịnh Hạ Long, Cát Bà là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Cát Bà. Đảo Cát Bà là nơi rừng biển gặp nhau tạo nên quần thể thiên nhiên vô cùng phong phú, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đây là điểm trekking không thể bỏ qua của những du khách đam mê khám phá.
12. Vườn quốc gia Pù Luông (Thanh Hóa)
Vườn quốc gia Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên nằm phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa. Khu vực này thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước.
Với diện tích lên tới 17.662 ha, đây là khu vực rừng đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu chính là rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi. Không chỉ vậy vườn quốc gia này còn sở hữu đỉnh Pù Luông cao 1.700 m và là điểm trekking được nhiều người yêu thích. Với 5 giờ đồng hồ để chinh phục mục tiêu, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên.
13. Đi bộ xuyên rừng và ngủ đêm ở bản người dân tộc (Sapa)
Nếu bạn thật lòng muốn tìm hiểu Sapa thì hãy làm tour trekking (đi bộ xuyên rừng) vào bản, ngủ đêm ở bản và thăm thú cảnh sống thực của người Mông, Dao, Dáy ra sao. Gần nhất, cũng rẻ nhất và ngắn ngày nhất có tour đi Tả Van hai ngày một đêm ngủ bản. Dài ngày hơn và đi xa hơn là tour Tả Phìn 3 ngày hai đêm ngủ bản. Thích hơn nữa là tour Tả Van – Tả Phìn kết hợp, bạn đi Xuyên từ Tả Van sang Tả Phìn 5 ngày 4 đêm. Bạn sẽ rong ruổi qua những vạt nương lúa đang ngậm sữa thơm ngát cả thung lũng, đi xuyên qua rừng tre trúc, chèo đèo, vượt núi, lội suối…
Mách nhỏ: Chỉ cần mua tour ở chính khách sạn bạn ở, những khách sạn từ hạng trung ở Sapa trở lên đều có dịch vụ bán tour trekking cho khách du lịch. Mỗi đội của mỗi khách sạn có một tourist guide người bản xứ, hầu hết là người Mông.
14. Mai Châu (Hòa Bình)
Thung lũng Mai Châu (Hòa Bình) là điểm trekking tuyệt vời cho những chuyến du lịch trekking. Cung đường trek Mai Châu đi xuyên qua những cánh đồng lúa xanh mướt, những bản làng tuyệt đẹp của người Mường, người Thái. Ở đây, các du khách cũng sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản và tiếp cận phong tục tập quán của người bản địa.
15. Hồ Ba Bể, Bắc Kạn
Hồ Ba Bể nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, lọt thỏm trong những núi đá vôi khổng lồ của tỉnh Bắc Kạn. Thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp của sông, suối, hang động, thác nước, ruộng lúa khiến nơi đây có cung đường trek được dân du lịch mạo hiểm yêu thích.
16. Rừng quốc gia Cúc Phương
Rừng quốc gia Cúc Phương nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa cũng là địa điểm tuyệt vời để tham gia các hoạt động trekking xuyên rừng và khám phá thiên nhiên. Đây là vườn quốc gia lâu đời nhất Việt Nam được thành lập từ năm 1982, có diện tích 22.000ha với hệ động thực vật phong phú mang đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới. Những loại động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cũng được bảo tồn tại đây. Trong rừng quốc gia Cúc Phương còn có nhiều hang động đá vôi đẹp, có những động còn di tích của loài người từ hàng vạn năm về trước. Trekking rừng Cúc Phương, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị sau khi vượt qua những đoạn đừng rừng gian khổ.
17. Nam Cát Tiên
Với những con đường mòn quanh co uốn lượn, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên trở thành điểm trekking lí tưởng nhất ở phía Nam nước ta.
Vườn quốc gia Nam Cát Tiên thuộc ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Thuận. Nơi đây được xem là khu vực có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất trong các cánh rừng ở phía Nam. Trong rừng có nhiều chủng loại cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi với đường kính hơn 20 vòng tay của người trưởng thành, khu rừng nguyên sinh, loài động vật đặc biệt quý hiếm như tê giác, khu vực đầm lầy cá sấu, những ngôi làng dân tộc… đủ để thôi thúc các trekker đến khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm.
18. Vườn Quốc gia Bạch Mã
Thời gian đi đẹp nhất là vào tháng 3-4 dương lịch (mùa Đỗ quyên)
Cách thành phố Huế khoảng 50 km đi theo Quốc lộ 1 A về phía nam, Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận Huyện Phú Lộc phía nam giáp thành phố Đà Nẵng. Vườn quốc gia Bạch Mã có độ cao 1.450m so với mặt nước biển, được kỹ sư người Pháp tên M. Girard phát hiện vào năm 1932, sau đó được chính người Pháp biến nơi đây thành khu vực nghỉ dưỡng với hệ thống 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông… Có lẽ, sẽ không đủ thời gian để ai đó muốn khám phá Bạch Mã chỉ trong vòng một ngày. Từ chân Bạch Mã, du khách có hai sự lựa chọn để bắt đầu chương trình du lịch. Hoặc là tự đi bộ lên núi và lần dở những nét đẹp trong bức tranh muôn màu nơi đây, hoặc sẽ thông qua một phương tiện vận chuyển duy nhất là ô tô với giá rất vừa phải (900.000 đồng/chuyến) vừa đi vừa về.
Kinh nghiệm: Chuẩn bị hành trang gọn nhẹ, (gồm 1 bộ áo quần, 1 áo mưa tiện lợi, 1 chăn mõng, đồ dùng cá nhân, bật lữa, 1 chai nước) Lều ngủ. Đi giày thể thao hoặc leo núi mềm.
19. Ba vì
Vườn quốc gia Ba Vì là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ với hệ thực vật khá phong phú và đa dạng, gồm 1.209 loài thực vật, trong đó có 503 loài cây thuốc. Chuyến đi trek còn cho bạn biết thêm nhiều loài cây lạ chỉ có trong các khu rừng.
Không có nhiều du khách biết tới các tuyến trek trong rừng ở Ba Vì nên bạn có thể thỏa sức khám phá mà không sợ đông đúc. Đi bộ trong rừng vắng, chỉ có tiếng chân đạp lên thảm lá mục, tiếng chim hót, và tiếng lá xào xạc trên đầu khiến ai cũng cảm thấy khoan khoái.
Tháng 5 – 9 là mùa nóng và mưa, tháng 11 – 3 là mùa khô ráo. Tuy vậy giữa hai thời kỳ đó vẫn có thời gian chuyển tiếp là tháng 4, 10 nên Ba Vì vẫn đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa du lịch thích hợp nhất ở đây là thu và hạ, những ngày nắng nhẹ bạn có thể du ngoạn leo núi, thăm các địa danh, ngắm cảnh rừng…
Với nhiệt độ không khí trung bình hàng năm khoảng 23 độ C, Ba Vì là điểm đến “trốn nóng” lý tưởng cho mỗi mùa hè nóng bức ở Hà Nội.
Nguồn sưu tầm trên internet