Thảm họa kép động đất – sóng thần đã ập đến hòn đảo Sulawesi (Indonesia) ngày 28/9, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng, mất nhà cửa… Tình cảnh bi đát của người dân Indonesia lay động những mạnh thường quân, khiến hàng loạt tổ chức từ thiện gửi nhu yếu phẩm tới vùng bị thiệt hại.
Theo SCMP, những chiến dịch cứu trợ từ xa như vậy không thực sự hiệu quả và tạo ra tác động lâu dài. Họ muốn đôi tay mình lấm bẩn, để tạo nên “khác biệt thực sự” bằng cách trở thành phượt thủ tình nguyện (voluntourist – chỉ những du khách tham gia vào các công việc tình nguyện, đa số phối hợp với một tổ chức từ thiện).
Phượt tình nguyện (voluntourism) đã dấy lên nhiều tranh cãi – đặc biệt trong giới phượt thủ phương Tây. Những người thành danh từ ngành công nghiệp này chỉ ra phượt tình nguyện kết nối lữ khách với các cộng đồng yếu thế, tạo cơ hội để họ trực tiếp hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng nhiều người khác lại cho rằng đây là trào lưu lợi bất cập hại, và chỉ phục vụ cho lợi ích của những vị khách da trắng tham gia thiện nguyện hơn là hỗ trợ các cộng đồng khó khăn. Họ là những người gặp khó khăn tại chính đất nước của mình, tìm đến các quốc gia kém phát triển để cảm thấy bản thân là một người tốt và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Chưa có số liệu chính xác cho thấy tốc độ phát triển của phượt tình nguyện, dù ước tính hàng triệu người đăng ký và đóng phí để tham gia hàng năm. Công cụ tìm kiếm của Google cho cụm từ “volunteer Asia” (tình nguyện tại châu Á) hiển thị hơn 80 triệu kết quả, với hàng loạt dự án tại Nepal, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và nhiều quốc gia khác. Những chương trình tình nguyện chăm sóc trẻ mồ côi phổ biến hơn cả.
“Không có trại trẻ mồ côi nào ‘tốt’. Những nghiên cứu được thực hiện trong 8 năm cho thấy trẻ em có môi trường giáo dục tốt nhất tại gia”, theo Guardian. Ủng hộ kết luận này, ReThink Orphanages Network, một tổ chức tại Australia, đặt mục tiêu chấm dứt các dự án đưa trẻ mồ côi vào sống trong những cơ sở từ thiện, bằng cách thay đổi quan điểm của những cá nhân và công ty hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ và phát triển quốc tế.
Tổ chức này khẳng định rằng, 80% trong số hơn 8 triệu trẻ em trong những trại mồ côi trên khắp thế giới đều có ít nhất bố hoặc mẹ còn sống, hoặc một người thân khác.
“Trong nhiều trường hợp, việc đưa trẻ vào các trại mồ côi xuất phát từ ý nguyện tốt đẹp, nhưng chính sự thiếu hiểu biết, những nhà hảo tâm ngoại quốc, giới phượt thiện nguyện, những người chịu trách nhiệm phân bổ nhân lực và tài chính… đã khiến mô hình này biến chất”, ReThink Orphanages Network viết trên website.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tại Campuchia dù số trẻ mồ côi đã giảm, số lượng trại trẻ mồ côi lại gia tăng, bởi những phượt thủ tình nguyện sẵn sàng bỏ tiền để làm việc tại các cơ sở này.
Đây chính là một lỗ hổng căn bản của mô hình từ thiện đang biến tướng này. Những phượt thủ, người trả tiền để có đặc quyền hỗ trợ cho những trại trẻ mồ côi, hiếm khi có đủ trình độ. Bởi phần nhiều họ là những học sinh cấp 3 mới tốt nghiệp, thiếu kỹ năng và mong muốn trải nghiệm cuộc sống trong một năm trì hoãn (gap year) trước khi lên bậc đại học.
Một sinh viên từ Đại học Durham (Anh) tiết lộ trên Guardian rằng: “Ít có cảnh tượng nào đáng xấu hổ hơn 20 cô học sinh Anh túm tụm đào một cái giếng dưới trời nóng như đổ lửa tại Nepal”.
Thực tế, một dự án hỗ trợ người dân tộc miền núi Chiang Mai (Thái Lan) kéo dài 4 tuần không thể tạo ra thay đổi đáng kể, với cả cộng đồng nhận trợ giúp lẫn cá nhân người tham gia tình nguyện.
Trong trường hợp này, ủng hộ vật chất cho những chương trình từ thiện có lẽ là giải pháp tối ưu, khi các mạnh thường quân có thể kiểm tra trên các trang web tổng hợp và đánh giá như GiveWell – với chỉ dẫn chi tiết về việc phân bổ tiền từ thiện tới vùng miền nào để tạo nhiều tác động nhất.
Huyền Phạm (theo SCMP)
- Khách Tây sững người nghe trẻ em Campuchia mời mua dâm
- Mặt trái của du lịch kết hợp từ thiện