Thomas Edison (11/2/1847 – 18/10/1931) là một nhà phát minh đã đem đến rất nhiều thiết bị có tác động lớn đến cuộc sống của con người trong thế kỷ 20. Trong số các thành tựu của ông, phát minh bóng đèn điện sợi đốt có lẽ là nổi tiếng nhất, khiến Edison được tôn vinh như một nhà phát minh xuất sắc nhất mọi thời đại. Tuy vậy, không chỉ có ông mới góp phần vào sự phát triển công nghệ mang tính cách mạng này.
Không phải người duy nhất “thắp sáng” văn minh nhân loại
Câu chuyện về bóng đèn điện bắt đầu từ rất lâu trước khi Edison đăng ký sáng chế thành công bóng đèn thương mại đầu tiên vào năm 1879. Ngược thời gian về năm 1800, nhà phát minh người Italia Alessandro Volta đã phát triển phương pháp đầu tiên để tạo ra điện, được gọi là cột volta.
Phương pháp này bao gồm các đĩa kẽm và đồng xếp xen kẽ, với những lớp giấy bìa cứng tẩm nước muối ở giữa, được gọi là cột volta dẫn điện khi nối một sợi dây đồng với mỗi đầu điện cực. Mặc dù thực sự là tiền thân của pin và ắc quy hiện đại, nhưng dây đồng phát sáng của Volta cũng được xem là một trong những minh chứng đầu tiên của bóng đèn.
Vào năm 1802, nhà phát minh người Anh Humphrey Davy đã tạo ra đèn điện đầu tiên trên thế giới bằng cách nối các cột volta với các điện cực bằng than. Phát minh này được gọi là đèn hồ quang điện, được đặt tên theo cung sáng rực rỡ phát ra giữa hai que carbon.
Tuy nhiên, đây không phải là nguồn sáng thực tế, vì nó cháy hết rất nhanh và quá sáng để sử dụng trong gia đình hoặc nơi làm việc.
Vào năm 1840, nhà khoa học người Anh Warren de la Rue đã phát triển một dạng bóng đèn sử dụng dây tóc platinum cuộn lại thay cho dây đồng, nhưng do chi phí cao của platinum nên loại bóng đèn này không thành công trên thị trường thương mại. Tuy vậy, ý tưởng về việc sử dụng dây tóc làm phần chính của bóng đèn đã được hình thành từ những năm 30 – 40 của thế kỷ 19.
Ai mới là cha đẻ thực sự của bóng đèn sợi đốt?
Theo các ghi chú, năm 1835, James Bowman Lindsay mới thực sự là người phát minh ra bóng đèn sợi đốt dùng điện đầu tiên trên thế giới và gần nhất với thực tế. Thật không may, ông không đăng ký được bản quyền để bảo vệ phát minh của mình và không bao giờ hoàn thiện nguyên mẫu ban đầu.
Năm 1860, nhà phát minh Joseph Swan đã nảy ra ý tưởng tạo ra một khoảng trống để làm cho sợi đốt trong bóng đèn cháy sáng lâu hơn. “Dây tóc” của Swan ban đầu được làm bằng than chì và đặt trong một bình thủy tinh hút chân không. Tuy nhiên, thiết bị để tạo chân không của Swan chưa được hoàn thiện.
Mãi tới năm 1879, Thomas Edison cùng nhóm nghiên cứu tại Menlo Park mới tiếp tục ý tưởng cải tiến sợi đốt của bóng đèn. Ông thành công trong việc chế tạo ra sợi đốt bằng bông gòn đã qua xử lý than, có thể chiếu sáng trong 14 giờ và có thể ứng dụng tốt trong điều kiện thực tế.
Dễ thấy rằng, Edison không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này, mà ông chỉ tạo điều kiện để nó tiếp cận gần hơn với cuộc sống của con người. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng nhờ khả năng nhanh chóng đăng ký bản quyền sở hữu bóng đèn.
Điều này đã khiến Edison phải đối mặt với Joseph Swan trước tòa để xác định quyền sở hữu phát minh bóng đèn. Bởi công việc của Edison không khác gì một sự cải tiến đối với phát minh của Swan, nên ông nhanh chóng thua kiện. Cuối cùng, cả hai nhà phát minh đã được ủy quyền để cùng nhau sản xuất bóng đèn. Công ty đèn điện Edison & Swan United, được biết đến với tên gọi “Ediswan”, cũng ra đời từ đó.
Bóng đèn từng bị chê thậm tệ, tưởng như “đồ bỏ”
Có thể nói rằng phát minh của Edison đã mang lại ánh sáng và sự văn minh cho cả thế giới, đồng thời cũng khai sinh ngành công nghiệp điện trên toàn cầu. Tuy nhiên, vào những ngày đầu, ý tưởng của ông không được sự quan tâm đáng kể.
Người Mỹ cho rằng ánh sáng từ bóng đèn không tự nhiên. Nhiều người còn so sánh đèn dây tóc với những đốm sáng ma trơi, mang lại điềm xấu hoặc chỉ có thể sử dụng trong truyện cổ tích. Một ủy viên của Nghị viện Mỹ đã từng phát biểu: “Bóng đèn của Edison chỉ hữu dụng ở phương bên kia Đại Tây Dương, không phải ở nước Mỹ”.
May mắn thay, theo thời gian, con người dần nhận ra giá trị mà bóng đèn đem lại. Từ đó đến ngày nay, bóng đèn điện trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người.
Article written for Campingviet.vn