Lúc con gái Đào Cát Thái An được 5 tuổi, một ngày, anh Đào Thanh Niên (39 tuổi, TP.HCM) – đang là Product owner (Zing MP3) nảy ra ý định đưa con cùng đi “phượt” bằng xe máy. Đó là buổi cắm trại cùng nhóm bạn của ba mẹ ở KDL sinh thái Cao Minh (Đồng Nai).
Nhiều lần về quê ngoại với quãng đường 70km tương đương, hành trình này vốn dĩ với An không hẳn quá mới mẻ. Tuy nhiên, vì được bố mẹ kể về việc sẽ dẫn con đi cắm trại qua đêm ở ngoài trời nên bé đã rất hứng thú và chờ đợi. Hai ngày cuối tuần sau đó, bé được tham gia tất cả các hoạt động ngoài trời như kiếm củi, đốt lửa nướng thịt, câu cá, ngủ võng dưới tán cây, ngủ lều,…
Đó là cột mốc đầu tiên khởi đầu cho hàng loạt những hành trình khám phá sau này. Cùng với ba mẹ, trên chiếc xe máy giản dị, Thái An đã khám phá nhiều vùng đất hay địa điểm du lịch mới. Có những bỡ ngỡ, không ít những khó khăn… nhưng sau cùng, hơn 5 năm “phượt” trên nhiều cung đường đã mang lại cho Thái An nói riêng và cả gia đình nói chung những trải nghiệm và bài học quý giá.
Cùng trò chuyện với ông bố trẻ để hiểu thêm về những trải nghiệm và cả kinh nghiệm đồng hành cùng con trên những chuyến xe máy đường dài.
“Đi xe máy giúp con gặp được những khung cảnh trước giờ chỉ thấy trong kỹ xảo phim ảnh”
– Được xem là một gia đình ưa xê dịch, cùng nhau chinh phục nhiều cung đường mới, hẳn trước khi có con, hai anh chị cũng đã từng thực hiện những chuyến đi trải nghiệm như thế này? Từ đâu anh chị có ý định cho con đi phượt bằng xe máy?
Không giống với nhiều gia đình khác, thường chọn du lịch theo tour hoặc tới những nơi khu du lịch nổi tiếng, vợ chồng mình từ trước đến nay thích tới những nơi ít người, thích được tận hưởng cảnh đẹp dọc đường bằng xe máy. Điều này cho phép mình trải nghiệm chuyến đi nhiều hơn, có thể ngừng lại ngắm cảnh, chụp hình hoặc thay đổi điểm ghé thăm mà không gặp trở ngại gì.
Sau lần đi chơi buổi cắm trại cùng nhóm bạn của ba mẹ ở KDL sinh thái Cao Minh con rất hứng thú, cứ hỏi ba mẹ cuối tuần sau mình có đi nữa không. Vì thế, vợ chồng mình quyết định cho con trải nghiệm thêm nhiều địa điểm khác.
– Tính đến thời điểm này Thái An đã đi được bao nhiêu địa điểm, thưa anh? Trong hành trình đó, thường cả gia đình sẽ trải qua những hoạt động gì?
Các địa điểm con đã đi xe máy cùng ba mẹ phải kể đến là: Cao Minh, thác Mai (Đồng Nai), Đa Mi (Bình Thuận), Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Mũi Dinh, Cà Ná, Phan Thiết, Đà Lạt. Hành trình TP.HCM – Vịnh Vĩnh Hy là hành trình trải nghiệm cung đường ven biển đẹp và nhiều cảm xúc nhất của cả nhà, nhất là hành trình chạy xe máy dọc đường biển tới Ninh Chữ.
Dọc đường đi con sẽ được thấy rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, những sinh hoạt của người dân miền biển: Làng chài, ruộng muối, vịnh biển,… đặc biệt ngừng lại nghỉ chân ở những nơi cảnh đẹp khi qua đồi cát trắng Bàu Trắng, Mũi Dinh, đường đèo ven biển Cà Ná,… Mỗi địa điểm gia đình sẽ có những hoạt động khác nhau để con được trải nghiệm nhiều nhất có thể.
– Du lịch cùng trẻ em vốn đã khá phức tạp. Phượt bằng xe máy có lẽ càng nhiều điều bất tiện hơn. Theo anh, điều khó khăn nhất khi thực hiện các chuyến phượt cùng con là gì? Có những sự cố nào phát sinh trên hành trình du lịch của gia đình?
Khó khăn nhất khi đi với bé nhỏ là vấn đề sức khỏe và các nguy cơ tai nạn ngoài ý muốn. Việc di chuyển bằng xe máy luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, dù nhỏ nhưng luôn có nên đây là lo lắng lớn nhất của vợ chồng mình. Kế đến là sức khỏe bé có thể bị cảm thời tiết, dị ứng, mệt mỏi do di chuyển nhiều,… Tùy vào tính cách từng bé, sẽ có những gia đình gặp nhiều khó khăn do bé kén ăn, sức khỏe kém, khó ngủ ở chỗ lạ,…
Dù chuẩn bị kỹ tới đâu thì vẫn có sai sót, trong lần đầu đi Vĩnh Hy cách đây khá lâu, do quá tin vào chỉ đường của Google mà không kiểm tra lại nên thay vì chạy tới resort Vĩnh Hy gần bờ biển thì mình lại chạy sang hướng phía bên kia núi.
Khi phát hiện ra sai lầm thì cả nhà đang đứng giữa đồng không mông quạnh lúc 6h chiều và phải quay lại chỗ cần rẽ vào đường đúng cách đó 40km. Sau đó cả nhà tiếp tục chạy qua khu vực núi Chúa lúc hơn 7h tối, do khu vực còn hoang sơ nên đường xá không bóng người. Cảm giác lúc đó là pha trộn của đủ thứ từ phấn khích mới lạ, lo sợ xe bể bánh, rồi sợ mình tiếp tục đi sai đường, sau đó lại thích thú cái không khí chạy xe dọc biển mát lạnh giữa đêm trên con đường thẳng tắp không xe cộ đông đúc như ở TP,…
Cuối cùng cả nhà cũng tới nơi trễ hơn dự kiến vài tiếng, sau khi nhận phòng và tắm rửa thì cả nhà ra khu chợ ăn uống ngay gần đó để ăn tối. Do sự cố bất ngờ ngoài dự kiến nên khi tới nơi, cảm giác sung sướng được ngồi ngay bãi biển ăn hải sản tươi nướng tại chỗ nó được nhân lên nhiều lần.
Một lần khác cũng trong hành trình Vĩnh Hy, do vô tình bị kẹt vào 1 vụ việc nên gia đình bị mất liên lạc hơn 1 tiếng đồng hồ. Hai mẹ con phải đi bộ hơn 2km, bé con phải xin đi nhờ toilet của nhà người dân dọc đường,… Cuối cùng cả nhà gặp được nhau ở 1 quán nước và tiếp tục hành trình bằng 1 con đường khác.
Ngoài những sự cố “hi hữu” thì những chuyến đi thường có rất nhiều điều bất ngờ thú vị như cung đường ven biển Cà Ná dù được nghe kể trước là rất đẹp nhưng khi chạy tới thì vẻ đẹp của nó choáng ngợp ngoài sự tưởng tượng, đến mức chạy hết đoạn đèo thì cả nhà bảo nhau: “Hay mình quay lại 1 vòng nữa đi”. Hoặc có lần đi thác Mai vào mùa bướm rừng nở, từng đàn bướm bay lên rợp trời khi xe chạy tới tạo ra 1 khung cảnh trước giờ chỉ thấy trong kỹ xảo phim ảnh.
Một hành tình cũng được đi nhiều lần là TP.HCM – Đà Lạt. Cung này thì gần giống tour ẩm thực hơn, gia đình sẽ ghé các địa điểm ăn các món ưa thích, nghỉ ngơi thư giãn ở các quán cafe hợp gu. Có nhiều lần trong 1 chuyến đi, để có nhiều trải nghiệm nhất cả nhà đổi nơi nghỉ lại mỗi đêm, như vậy mỗi sáng sớm ngủ dậy sẽ có một khung cảnh bình minh khác nhau.
Ngoài ra bé còn nhiều chuyến đi cắm trại tắm suối, ngủ lều qua đêm ở thác Mai hay rừng Đa Mi cùng ba mẹ để trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên chỉ với những tiện nghi tối thiểu.
Mỗi một chuyến đi, con tích lũy được thêm một vốn sống đáng quý
– Trước mỗi chuyến đi, anh chị lên kế hoạch, chọn địa điểm, chuẩn bị mọi thứ ra sao? Việc đi du lịch, di chuyển nhiều có ảnh hưởng đến việc học của bé?
Tùy địa điểm đi mà bước chuẩn bị của nhà mình có chút khác nhau. Những chuyến camping thì thường mình sẽ đi trước để tiền trạm, cảm thấy phù hợp thì mới lên kế hoạch cho cả nhà cùng đi. Đầu tiên cần chọn được các nơi nghỉ qua thông tin từ các bài review hoặc bạn bè giới thiệu để lựa chọn. Kế đến là dùng Google maps để đánh dấu cung đường di chuyển, các điểm nghỉ lại, khoảng cách giữa các điểm, thời gian di chuyển,…
Chuẩn bị tốt bước này mình sẽ biết phải chuẩn bị cho việc ăn uống thế nào để thoải mái và “chill” được nhiều nhất trên hành trình. Không giống như “đi phượt” của giới trẻ chỉ đơn giản kiểu xách balo đi rồi tới đâu tính tới đó, trước mỗi hành trình mới mình đều tham khảo trước các địa điểm sẽ đến, các dự định sẽ làm gì ở đó. Ví dụ: Có thể picnic ở nơi ấy không hoặc ở đó cảnh rất đẹp cứ mang cafe ra ngồi và “chill”,… Khi xác định rõ địa điểm và chương trình mình sẽ chuẩn bị mang theo những trang bị phù hợp cho chuyến đi.
Ngoài ra việc đảm bảo tình trạng tốt nhất cho xe trước hành trình là rất quan trọng, vì vậy trước chuyến đi mình đều mang xe đi kiểm tra thay nhớt, bôi dầu; thay thế những phụ kiện cần thay thế định kỳ như nhông sên dĩa, bố thắng, dây côn,… hạn chế tối đa những hỏng hóc không mong muốn trên đường đi.
Một điều không thể thiếu nữa là luôn chuẩn bị phương án dự phòng cho những tình huống không mong đợi. Luôn mang theo bình bơm vá xe để sử dụng khi chẳng may cán đinh, xẹp bánh trên những đoạn đường vắng. Một túi y tế với các loại thuốc giảm đau, chống tiêu chảy, dị ứng,… và các dụng cụ sơ cứu cơ bản khác cũng cần được kiểm tra hạn sử dụng và đảm bảo mang theo đủ số lượng cần thiết.
Nhiều người cho rằng mang nhiều thứ lỉnh kỉnh như vậy là dư thừa vì hầu như không dùng tới hoặc nếu cần thì có thể ghé tiệm mua dễ dàng. Tuy nhiên suy nghĩ chủ quan như vậy nhẹ thì sẽ gây bất tiện, nặng hơn thì gây những hậu quả nghiêm trọng hơn vì những khi xảy ra sự cố, cảm ốm bất ngờ thì đã có ngay túi y tế bên mình sẽ tiện lợi hơn rất nhiều lần thay vì phải chạy đi mua hoặc tệ hơn khu vực đó không có nhà thuốc.
Do vốn có sẵn các kỹ năng cắm trại nên mình luôn mang dự phòng tấm tăng (Camping Tarp), cái võng và vài món dụng cụ cơ bản, đảm bảo rằng dù trong tình trạng tệ nhất thì vẫn cung cấp đủ nhu cầu sinh tồn tối thiểu cho gia đình. Tuy dành nhiều thời gian trong năm để du lịch nhưng do bé không học thêm ngoài giờ mà chỉ học ở trường từ thứ 2 – thứ 6 nên việc sắp xếp thời gian khá đơn giản, chỉ cần tránh các thời điểm thi học kỳ là được.
– Trải qua nhiều hành trình khám phá cùng con, anh nhận thấy những lợi ích mà gia đình, đặc biệt là các bé nhận được là gì? So với lúc con chưa được cùng ba mẹ đi du lịch với trước đó, con có những thay đổi gì?
Sau những hành trình khám phá, lợi ích các bé nhận được rõ ràng nhất là những trải nghiệm thực tế mà nếu không đi các bé sẽ chỉ được biết qua lời kể, sách báo hoặc tivi, thậm chí nhiều điều không thể nào biết tới được. Với bé con ở nhà, sau mỗi chuyến đi về thì bé luôn hào hứng kể về nó với mọi người suốt một thời gian sau đó, trong lúc nói chuyện hàng ngày cũng thường hay lồng ghép, so sánh nhiều thứ đã biết tới trong chuyến đi.
Nhiều trải nghiệm sớm này bé sẽ gặp lại trong trường học và khi đó giúp bé dễ dàng gợi nhớ, dễ hiểu hơn những kiến thức khô khan từ sách vở. Ví dụ như khi học về điện gió thì nhắc bé nhớ ngay tới các cánh quạt gió khổng lồ ở Bình Thuận mà bé từng được đi ngang, hay hiểu được những ruộng muối thật sự là như thế nào khi được cô giáo mô tả trên lớp,…
Một lợi ích lớn nữa là tập luyện cho bé sự tự lập, thói quen thích nghi với hoàn cảnh, ý thức chấp nhận những thiếu thốn tiện nghi của cuộc sống đầy đủ thường ngày. Hầu hết trẻ em ngày nay được sinh ra trong môi trường được phục vụ tới “tận miệng” không thiếu món gì từ ăn uống, quần áo, vui chơi,… mọi nhu cầu dễ dàng được đáp ứng vì vậy trẻ không nhận thức được trong hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ như thế nào. Từ đó sinh ra tính ỷ lại, kén chọn hoặc những đòi hỏi vô lý.
Chính những chuyến đi xe dài như vậy sẽ dạy cho trẻ sự thích nghi với hoàn cảnh, biết quý trọng hơn những tiện nghi ăn uống, ngủ nghỉ thường ngày mà mình được hưởng, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua những bất tiện khó chịu có thể gặp sau này.
Thực tế cho thấy bé con mình từ nhỏ đã có sự thích nghi với hoàn cảnh rất tốt, luôn biết cách tự an ủi mình để cảm thấy dễ chịu hơn. Ví dụ nhiều lần đi đường gặp mưa phải trùm áo mưa kín đầu, thay vì tỏ ra khó chịu thì bé lại bảo “Đi phiêu lưu thôi” và rồi tận hưởng sự thú vị khi không thấy gì nhưng tưởng tượng ra đủ thứ từ những âm thanh nghe được trên đường đi.
Bé cũng dễ dàng làm quen kết bạn hơn, cũng không tỏ ra sợ hãi ở những môi trường mới lạ. Bằng chứng là khi gia đình chuyển bé sang cơ sở trường học mới thì bé rất thoải mái, làm quen với địa điểm mới mà không gặp bất cứ trở ngại nào, thậm chí còn hào hứng kể cho ba mẹ nghe những khám phá mới mà trường cũ không có.
– Anh có lời khuyên gì dành cho các gia đình muốn đưa con đi du lịch kiểu trải nghiệm như thế này?
Lời khuyên đầu tiên là cần có kinh nghiệm và một số kỹ năng xử lý tình huống bất lợi trong hành trình. Bố mẹ cần phải yêu thích việc chạy xe đường dài và đã đi nhiều lần như vậy để có thể lường trường ít nhiều những khó khăn, thuận lợi trên đường đi. Đừng nên liều lĩnh mang con theo trong chuyến chạy xe đường dài đầu tiên trong đời chỉ vì nghĩ rằng “Người ta đi được mình cũng đi được”.
Kế đến là chuẩn bị thật kỹ cho hành trình, tìm hiểu cung đường, địa điểm tới, hành lý mang theo, kiểm tra bảo trì phương tiện di chuyển. Luôn luôn mang theo thuốc men, nước uống, đồ ăn dự phòng (lương khô, thanh năng lượng) để đề phòng những sự cố ngoài ý muốn, không nên ỷ lại vào việc có thể mua được những thứ đó trên đường.
Thường thì 99% khả năng chuyến đi sẽ diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên ta phải luôn chuẩn bị kế hoạch phụ cho khả năng cho những sự cố có thể xảy ra bất ngờ. Không nên ỷ lại, xem thường những cảnh báo vì bất cẩn nhỏ có thể gây hậu quả lớn tới gia đình hoặc ít nhất làm chuyến đi mất vui. Cần đảm bảo sức khỏe cho cả nhà trước chuyến đi, nếu có dấu hiệu trở bệnh thì nên hoãn ngày khởi hành để đảm bảo chuyến đi chơi vui vẻ và an toàn nhất.
Cuối cùng là nên hướng dẫn con cùng tận hưởng trải nghiệm với bố mẹ, nói chuyện với con về hành trình, kể những câu chuyện về những nơi sẽ đi qua giúp bé ý thức được cái hay cái đẹp của chuyến đi. Tạo cơ hội cho bé tự lập, tự quyết định một số việc trong chuyến đi ví dụ như hỏi bé muốn mang gấu bông nào theo, hướng dẫn bé tự sắp xếp quần áo mang theo,… giúp cho bé cảm nhận được mình tham gia vào hành trình chứ không phải là “bị bắt đi”.
– Trong tương lai, anh có dự định cho con tiếp tục trải nghiệm những hành trình mới?
Hiện tại bé đã lớn nên không thể đi chơi xa bằng xe máy cả gia đình được nữa vì vậy chủ yếu các chuyến đi sau này là các chuyến cắm trại qua đêm. Dự định thời gian tới mình sẽ cho bé đi cùng trong các chuyến trekking, leo núi ở gần TP (núi Dinh, Chứa Chan) để làm quen với môn thể thao khám phá mới.
– Cảm ơn anh.