Vận chuyển khách du lịch là một trong những hoạt động kinh doanh rất tiềm năng của ngành du lịch. Để phục vụ cho hoạt động này, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều phương tiên vận chuyển khác nhau như: ô tô, máy bay, tàu hỏa, tàu thủy… Tuy nhiên, các phương tiện này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật và được cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch. Trong bài viết dưới đây, Luật Tuệ Anh sẽ giới thiệu tới Quý độc giả thủ tục cấp biển hiệu cho ô tô vận tải khách du lịch theo quy định pháp luật hiện hành.
- Luật Du lịch số 09/2017/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 19/6/2017;
- Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch của Chính phủ ngày 31/12/2017;
- Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Chính Phủ ngày 17/01/2020;
- Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch do bộ trưởng bộ giao thông vận tải ban hành ngày 15/11/2017;
- Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ giao thông vận tải ban hành ngày 29/5/2020.
Theo quy định tại Điều 46 Luật Du lịch, ô tô dùng để vận tải khách du lịch phải đáp ứng các điều kiện sau:
2.1. Về biển hiệu, phù hiệu
- Có biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” và được dán cố định phía bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải được niêm yết các thông tin trên xe;
- Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE DU LỊCH” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE DU LỊCH” là 06 x 20 cm và có nội dung theo mẫu tại Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
- Trường hợp xe ô tô có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe;
2.2. Về kỹ thuật và thiết kế
- Xe ô tô phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Xe ô tô phải được gắn thiết bị giám sát hành trình tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông
- Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Theo đó, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
- Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.
- Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
2.3. Về nội thất và tiện nghi
- Xe ô tô dưới 09 chỗ phải có các trang thiết bị bao gồm: điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe;
- Xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ, ngoài các yêu cầu như xe ô tô dưới 09 chỗ còn phải trang bị thêm: rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác;
- Xe ô tô từ 24 chỗ trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan), ngoài các yêu cầu như xe ô tô từ 09 chỗ đến 24 chỗ còn phải trang bị thêm micro, nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục này bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch (theo mẫu)
- Bảng kê thông tin về trang thiết bị của từng ô tô, chất lượng dịch vụ, nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải khách du lịch đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Du lịch;
- Bản sao giấy đăng ký phương tiện hoặc giấy hẹn nhận giấy đăng ký phương tiện của cơ quan có thẩm quyền, bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện vận tải hoặc bản sao hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền quyết định là Sở Giao thông vận tải, nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.
Bước 1. Nộp hồ sơ
Đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền quyết định
Đơn vị kinh doanh có tể gửi trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.
Bước 2. Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, cấp biển hiệu cho phương tiện. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua địa chỉ giao dịch điện tử của đơn vị và nêu rõ lý do;
Trong quá trình thẩm định, Sở Giao thông vận tải kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện trên hệ thống đăng kiểm Việt Nam; giấy phép kinh doanh vận tải đã cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải; cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình và chỉ cấp biển hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của phương tiện đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Bước 3. Nhận kết quả
Căn cứ vào lịch hẹn trả kết quả, đơn vị kinh doanh vận tải nhận biển hiệu tại Sở Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu điện.
Biển hiệu ô tô vận tải khách du lịch có giá trị 07 năm và không quá niên hạn sử dụng còn lại của phương tiện.
Trên đây là tư vấn của Luật Tuệ Anh về thủ tục cấp biển hiệu cho ô tô vận tải khách du lịch. Nếu có vấn đề gì thắc mắc, mời Quý độc giả liên hệ tới đường dây nóng của chúng tôi – 19006226 hoặc gửi thư yêu cầu cho chúng tôi tại đây để được giải đáp kịp thời.