Sau bao ngày trông ngóng và hy vọng, phép màu đã không xảy ra với chàng phượt thủ Thi An Kiện. Tôi nghĩ phải là người yêu thích trekking (đi bộ xuyên núi rừng) hay leo núi mới hiểu cảm giác của những ngày lang thang trong rừng núi, từng ngày từng ngày vượt qua yếu đuối của bản thân, xoay xở trong những tình huống chưa bao giờ gặp phải rồi ngất ngây đắm mình trong muôn vàn vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Thế nhưng đây không phải lần đầu phượt thủ gặp nạn và câu hỏi đặt ra là: Làm sao để hạn chế tối đa những rủi ro cho họ?
Lạc đường: Mối nguy lớn nhất khi trekking
Tôi có những người bạn dường như lẽ sống của họ là truy tìm những cung đường hiểm trở, hiếm có dấu chân người như trên dãy Hymalayas rồi lặng thầm chinh phục chúng. Họ đam mê nhưng không bao giờ liều lĩnh và bất chấp. Điều tiên quyết trong mỗi chuyến đi của họ là phải an toàn, do vậy họ chuẩn bị đầy đủ hết mức có thể để bảo vệ sức khỏe của mình từ kiến thức, kỹ năng, hành trang vật dụng. Họ có thể không bao giờ dám mua quần áo, đồng hồ hàng hiệu nhưng sẽ không hề tiếc tiền đầu tư giày leo núi thật tốt, thiết bị hỗ trợ leo núi chất lượng, bảo hiểm sức khỏe, chi phí thuê guide (người dẫn đường) đối với những cung lạ, khó.
Phượt thủ Dương Nguyễn cùng nhóm bạn là những người như thế. Từng đi cung Tà Năng-Phan Dũng, anh Dương cho biết cung này không quá khó nhưng do có nhiều ngã rẽ nên rất dễ lạc đường. Đáng lưu ý là có những ngã rẽ đều là đường lớn như nhau nhưng chỉ một hướng có dấu vết xe. “Tâm lý của người đi lạc thường cho rằng đó là con đường đúng nhưng thực ra không phải và càng bị xa nhóm” – anh nói. Nếu không mang đủ nước hoặc không nắm được các vị trí có nguồn nước thì việc lạc ở Tà Năng sẽ rất nguy hiểm.
Hành trình hơn một tháng trekking dãy Hymalayas vừa hoàn thành của anh Dương Nguyễn và nhóm bạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chưa nói đến những kỹ năng cá nhân cần có như nhìn la bàn, đoán được nguồn nước, biết cách tìm thức ăn…, việc trước tiên của một nhóm trekking là hạn chế tối đa việc để một người bị lạc quá lâu. Đến những ngã rẽ quan trọng, guide hoặc thủ lĩnh nhóm cần dùng nhánh cây chặn những ngã rẽ sai, làm dấu vẽ mũi tên hướng đi đúng. Trong nhóm sẽ có người đi nhanh, người đi chậm. Những người đã quen có thể định lượng sức của nhau để nhận biết tình hình nếu ai đó có vấn đề.
Tuy nhiên, ngay cả với nhóm mới, với tốc độ bình thường mà hơn một tiếng đồng hồ không bắt kịp nhóm thì cả hai (nhóm đi đúng và người lạc đường) phải hiểu đã có người đi lạc. Khi đó, hai bên nên dừng lại, trở lại đường cũ và ở yên tại vị trí ngã rẽ để gặp lại. “Không tự phán đoán và đi tiếp trong tình thế đã lạc đường” – anh Dương nhắc nhở.
Sức khỏe, đam mê là chưa đủ
Để chuyến đi an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro, với những cung đường lạ, ít người đi nên nhờ guide chuyên nghiệp dẫn đường. Thủ lĩnh nhóm không chỉ phải giỏi kinh nghiệm cá nhân, rành rẽ đường đi nước bước mà còn phải có năng lực tổ chức, quản lý nhóm. Nhóm phải được phổ biến những nội quy trong chuyến đi và tất cả thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Hành trang cơ bản cho chuyến trekking đường dài:
– Thuê guide dẫn đường. Mua bảo hiểm du lịch.
– Hành trang đầy đủ, hợp lý, tránh mang vác nặng không cần thiết.
– Thủ lĩnh giàu kinh nghiệm.
– Phải có kỷ luật, quy định của nhóm, thành viên nghiêm ngặt tuân thủ.
– Tự trang bị kiến thức, kỹ năng, hiểu biết về những chỉ dấu.
“Đừng bao giờ chủ quan. Sức khỏe và đam mê là chưa đủ” – anh Dương nhấn mạnh.
Thật vậy, tôi nhớ lần mình trekking ở Nepal từng gặp một bạn Việt Nam lần đầu tiên leo Hymalayas nhưng nhất định không cần guide, không mua bảo hiểm. Bạn tin với thể lực tốt sẽ tự chinh phục được cung đường này. Đâu ai ngờ lần đó động đất xảy ra ở Nepal. Như nhóm anh Dương dù hoảng loạn nhưng còn được kênh bảo hiểm nhờ hỗ trợ đưa về Việt Nam. Còn bạn phượt kia không biết đã dựa vào đâu. Sau đó tôi có gặp lại bạn ở sân bay khi trở về. Trông bạn hoàn toàn khác hẳn ngày đầu, gương mặt bần thần vì sốc nặng. Bạn chỉ nói được: “ Em không ngờ!”.
“Tôi tin chính đam mê và lòng can đảm biến giấc mơ phi thường thành sự thật nên cuộc sống mới có những câu chuyện phi thường, ít nhất là với chính bản thân người ấy. Đó là một hành trình đẹp đẽ, một cuộc đời đáng sống. Thế giới này rộng lớn bao la, bao nhiêu nơi chốn đang chờ dấu chân mình đến. Một chuyến đi không thể thỏa lòng, nhiều chuyến đi cũng không thể đủ. Cuộc đời là những chuyến đi, vì vậy chúng ta nhất định phải được bình an!” – anh nhắn nhủ.