Sau khi hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc được khôi phục, du khách Việt có thể sang thị trấn Hà Khẩu – một địa điểm nằm sát biên giới hai nước, với mục đích du lịch.
Thị trấn Hà Khẩu thuộc huyện tự trị Hà Khẩu, thuộc tỉnh Vân Nam, ngăn cách với thành phố Lào Cai bởi sông Nậm Thị. Thị trấn này nhỏ, có thể ghé thăm trong ngày hoặc kết hợp đến Sa Pa.
Nguyễn Khánh Huyền, sống tại Hà Nội, ngay khi có thông tin mở cửa, đã cùng nhóm bạn lên kế hoạch du lịch Lào Cai – Hà Khẩu. Trong tháng 2, Huyền đã ghé thăm Hà Khẩu hai lần. Nữ du khách cho biết cả hai lần đều kết hợp du lịch Sa Pa.
“Thủ tục qua biên giới khá dễ dàng, không cần chuẩn bị nhiều giấy tờ. 1-2 ngày là đủ để khám phá thị trấn này”, Huyền nói.
Làm sổ thông hành
Du khách đến Hà Khẩu không cần visa và hộ chiếu, chỉ cần sổ thông hành. Để làm sổ này, cần chuẩn bị ảnh căn cước công dân hai mặt và ảnh chân dung. Trẻ em đi cùng mang theo giấy khai sinh bản sao và ảnh. Lưu ý, các ảnh đều phải phông nền trắng. Hiện tại cần thêm giấy xác nhận của công an địa phương nơi thường trú, tạm trú.
Thời gian cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ làm sổ thông hành các ngày trong tuần, sau 2-3 ngày sẽ có sổ. Ngoài ra, du khách có thể đặt dịch vụ với chi phí dao động 300.000 đến 350.000 đồng.
Sổ thông hành có thời hạn một tháng. Du khách được phép di chuyển trong bán kính 100 km thuộc phạm vị huyện Hà Khẩu.
Thủ tục nhập cảnh
Du khách cần khai báo y tế qua ứng dụng Wechat. Nếu không cài ứng dụng này, có thể đặt dịch vụ với chi phí 20.000 đồng cho hai lượt đi và về. Đến cửa khẩu du khách chỉ cần quét mã khai báo.
Tại cửa khẩu Lào Cai, thời gian làm thủ tục khá nhanh. Cửa khẩu Hà Khẩu yêu cầu nhiều bước kiểm tra nên thời gian chờ lâu hơn. Ở chiều về, thời gian làm thủ tục sẽ nhanh hơn. “Hai lần mình đến Hà Khẩu, lần đầu xếp hàng 3 tiếng, lần thứ hai chỉ 45 phút. Mọi người nên lấy tờ khai điền trước để tiết kiệm thời gian”, Khánh Huyền chia sẻ.
Khi vào trong làm thủ tục, du khách được yêu cầu không sử dụng điện thoại. Nếu làm trái quy định có thể bị nhắc nhở hoặc không được phép nhập cảnh.
Du khách đi trong ngày cần về trước 23h (giờ Trung Quốc) tức 22h (giờ Việt Nam). Nếu ở lại qua đêm, cần xin vé ngủ tại China (Yunnan) Pilot Free Trade Zon. Các thông tin cần có để xin vé ngủ gồm tên khách sạn, lượng phòng, lượng khách, số điện thoại, thời gian lưu trú. Lưu ý giữ vé cẩn thận, kẹp vào sổ thông hành khi làm thủ tục chiều về.
Di chuyển
Du khách từ Hà Nội di chuyển đến thành phố Lào Cai bằng nhiều phương tiện. Ngoài xe ôtô riêng, xe khách có giá 260.000 đến 290.000 đồng mỗi chiều. Từ thành phố có xe trung chuyển đến cửa khẩu. Đến địa phận Hà Khẩu, du khách có thể đi bộ vì các địa điểm ăn uống, tham quan gần nhau. Du khách nghỉ lại qua đêm cần di chuyển bằng taxi vì điểm xin vé ngủ ở khá xa.
“Bọn mình thuê xe điện tại cửa khẩu, chủ chỗ thuê là người Việt. Giá thuê xe 40 tệ cho 6 tiếng (khoảng 137.000 đồng).
Địa điểm tham quan, chụp hình
– Ga tàu Hà Khẩu (ngay cuối chợ ẩm thực)
– Công viên ánh sáng: Cách cửa khẩu tầm 2,5 km. Du khách nên đến đây vào buổi chiều để tiện buổi tối ở lại ngắm công viên lên đèn.
– Công viên rừng cây: Nằm ngay phía trên công viên ánh sáng. Du khách để xe ở công viên ánh sáng, đi bộ lên dốc tầm hơn 1 km. Địa điểm này phù hợp để ghé thăm ban ngày.
Ngôn ngữ
Khánh Huyền chia sẻ đa số các hàng quán tại Hà Khẩu đều có người Việt hoặc người Trung biết tiếng Việt cơ bản nên dễ giao tiếp. Ngoài ra, một số hàng quán chỉ có người Trung Quốc phục vụ và không sử dụng tiếng Anh. Du khách có thể nhờ người Việt thạo tiếng Trung chỉ dẫn. Nên lưu ảnh địa điểm cần đến, lưu một số câu giao tiếp cơ bản để chủ động hỏi đường, mua bán.
“Ở Hà Khẩu có rất nhiều người Việt sử dụng tiếng Trung trôi chảy”, Huyền nói.
Địa điểm ăn uống
Khu chợ ẩm thực: Từ cửa khẩu rẽ phải là khu chợ ẩm thực. Các món nên thử gồm xúc xích khổng lồ, bánh trứng, bánh trôi.
Tiệm bánh bao, sủi cảo: Từ cửa khẩu đi thẳng đến ngã ba rồi rẽ trái, quán nằm ngay đầu. Bánh bao giá 8 tệ một khay (28.000 đồng), sủi cảo chiên giá 20 tệ một đĩa (69.000 đồng), bánh cuốn giá 16 tệ một đĩa (55.000 đồng).
Bánh nướng Chiết Giang: Từ quán bánh bao rẽ trái đi thêm tầm 20 m là quán bánh nướng. Quán này đông và phải xếp hàng chờ hơi lâu. Các loại bánh gồm bánh chay, bánh nhân đậu đỏ và bánh nhân mặn. Giá từ 3 đến 7 tệ (10.000 đến 24.000 đồng).
Trà sữa YH Tang: Từ quán bánh nướng đi tiếp tầm 100 m, nhìn sang trái là quán trà sữa. Món đắt khách tại đây là xô trà sữa nướng. Ngoài ra còn có các loại nước trái cây.
Mực nướng ông Trọc: Quán nằm ở ngõ đối diện quán trà sữa. Xiên mực có giá 2 nhân dân tệ (7.000 đồng), mỗi xiên gồm hai miếng mực.
Du khách còn có thể mua đồ tại siêu thị dưới lòng đất.
Bích Phương