Xu hướng người trẻ du lịch có trách nhiệm
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bền vững sẽ là xu hướng chính hậu dịch, tức là loại hình du lịch “tính đến toàn bộ các tác động kinh tế, xã hội, môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết các nhu cầu của du khách, ngành, môi trường và cộng đồng địa phương”. Tại Việt Nam, loại hình tour du lịch bảo vệ môi trường đã phát triển từ nhiều năm nay, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp lữ hành, người dân địa phương và cả du khách. Những tour phổ biến nhất là tour trồng cây xanh, nhặt rác thải, phát túi nilon tự huỷ,…
Từ trước dịch, các công ty du lịch đã tổ chức thành công các tour bảo vệ môi trường có thể kể đến Vietravel, Saigontourist, Golden Tour,… Đơn cử, chiến dịch “Vì một môi trường du lịch sạch” đã từng được Công ty Du lịch Vietravel tổ chức trên khắp các tỉnh, thành, những điểm du lịch nổi tiếng như TP Hồ Chí Minh, Huế, Lào Cai, Nha Trang, Long Xuyên…, thu hút được hàng nghìn tình nguyện viên là các du khách và nhân viên công ty.
Còn với Saigontourist cũng đã triển khai thành công tour “Mỗi du khách một cây xanh cho Đà Lạt” giúp lan toả thông điệp “Khi tự tay trồng một cây xanh tại điểm du lịch, mỗi du khách sẽ góp phần tích cực giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường”. Những tour này có điểm chung là thu hút được rất nhiều bạn trẻ và cả người nước ngoài.
Không chỉ các đơn vị lữ hành, ngay cả các điểm du lịch cũng đã và đang tổ chức những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn người là du lịch và du khách tham gia bảo vệ môi trường. Đơn cử, đảo Lý Sơn đã sớm cho khai thác các mô hình trải nghiệm du lịch xanh, hay còn gọi là du lịch sinh thái, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường như xả khói, rác thải, phá hoại hệ sinh thái động thực vật…
Ví dụ, trải nghiệm phượt bằng xe đạp quanh đảo Lý Sơn để Hang Câu, Chùa Hang; trekking tại núi Thới Lới; du lịch nông thôn; nghỉ dưỡng tại các khách sạn xanh – nơi có những đặc điểm như được thiết kế không gian xanh, sử dụng đồ tái chế, tiết kiệm năng lượng,… Các phương tiện công cộng cũng được ban quản lý đảo trang bị và khuyến khích du khách đi như xe buýt, xe điện, xe tuktuk nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại ra môi trường. Bên cạnh đó, trên đảo cũng có những hoạt động để các nhóm du khách trẻ đến đây có thể tham gia dọn sạch rác thải trên các bãi biển, các cung đường, các điểm tham quan trên toàn đảo.
Tại đảo Phú Quốc, trong năm 2021, có thể kể đến nỗ lực của các bạn trẻ “nhóm Phú Quốc sạch và xanh” đã vệ sinh bãi biển Hàm Rồng và kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ sao biển. Theo những bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội và truyền thông, các bạn trẻ thực hiện gắp rác vào bao, rồi tập kết lại trên bãi biển, sau đó nhờ xuồng máy và cano trở vào trung tâm ấp Rạch Vẹm xử lý. Không dừng lại ở đó, nhóm bạn trẻ này còn dùng sơn để viết lên những mảnh ván các thông điệp kêu gọi du khách cùng bảo vệ rừng và sao biển và gắn chúng lên những thân cây, trụ cầu, vừa không ảnh hưởng đến mỹ quan vừa giúp nhắc nhở mọi người.
Cùng chung mong muốn cải thiện môi trường du lịch, tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng có nhóm “One Phong Nha” được các thành viên người nước ngoài đang làm việc tại Phong Nha lập ra, nhằm xây dựng một cộng đồng vì môi trường và du lịch bền vững của Phong Nha. Mục tiêu chính của các bạn là nhặt rác, túi nilon và bất cứ rác thải gì dọc bờ sông Son và khu vực Phong Nha và đưa về bãi tập kết rác của địa phương để xử lý.
Nhiều người trẻ tham gia trào lưu du lịch có trách nhiệm với môi trường.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ
Bảo vệ môi trường khi đi du lịch là trách nhiệm của mỗi người dân, du khách để duy trì hệ sinh thái tự nhiên bền vững. Điều này không bắt buộc du khách phải làm những điều rất lớn lao cho môi trường mà bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.
Đơn cử, để trở thành những “du khách xanh chính hiệu”, giới trẻ hiện nay có xu hướng “tạm biệt đồ nhựa”. Biểu hiện cụ thể trong hành trình du lịch của họ là từ việc bản thân sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng như bình nước, muỗng, thìa, ống hút bằng inox,… đến việc lựa chọn những điểm du lịch cũng “nói không với nhựa một lần”. Đáng nói, nhiều bạn trẻ đã kêu gọi trên các cộng đồng mạng xã hội việc mỗi du khách nên tự ý thức mang thêm túi vải khi đi du lịch để giảm thiểu một lượng lớn túi nilon dùng một lần khi đi mua sắm, ăn uống tại điểm đến.
Mặt khác, ngày càng nhiều bạn trẻ đã dành thêm thời gian trước khi đặt chân lên đường bằng việc nghiên cứu qua một số hoạt động giải trí phổ biến và tác động của nó lên hệ sinh thái tại điểm đến. Chẳng hạn, tour cưỡi voi hoặc thả đèn hoa đăng dưới các dòng sông đều để lại những “dấu vết” lên môi trường tự nhiên. Vì lý do đó, các bạn đã thay thế kế hoạch của mình bằng lựa chọn các sản phẩm du lịch thay thế khác bền vững hơn. Hiện nay, du khách trẻ tuổi cũng có xu hướng tìm kiếm các công ty du lịch cung cấp các tour bảo vệ môi trường.
Lựa chọn loại phương tiện đi lại ít khói bụi cũng là một cách bảo vệ môi trường khi đi du lịch. Đó là nguyên nhân xuất hiện những chuyến bay giảm thiểu khí thải đến các miền biển ở Vũng Tàu, Phan Thiết, hay những chuyến xe điện đi vòng quanh Tam Chúc, hoặc tour đạp xe ở các khu nghỉ dưỡng, quanh thành phố,…
Để tiết kiệm tối đa năng lượng trong hành trình, thay vì ở một khách sạn điều hòa mát lạnh, du khách yêu môi trường thường lựa chọn những khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên, tận dụng khí trời thay điều hoà. Ngoài ra, tắt các thiết bị điện khi không cần và hạn chế lạm dụng khi ở trong phòng cũng giúp họ giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường.
Một thông điệp cũng thường xuyên được chia sẻ trong các diễn đàn của những du khách xanh chính là “nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã” bởi việc mua các sản phẩm hoang góp phần thúc đẩy nạn săn bắt các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thậm chí, nếu du khách tình cờ bắt gặp hình thức mua bán trái phép cũng có thể liên hệ ngay với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
“Du lịch mang rác về” là xu hướng mà nhiều bạn trẻ kêu gọi cộng đồng cùng hưởng ứng, nhằm giải quyết vấn nạn rác thải nhức nhối từ du lịch hàng thập kỷ nay. Để theo kịp xu hướng này rất đơn giản, đối với những loại rác thải phát sinh trong cuộc hành trình, du khách nên dành thêm thời gian dọn dẹp và phân loại chúng, để vào đúng nơi quy định, nhằm giúp việc thu gom và xử lý dễ dàng hơn. Với rác hữu cơ, có thể cho vào túi riêng để người khác có thể tận dụng làm phân bón. Với rác vô cơ, có thể đưa đến điểm tập kết hoặc điểm tái chế.
Một bài học khác được chia sẻ trong cộng đồng du lịch bảo vệ môi trường đó là “làm sao tắm rửa cho đúng cách”. Đơn cử, du khách sẽ cần tắm rửa thì phải làm như thế nào mà có thể hạn chế sự ảnh hưởng đến môi trường nước. Nhiều ý kiến cho rằng, du khách không nên rửa tay với xà phòng trực tiếp và hồ hoặc suối. Hay trước khi tắm biển, du khách nên rửa sạch kem chống nắng và kem chống côn trùng trên cơ thể để tránh việc các chất hoá học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên.
Có thể thấy, bảo vệ môi trường khi đi du lịch sẽ trở nên dễ dàng nếu mỗi người đều có ý thức. Và hiện nay, giới trẻ đang là lực lượng tích cực nhất của xu hướng này. Họ không chỉ năng nổ tham gia vào các tour khắc phục các hậu quả môi trường du lịch, mà còn góp phần lan toả những thông điệp hữu ích về tình trạng môi trường, xã hội bản địa, kêu gọi mọi người du lịch có ý thức và trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa tác động của mình lên thiên nhiên và cộng đồng bản địa.