- Phân loại thép, một số loại thép thông dụng
- Thép không gỉ thì có khả năng bị gỉ không?
- Làm thế nào để bảo quản dao tốt nhất
1. PHÂN LOẠI THÉP
Đầu tiên ta tìm hiểu một số nguyên tố và công dụng của nó khi xuất hiện trong chất thép.
Sắt Thành phần chính trong bất kỳ loại thép không gỉ nào. Carbon Là một trong 2 nguyên tố quan trọng nhất. Đây là yếu tố chính quyết định độ cứng và độ bền của thép. Thép Carbon thấp chứa khoảng 0.3% carbon hoặc ít hơn trong thành phần. Khi thành phần Carbon rơi vào 0.4-0.7% thì được xếp vào loại thép carbon trung bình. Và thép Carbon cao (High-Carbon) thì thành phần carbon chiếm 0.7% trở lên. Crom (Chromium)
Là thành phần chính quyết định yếu tố “không gỉ” của chất thép. Về mặt kỹ thuật thì tất cả các loại thép đều có khả năng bị gỉ (Bởi trong thành phần của nó có sắt – một nguyên tố dễ dàng bị oxy hóa ở điều kiện thường). Chính thành phần Crom trong chất thép sẽ hạn chế quá trình oxy hóa này.
Đây là lý do tại sao chất liệu là thép không gỉ nhưng sau khi sử dụng một thời gian thì ít nhiều vẫn bị gỉ. Điều này một phần là do tỉ lệ thành phần Crom trong thép, một phần là do cách sử dụng và bảo quản dao của người dùng. Thường thành phần Crom trong thép chiếm khoảng 12-13%.
Coban(Cobalt) Thành phần được bổ sung vào nhằm mục đích tăng độ cứng cho lưỡi dao. Tuy nhiên nguyên tố này chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, bởi khi lạm dụng nó sẽ làm cho chất thép trở nên giòn, dễ gãy. Mangan (Manganese) Mangan được cho vào để tăng độ cứng cho lưỡi dao. Đồng thời thành phần Mangan được cho vào trong công đoạn nấu chảy để tránh tình trạng thành phẩm hình thành bị nứt. Niken (Nickel) Được bổ sung vào chất thép để tăng độ bền của thép, giúp chất thép dẻo dai hơn. Molipden (Molybdenum) Thành phần được cho vào để tăng khả năng chịu nhiệt của thép và góp phần tăng độ cứng cho dao. Đồng thời Molipden được thêm vào để hạn chế hiện tượng ăn mòn qua lỗ và kẽ nứt. Vonfram (Tungsten) Tuy rất ít gặp nhưng thành phần Vonfram trong thép giúp tăng độ bền nhiệt và độ bền cơ của sản phẩm. Vanadi (Vanadium) Nguyên tố được thêm vào để tăng độ cứng cho sản phẩm, đồng thời tăng khả năng chống ăn mòn của dao. Ngoài ra còn một số thành phần như Silic, lưu huỳnh, photpho,…
Thép làm dao có nhiều loại, được chia thành 2 nhóm chính là thép không gỉ và thép High-Carbon. Mỗi loại có ưu và nhược điểm riêng.
Đối với Thép không gỉ: Bạn có thể dễ dàng bắt gặp vật liệu không gỉ khi tìm hiểu về dao và công cụ sinh tồn. Định nghĩa thép không gỉ là loại vật liệu hợp kim được cấu thành từ 2 nguyên tố chính là Sắt và Carbon, bên cạnh đó là một số nguyên tố bổ sung như Crom, Coban, Niken, Molipden, Mangan, Vonfram, Vanadi. Thép không gỉ không nhất thiết phải có mặt đầy đủ những thành phần kể trên mà tùy thuộc vào nhu cầu, công dụng của dao sẽ có tỉ lệ thành phần các nguyên tố khác nhau.
Thép High-Carbon cũng là một loại thép thường gặp trong các loại dao dã ngoại, dao sinh tồn. Trước đây thép carbon được tạo thành bởi 2 thành phần chính là sắt và carbon, bên cạnh đó còn có những thành phần nguyên tố khác như mangan, silic, lưu huỳnh, photpho.
Sự khác nhau lớn nhất giữa thép carbon và thép không gỉ: Thép carbon có độ cứng cao hơn thép không gỉ nhưng lại dễ bị oxy hóa hơn thép không gỉ vì trong thành phần không có các nguyên tố kim loại bổ trợ chống oxy hóa.
Tuy nhiên ngày nay, người ta đã nghiên cứu để bổ sung thành phần các kim loại bổ trợ chống gỉ cho thép Carbon, giúp thép High-Carbon có thể chống gỉ. Tuy nhiên nhìn chung thì mức độ chống gỉ của thép High-Carbon là không cao bởi ưu điểm của loại thép này là độ cứng, nếu phối hợp nhiều thành phần bổ trợ khác sẽ làm mất đi đặc trưng vốn có của nó.
-***-
Hiện nay xuất hiện rất nhiều loại thép, rất nhiều công thức chế tạo thép khác nhau. Sau đây là một số loại thép thường gặp khi chọn dao.
Trường hợp 1: Hầu hết trên các sản phẩm dao trên thị trường hiện nay có phần nguyên liệu là thép không gỉ (Stainless Steel). Ta có thể hiểu đơn giản là đó là thép có thành phần carbon trung bình để đảm bảo đủ độ cứng và chống gỉ cho những chuyến dã ngoại, cắm trại.
Trường hợp 2: Một số thép sẽ ghi tên thép cụ thể ví dụ như 420HC hay 154CM; S30V; BG42; 420J2; 4Cr13; 7Cr17; 9Cr19MoV; 7Cr17MoV…
Có rất nhiều loại thép, nhưng phổ biến và hay gặp nhất ở thị trường dao Việt Nam là thép 420HC và thép 154CM.
1. 420HC – Loại thép phổ biến được sử dụng ở dao và dụng cụ đa năng
“420” – ký hiệu của thép không gỉ. “HC” – High Carbon (Tuy là High Carbon nhưng thành phần Carbon của loại thép này chỉ nằm ở mức trung bình. Mặt khác độ cứng của thép được cải thiện ở các nguyên tố bổ trợ) Đây là loại thép phổ biến, lai giữa thép không gỉ và thép High-Carbon. Nói một cách chính xác hơn thì đây là loại “thép chống gỉ” có độ cứng cao hơn so với thép 420.
Thành phần của thép 420HC
Carbon Crom Molipden Vanadi Mangan Silic 0.40-0.50 % 13.0 % 0.60 % 0.30 % 0.40 % 0.40%
Độ cứng (HRC) 55-58.
Một số ví dụ dao sử dụng thép 420HC
Dao xếp Gerber Paraframe I – Stainless, fine edge Dao xếp Leatherman Skeletool® KBX Dao xếp Leatherman Crater C33X
2. Thép 154CM
Đây là thép chống gỉ được bổ sung thành phần Carbon để tăng độ cứng cho sản phẩm. Điểm khác biệt của thép 154CM là được bổ sung thành phần Molipden. Nhìn chung 154CM có độ cứng cao hơn 420HC, chống ăn mòn và chống gỉ sét tốt hơn.
Thành phần của thép 154CM
Carbon Crom Manga Molipden Silic 1.05% 14.00% 0.50% 4.00% 0.30%
Độ cứng (HRC) khoảng 58-61.
3. (x)Cr(y)(….)
Đa số thép làm dao trên thị trường Việt Nam hiện nay thì Crom là một nguyên tố thường được cho vào. Và (x)Cr(y)(….) đây là công thức chung của một số thép ghi rõ thành phần. Ví dụ như :
Tên thép Thành phần Carbon (%) Thành phần Crom (%) Các thành phần khác Độ cứng (HRC) Ví dụ 4Cr13
0.36 – 0.45
12 – 14 – 30 7Cr17 0.60 – 0.75 16.00 – 18.00 Ni, Mn, Si <1% 56-58 7Cr17MoV 0.60-0.75 16.00-18.50 0.75 % Mo | 0.10-0.20% V | Ni, Mn, Si <1% 60 9Cr17MoV 0.85-0.95 17.00-19.00 1.00-1.30% Mo | 0.07-0.12%V | Ni, Mn, Si <1% >60
2. THÉP KHÔNG GỈ THÌ CÓ BỊ GỈ KHÔNG?
Nhiều người nhầm lẫn rằng: Nếu trên bao bì ghi là thép không gỉ thì nó sẽ 100% không gỉ sét. Nhưng câu trả lời là không có gì là 100%! Mà có còn phụ thuộc nhiều vào chất thép, thành phần, cách sử dụng và bảo quản. Nói cách khác tất cả các loại thép, chỉ cần có thành phần sắt (Tất nhiên phải có rồi) là đều có khả năng bị gỉ. Vấn đề còn lại là có dễ bị gỉ hay không? – Đó là câu chuyện của các nguyên tố bổ trợ. Như đã nói ở trên, crom là thành phần chính quyết định khả năng chống gỉ của thép. Thành phần Crom càng cao thì khả năng chống gỉ càng tốt. Các loại thép chống gỉ thường gặp có tỉ lệ crom khoảng 12-13% khối lượng.
Ngày nay, ngoài sử dụng thành phần Crom, người ta còn sử dụng lớp oxit kim loại không gỉ hoặc titan để phủ bên ngoài bề mặt vật liệu nhằm mục đích tăng độ bền cũng như tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm. Biện pháp này giúp chống gỉ rõ rệt xong cũng không có nghĩa là mãi mãi hay hoàn toàn không gỉ! Chính vì thế, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào chất thép, và cũng đừng đặt kỳ vọng quá cao nếu bạn mua một con dao và dòng nguyên liệu trên bao bì ghi là “Stainless steel”. Ở một phương diện khác, độ bền của dao – dao có gỉ hay không phụ thuộc vào cách sử dụng và bảo quản nhiều hơn là thành phần tạo nên nó!
3. CÁCH BẢO QUẢN DAO
Nhìn chung nếu trên bao bì dao ghi chú là dao được làm từ thép không gỉ thì bạn có thể yên tâm là nếu bảo quản đúng cách thì không có gì phải lo ngại.
Đầu tiên ta cần biết lý do tại sao dao bị gỉ?
Nếu chỉ có sắt với oxy trong không khí thì quá trình gỉ chỉ diễn ra ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên trong môi trường có độ ẩm cao thì các phần tử ẩm (hơi nước) sẽ bám trên bề mặt dao, làm quá trình gỉ diễn ra ngay ở điều kiện thường. Nếu cất giữ mà không lau khô dao thì ta đã vô tình cung cấp nước để sự gỉ diễn ra nhanh hơn.
Một số lưu ý trong quá trình sử dụng và bảo quản dao được làm từ “thép không gỉ”:
– Về sử dụng: Sử dụng dao đúng mục đích. – Về vệ sinh: Vệ sinh dao sạch sau khi sử dụng và lau khô trước khi cất giữ. Đặc biệt khi sử dụng dao để cắt những vật có tính oxy hóa như chanh,.. hay để dao tiếp xúc với nước biển thì càng phải vệ sinh dao thật kỹ trước khi cất giữ. – Về cất giữ: Dao trước khi cất giữ cần được lau khô và cất giữ nơi khô ráo.
Để hạn chế gỉ sét, ta có thể sử dụng dầu bảo quản bôi vào khớp dao và lưỡi dao nhằm mục đích ngăn dao tiếp xúc trực tiếp với oxy và hơi ẩm trong không khí, ngăn quá trình gỉ diễn ra. Ngoài dầu bảo quản bạn có thể sử dụng bất kỳ loại dầu nào tương tự, trong trường hợp dao cắt thức ăn bạn có thể sử dụng dầu ăn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lưu ý: Trước khi sử dụng dầu bảo quản cần lau khô dao (Vì dầu nhẹ hơn nước nên nếu không lau khô dao thì nước vẫn sẽ tiếp xúc trực tiếp với lưỡi dao dẫn đến vẫn có nguy cơ gỉ sét).
Đối với thép High-Carbon – loại thép có khả năng chống gỉ sét thấp thì ta cũng sử dụng cách bảo quản trên. Tuy nhiên có thể một thời gian không sử dụng ta sẽ bắt gặp một lớp gỉ màu nâu trên bề mặt dao. Nếu bạn bảo quản đúng cách thì lớp gỉ đó dễ dàng lau được bởi dầu máy, dầu bảo quản. Tuy nhiên thép High-Carbon thường dùng cho các loại dao phát, rựa đi rừng để chặt củi nên việc gỉ sét một tí sẽ không ảnh hưởng gì! Hãy lấy đó làm kỷ niệm đánh dấu rằng “Con dao này đã cùng mình khá lâu rồi đấy!