Theo luật di trú Hoa Kỳ, người ngoại quốc có thị thực hợp lệ được phép đến lãnh thổ Hoa Kỳ để làm thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu. Tuy nhiên viên chức Cục Hải Quan và Bảo vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP) có quyền cấp phép nhập cảnh hoặc từ chối nhập cảnh (1). Điều này có nghĩa là cho dù bạn có thị thực du lịch Mỹ hợp lệ, nhưng khi làm thủ tục nhập cảnh nếu bạn bị cho là đến Hoa Kỳ với mục đích khác với loại thị thực được cấp, thì bạn vẫn có khả năng bị từ chối nhập cảnh và phải rời khỏi Hoa Kỳ ngay lập tức trên chuyến bay sớm nhất do CBP sắp xếp.
Vì lý do trên, du khách nên chuẩn bị cho việc nhập cảnh một cách chu đáo, cho dù đó là lần đầu tiên các bạn đến Mỹ hoặc lần thứ N bạn trở lại Mỹ. Sau đây là các hướng dẫn hữu ích về việc chuẩn bị hồ sơ trước khi quý vị rời khỏi Việt Nam và các bước hoàn tất thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ.
Từ ngày 12/05/2023, du khách đến Hoa Kỳ bằng đường hàng không theo diện thị thực không định cư KHÔNG CẦN xuất trình bằng chứng đã tiêm Vaccine ngừa COVID-19. Nguồn thông tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: https://travel.state.gov/content/travel/en/News/visas-news/update-on-change-to-us-travel-policy-requiring-covid-19-vaccination-for-nonimmigrant-travel.html
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ & vật dụng
1Hộ chiếu nguyên vẹn và còn hạn sử dụng hơn 6 tháng kể từ ngày dự định rời khỏi Hoa Kỳ. 2Thị thực du lịch Mỹ còn hiệu lực. Nếu bạn có thị thực còn hiệu lực trong cuốn hộ chiếu cũ thì bạn cần mang theo hộ chiếu đó cùng với hộ chiếu mới nhất để nhập cảnh mà không cần phải xin thị thực mới. 3Vé máy bay khứ hồi hoặc vé nối chuyến đến 1 quốc gia khác. 4Kiểm đếm số tiền mặt mang đến Hoa Kỳ thật chính xác. Mỗi cá nhân hoặc mỗi hộ gia đình đi cùng chuyến bay đến Mỹ mang ít hơn 10.000 USD tiền mặt sẽ được làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng. 5Địa chỉ đầu tiên bạn sẽ lưu trú sau khi nhập cảnh. 6Tên và thông tin liên lạc của những cá nhân hoặc tổ chức bạn sẽ thăm viếng. 7Tiền mặt không ít hơn $2,000 USD cùng với thẻ tín dụng để chứng minh đủ khả năng thanh toán chi phí cho thời gian lưu trú tại Mỹ. 8Nên mang theo giấy xác nhận tiền gửi tiết kiệm viết bằng tiếng Anh do ngân hàng cấp. 92 cây viết để điền các mẫu đơn khi cần thiết, 1 cây viết lông nhỏ, 1 cuộn băng keo bản rộng để dùng khi cần. 10Tìm hiểu các sân bay mình sẽ đến, in ra các nội dung quan trọng. Thông tin hữu ích luôn có sẵn tại website của các sân bay hoặc qua các video được đăng trên Youtube.
Bước 2: Thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ
Tại sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ, du khách cần chọn khu vực xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh theo bảng hướng dẫn dành cho “Non-U.S Citizens” hoặc “Visitors”.
Nhiều sân bay tại Mỹ đã đặt máy Automated Passport Control cho du khách tự hoàn tất thủ tục nhập cảnh, giảm thời gian chờ xử lý khi gặp viên chức Cục Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới (CBP).
Ảnh: Khu vực xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ.
Ở bước này, viên chức Cục Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới (CBP) tiến hành chụp ảnh, lăn tay và phỏng vấn nhanh mọi du khách, đây là hoạt động nghiệp vụ thường ngày của CBP được quy định bởi điều luật 8 CFR 235. Tùy theo nội dung của cuộc phỏng vấn nhanh và các bằng chứng cụ thể, viên chức CBP có thể cấp phép nhập cảnh hoặc từ chối cấp phép nhập cảnh theo điều luật INA § 212(a)(7)(A)(i)(I) vì người nhập cảnh “có dự định đến Mỹ với mục đích định cư” (3). Trong năm 2018, theo số liệu do CBP công bố chính thức, đã có 764 trường hợp bị từ chối nhập cảnh Mỹ (4) với lý do trên. Một số câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn của viên chức CBP đối với du khách như sau:
– What is the purpose of your trip to the United States of America today? (Mục đích chuyến đi của bạn đến Mỹ là gì?)
– Where will you visit? (Bạn sẽ thăm viếng những nơi nào?)
– How long are you going to stay on this trip? (Bạn dự định sẽ ở Mỹ bao lâu?)
– What do you do? (Bạn làm nghề gì?)
– Where will you stay? (Bạn sẽ ở đâu?)
– Do you have any relatives in America? Where do they live? (Bạn có thân nhân ở Mỹ không? Họ đang sống ở đâu?)
– How much cash are you carrying with you today? (Bạn mang theo bao nhiêu tiền mặt hôm nay?)
– Why are you carrying large amounts of cash to the United States of America? (Tại sao bạn mang theo nhiều tiền mặt đến Hoa kỳ?)
– Show me your return air-ticket. (Cho tôi xem vé máy bay khứ hồi của bạn.)
Nếu du khách không biết tiếng Anh thì viên chức CBP sẽ chỉ định nhân viên phiên dịch.
Phim: Viên chức CBP chụp ảnh, lấy dấu tay và phỏng vấn du khách làm thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ.
Bước 3: Lấy hành lý
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, du khách nhanh chóng đến khu vực nhận hành lý (Baggage Claim). Các sân bay tại Mỹ đều rộng lớn và có rất nhiều băng chuyền trả hành lý, để tiết kiệm thời gian, du khách cần kiểm tra chuyến bay của mình sẽ nhận lại hành lý ở băng chuyền nào tại bảng thông báo đặt trước khu vực nhận hành lý.
Ảnh: Khu vực nhận hành lý tại sân bay quốc tế Seattle International Airport, bang Washington.
Du khách lưu ý là khác với các sân bay Việt Nam, nếu muốn sử dụng xe đẩy hành lý tại Mỹ thì du khách phải trả phí sử dụng, thường là $6 USD/chiếc, thanh toán phí bằng thẻ tín dụng tại các máy cho thuê xe đẩy tự động.
Ảnh: Máy cho thuê xe đẩy hành lý tại sân bay Mỹ.
Bước 4: Hoàn tất thủ tục kiểm tra hải quan
Sau khi lấy hành lý, du khách phải đi qua khu vực kiểm tra hải quan (Customs). Ở khu vực này du khách xuất trình chuẩn bị hợp tác với viên chức phụ trách kiểm tra hành lý. Hãy khai báo trung thực các loại thực phẩm và tổng số tiền mặt mang vào Hoa Kỳ, các hành vi gian dối đều bị xử phạt và lưu hồ sơ gây khó khăn cho các lần nhập cảnh Hoa Kỳ trong tương lai.
“Tôi được mang bao nhiêu tiền mặt vào Hoa Kỳ?” là một câu hỏi thường gặp của du khách, nhưng cũng là câu hỏi thường nhận được câu trả lời sai nhất. Theo luật Việt Nam mỗi cá nhân chỉ được mang theo không quá $5,000 USD khi xuất cảnh. Theo luật Hoa Kỳ, không có hạn chế số tiền mặt được mang theo khi nhập cảnh Mỹ, tuy nhiên các thành viên trong cùng gia đình nếu mang tiền mặt tổng số hơn $10,000 USD bao gồm USD và ngoại tệ, thì bắt buộc phải khai báo hải quan và sau đó sẽ được chuyển đến khu vực điền đơn FIN CEN Form 105 để chuẩn bị giải trình cho việc “Tại sao ông bà lại mang theo nhiều tiền mặt đến Hoa Kỳ?” (5).
Bước 5: Đón chuyến bay kế tiếp hoặc ra khỏi sân bay
Nếu du khách sẽ bay chặng kế tiếp thì cần chọn lối đi có bảng chỉ dẫn Transit, đọc thông tin về chuyến bay kế tiếp tại bảng thông báo điện tử và đến cổng lên máy bay (Gate). Luôn chú ý theo dõi thông tin về chuyến bay trên bảng thông báo hoặc qua các bản tin phát qua hệ thống loa tại khu vực chờ, việc đổi cổng ra máy bay sát giờ khởi hành vẫn thường xảy ra với mọi hãng hàng không trên thế giới.
Nếu du khách sẽ rời khỏi sân bay thì cần chọn lối đi có bảng chỉ dẫn Exit hoặc Ground Transportation, sau đó chờ người thân đón hoặc sử dụng phương tiện giao thông phù hợp.
Tham chiếu:
(1) https://travel.state.gov/content/travel/en/us-visas.html
(2) https://help.cbp.gov/app/answers/detail/a_id/796
(3) https://www.uscis.gov/ilink/docView/SLB/HTML/SLB/0-0-0-1/0-0-0-29/0-0-0-2006.html
(4) https://www.cbp.gov/newsroom/stats/typical-day-fy2018
(5) https://www.cbp.gov/travel/international-visitors/kbyg/money