Một phụ huynh có con đang học lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết vào khoảng giữa học kỳ 1, nhà trường tổ chức cho học sinh đi tìm hiểu quần thể Khu di tích lịch sử – văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình).
Không đi bị điểm 0
Điều bất thường khiến phụ huynh băn khoăn là kinh phí cho chuyến đi là 795.000 đồng/người và bắt buộc tất cả học sinh trong khối phải tham dự. Ngoài những học sinh có lý do chính đáng, những học sinh không tham gia sẽ nhận điểm 0 ở tám môn học. Những học sinh khác sẽ được xem xét dựa trên kết quả trải nghiệm để lấy điểm thường xuyên của tám môn học.
Trước đó, trường này cũng thực hiện một chuyến trải nghiệm tương tự và cũng tại địa điểm trên cho khối 11, 12. Riêng với khối 10, theo ông Phan Như Hùng, hiệu trưởng nhà trường, chuyến đi trên vừa là chuyên đề tích hợp liên môn gồm lịch sử, văn học, địa lý, kinh tế và pháp luật, sinh học, thể dục, công nghệ và hoạt động trải nghiệm, lại vừa kết hợp tổ chức trải nghiệm theo chủ đề nằm trong chương trình hoạt động trải nghiệm lớp 10 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Việc tổ chức các chủ đề học tập tích hợp liên môn bên ngoài lớp học là một trong những hình thức dạy học khác nhau được Bộ GD-ĐT cho phép từ nhiều năm trước và theo thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh trung học thì các nhà trường được chủ động trong việc áp dụng các cách đánh giá học sinh theo những hình thức dạy học đa dạng như dự án học tập, thực hành thí nghiệm, dạy học gắn với di sản, gắn với sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, qua tìm hiểu kỹ thì chuyến trải nghiệm của Trường Huỳnh Thúc Kháng chưa tổ chức đúng yêu cầu của chuyên đề học tập tích hợp liên môn. Trong kế hoạch triển khai không nêu rõ ràng phạm vi kiến thức của các môn học liên quan tới đợt trải nghiệm, không có phiếu giao nhiệm vụ học tập trước và trong đợt trải nghiệm, liên quan tới yêu cầu nằm trong chương trình của tám môn học nêu trên.
Hoạt động trải nghiệm nằm trong nhóm môn học/hoạt động bắt buộc ở lớp 10 theo chương trình mới. Theo quy định là không cho điểm, chỉ đánh giá. Nhưng Trường Huỳnh Thúc Kháng vẫn cho điểm, và những học sinh không tham gia sẽ bị điểm 0.
Những điểm băn khoăn trên khiến một số phụ huynh nghi ngờ việc học trải nghiệm chỉ là “bình mới” cho món “rượu cũ” là “tham quan có phí”.
Tương tự, ông Đ., trưởng ban phụ huynh một trường khác tại Hà Nội, cho biết trường tổ chức cho cả ba khối lớp đến một khu du lịch sinh thái ở Hòa Bình trong hai ngày. Trường công lập không có kinh phí chi cho hoạt động này nên phải kêu gọi phụ huynh hỗ trợ. Gần 100% học sinh tham gia, trừ những em xin nghỉ ốm, vì nhà trường thông báo đây là đợt “học tập trải nghiệm”.
Trao đổi về việc này, hiệu trưởng trường trên xác nhận “đó là học tập trải nghiệm”. Giáo viên phụ trách cũng gửi yêu cầu “trải nghiệm” cho học sinh trước chuyến đi nhưng nội dung khá chung chung, sơ sài. Trong kế hoạch không nêu rõ phương pháp triển khai, phân công nhiệm vụ cho học sinh trong quá trình học tập.
Một cách làm khác
Tìm hiểu một cách làm khác để thấy điểm khác biệt giữa các trường trong việc tổ chức các chuyên đề học tập hoặc hoạt động trải nghiệm nằm trong chương trình học tập bắt buộc như thế nào.
Đầu tháng 11-2022, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) có các đợt cho học sinh đi trải nghiệm ở Ba Vì (Hà Nội). Đây là đợt học tập được xác định rõ sẽ lấy điểm hệ số 1 và hệ số 2 ở môn sinh học lớp 12, tùy theo yêu cầu cụ thể với học sinh.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, những nội dung chuyên đề ở các môn học, nhóm môn học đều được các tổ chuyên môn bàn bạc trên cơ sở yêu cầu của chương trình và điều kiện của trường rồi đề xuất với hiệu trưởng. Tùy đặc thù của mỗi môn học mà có thể tổ chức các chuyên đề theo hình thức khác nhau, nhưng mục đích là đưa học sinh ra ngoài không gian lớp học đến với các di sản, bảo tàng, đơn vị sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội…
Cô Tạ Thị Thảo, giáo viên sinh học của Trường Yên Hòa, cho biết đợt trải nghiệm môn sinh học liên quan tới nội dung kiến thức “di truyền và biến dị” – chương trình sinh học lớp 12. Các em học sinh được chia theo hai ca, di chuyển đến trung tâm chăm sóc người khuyết tật (Ba Vì, Hà Nội). Học sinh vừa tìm hiểu về các bệnh di truyền – nguyên nhân, cơ chế và hậu quả – qua quan sát, tiếp cận với người khuyết tật tại trung tâm này, vừa kết hợp hoạt động từ thiện nhằm giáo dục cho học sinh ý thức chia sẻ với người yếu thế trong xã hội.
Trong khoảng hai tiếng tại trung tâm, các nhóm học sinh quan sát, tiếp cận, phỏng vấn nhân viên y tế và nhân viên nuôi dưỡng, trò chuyện với những người già và chơi với các cháu bé bị khuyết tật tại trung tâm. Các em ghi lại đặc điểm các bệnh, ghi chép về các biểu hiện, di chứng nhìn thấy từ người bệnh. Nhiều học sinh thoạt đầu dè dặt, sợ hãi nhưng qua tiếp xúc các em mạnh dạn và đồng cảm hơn với người bệnh.
Học sinh sẽ phải hoàn chỉnh bài thu hoạch để báo cáo tại lớp. Có thể là báo cáo bằng video, trình chiếu powerpoint hay các hình thức khác do học sinh lựa chọn.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho rằng điểm khác biệt giữa hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại với học chuyên đề hoặc trải nghiệm theo chủ đề cụ thể là giáo viên phụ trách phải xác định nội dung kiến thức, năng lực, kỹ năng cần đạt và giao nhiệm vụ cho học sinh một cách cụ thể trước, trong và sau khi đi trải nghiệm. Học sinh phải báo cáo kết quả, sản phẩm học tập sau khi trải nghiệm.