Những ai đã từng đi cung đường Tà Năng – Phan Dũng nơi giao nhau giữa 3 tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận đều không ngần ngại thốt lên rằng: không nơi nào có tuyến đường trek đẹp hơn được nữa.
LƯU Ý: đường đi có nhiều lối mòn (nhiều lối rẽ lung tung) nên chuẩn bị kĩ TRACKLOG GPR (hiện có rất nhiều tracklog về cung này nên cần thảm khảo tracklog đúng nhất để không bị lạc đường nhé) hoặc thuê người bản địa dẫn đường.
Tổng hành trình cung đường là 55 km băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển từ độ cao 1.100 m xuống còn 500 m so với mực nước biển. Đây là vùng đất chuyển tiếp từ cao nguyên xuống duyên hải miền trung.
Cung trekking Tà Năng – Phan Dũng đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Điểm xuất phát từ xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cách thành phố Đà Lạt 60 km về phía nam, điểm kết thúc là xã miền núi Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ KHI ĐI TREK TÀ NĂNG?
1. Nước uống – trung bình 1 người cần mang 4L có thể dùng được khoảng 26 tiếng (hơn 1 ngày). Sau đó có thể dùng nước suối đun sôi.
2. Đồ ăn – tuỳ vào dự tính ngày đi của mình để mang đồ cho phù hợp.
Nên mang theo những đồ ăn khô (tiện và nhẹ nhàng) phù hợp cho việc leo núi như lương khô, bánh mì, xúc xích giò chả, đồ hộp, bánh qui, mì gói…nếu có điều kiện thì có thể mang theo đồ ăn tươi là gà, thịt…nhưng phải bảo quản kĩ để tránh bị ôi thịu.
3. Giày leo núi – Giày leo núi nên lựa chọn loại có độ bám tốt. Mang giày vừa chân hoặc rộng 1 size, tránh trường hợp quá chật sẽ gây khó chịu khi di chuyển liên tục, giày bộ đội cũng là một sự lựa chọn cho việc leo núi.
Ngoài ra nên mang thêm 1 – 2 đôi tất để có thể thay sử dụng sau 1 ngày hoặc ướt, hạn chế việc mang giày/tất ướt trong thời gian quá dài.
4. Lều/ Túi ngủ/ Võng – Trong trường hợp đi rừng không có khoảng không bằng phẳng thì sử dụng võng sẽ tối ưu hơn, nhưng những cung trekking không có cây lớn thì sử dụng lều lại tiện lợi hơn võng, lại có thể ngủ nhiều người.
Tuy nhiên trong các chuyến leo núi, nên mang theo túi ngủ hoặc chăn mỏng vì thời tiết trên cao khá lạnh và sương nhiều, bạn cần đủ ấm để có thể ngủ lấy sức sau 1 ngày vận động quá nhiều.
5. Quần áo: Trang phục leo núi nên lựa chọn đồ rộng, có thể co giãn giúp thoải mái khi di chuyển. Áo lựa chọn áo thun có độ thấm hút & thoát mồ hôi tốt, sử dụng màu sáng để dễ nhận ra và lên hình đẹp.
Khi trekking trong rừng hoặc khu vực ẩm ướt nên sử dụng quần dài, để hạn chế vắt, côn trùng hoặc rắn tấn công cũng như tránh trầy xước do cây, cỏ xung quanh.
Quần áo mang theo cần được bỏ vào túi nilon chống thấm nước trước khi bỏ vào balo.
Sử dụng mũ rộng vành giúp chống nắng hay mưa tốt.
Nên sử dụng găng tay ống tay chống nắng và hạn chế trầy sướt do vướng vào cây rừng.
Nếu phải di chuyển leo nhiều núi hay vách đá nên sử dụng áo mưa bộ, tuy nhiên nếu trekking đường dốc nhẹ thì có thể sử dụng áo mưa cánh dơi sẽ phù hợp hơn vì có thể che được cả balo, và có thể sử dụng làm tấm lót trải.
6. Balo – Balô trong các chuyến leo núi nên lựa chọn loại có kích cỡ vừa đủ và phù hợp với thể trạng từng người. Tránh trường hợp mang balô quá rộng, dẫn đến việc nhét thêm thật nhiều đồ dùng không cần thiết trong một chuyến leo núi , trekking, làm bạn dễ bị đuối sức.Theo kinh nghiệm leo núi của mình, nên lựa chọn balo có thanh đỡ lưng, đai bụng, đai ngực và nhiều ngăn, để có thể để nhiều đồ đạc và dễ tìm kiếm khi cần thiết.Mang theo áo mưa, bọc balô hoặc lựa chọn balô chống thấm.
Màu balô có nhiều lựa chọn, nếu đi rừng thì nên lựa chọn các balo có màu sắc nổi bật: cam, xanh lá, đỏ… để dễ nhìn thấy.
7. Bản đồ/GPS – nếu có người bản địa dẫn đường thì tốt nhưng đôi khi vẫn bị lạc. Bạn nên download một tracklog offline về máy. Ai cũng nên có 1 bản đồ riêng mang theo để phòng trường hợp bị lạc mất đoàn (không nên phụ thuộc quá khi đi chung).
8. Đồ điện tử (điện thoại, máy ảnh, sạc dự phòng…)
– Đồ điện tử phải luôn được bọc kín, và bảo quản đúng cách để tránh va đập hoặc ướt do mưa, lội suối.
Sử dụng 2 điện thoại để có thể liên lạc khẩn cấp trong trường hợp 1 máy bị hư.
Mang theo pin dự phòng để đảm bảo điện thoại đủ pin sử dụng chụp ảnh, dò đường, liên lạc.
9. Vật dụng khác
– Dao, bật lửa, đèn pin là những vật dụng cần thiết và đa năng, có thể sử dụng nhiều trong khi leo núi, nên mang theo và để ở nơi có thể dễ tìm thấy.
– Thuốc men, thuốc chống muỗi, vắt.
– Nước Tăng lực, C sủi giúp hồi phục sức khoẻ & chống say nắng, tăng sức đề kháng khi đi leo núi.
– Túi nilon: mang theo túi nilon để chống thấm cho quần áo, đồ đạc hay
– Dây: sử dụng trong việc căng lều, che mưa, treo đồ… mang thêm 1 đoạn dây sẽ khá đa năng trong các chuyến leo núi.
– Khăn giấy, Giấy vệ sinh, Bao cao su, Băng vệ sinh… mang theo tuỳ vào nhu cầu & mục đích sử dụng.
– Hộp quẹt, bếp cồn + cồn hoặc củi thông, cây mồi… Cung này không thiếu cây khô, nếu bạn mang theo đồ tươi hoặc nấu cơm thì nhớ chuẩn bị thêm đồ nhóm lửa. Dùng bếp cồn sẽ nhanh & đỡ tốn sức hơn.
Tuỳ thuộc vào thời gian, độ khó, địa hình, nhu cầu riêng của bản thân…. mà có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình.
CÁCH ĐI CUNG TÀ NĂNG – PHAN DŨNG
- Tối lên xe Phương Trang, dặn tài xế thả xuống ngã 3 Tà Hine (hồ Đại Ninh) : 220k/người giường nằm
- Xuống ngã 3 Tà Hine, có thể ngồi uống 1 ly cafe, ăn tô mì gói rồi thuê xe ôm vào Tà Năng. Quán mở sáng đèn ở đối diện ngã 3 Tà Hine. Ở đây lưu ý thêm 1 chút, rừng tên là Tà Năng nhưng điểm xe máy có thể chở bạn đến & đi bộ là thôn Toa Cát, xã Đa Quyn.
- 5h sáng, đi xe ôm (2 người/xe) vào địa điểm bắt đầu đi bộ . Điện thoại anh Sơn xe ôm Tà Hine – 01634437939. Bạn nên nói là đi vào Toa Cát để đi bộ xuống Bình Thuận. 250k/xe 2 người.
- Cây xăng Tà Hine, rẽ trái đường vào Đà Loan:
- Trên đường đi có thể ghé chợ Đà Loan ăn sáng + mua nước + đồ ăn thêm
- Rẽ trái, vào thẳng thôn Toa Cát, đến ngã ba tại tọa độ: 11.582302, 108.514161 thì rẽ PHẢI, đi tầm 3km nữa thì bắt đầu đi bộ.
- Điểm bắt đầu đi bộ: 11.554181, 108.524975 ở đây có 1 ngã 3, gần đó có nhà 2 vợ chồng làm rẫy khá vui tính.
- Khoảng 7h sáng bắt đầu hành trình trekking. Do chỉ có 1 đường, do đó cứ đi theo đường chính xuyên qua làng, vườn cafe, ruộng lúa… Và gặp nhà hoa giấy theo hướng dẫn team a Trung Pham, tọa độ: 11.547, 108.5273.
- Từ đây sẽ thấy được quả đồi thấp đầu tiên, những quả đồi liên tiếp nhau, không có nhiều cây lớn mà chỉ là cỏ thấp
- Đến tọa độ: 11.525827, 108.545132 qua 1 xíu sẽ gặp suối.
- Từ đây, con đường chinh phục mới bắt đầu gian nan hơn, Con dốc cao liên tiếp, đi theo lối mòn của xe công nông, xe máy độ của anh em thợ rừng… Nếu đoàn nào đi xe máy thì chắc sẽ là 1 cực hình. Quá xá cao và quá xá lầy lội.
- 10h, lên đến con dốc cao cuối cùng, uống nước và ngồi nói chuyện với 1 số anh em đi rừng người dân tộc, họ khá thân thiện và nhiệt tình chỉ đường.
- Xe máy đa phần được độ chế lại, tháo hết chân chống cho đỡ vướng.. Mỗi chiếc này sẽ chở được 1-200kg.
- Xuống 1 chút sẽ gặp 1 điểm lấy nước, bạn nên lấy đầy lại 1 số chai lọ đã uống hết (nước sạch dồn chung, lấy chai hứng nước suối), lưu ý chọn chỗ phía trên và dòng nước chảy. Nước này có thể dùng nấu ăn hoặc đun sôi uống.
- Sau cung đường leo dốc mệt nghĩ là những ngọn đồng đẹp như tranh vẽ, nhớ tranh thủ chụp lại những bức ảnh tuyệt vời nhất
- Nghỉ trưa lúc 12h, tại 11.5115, 108.5628
- Theo đường mòn thì sẽ gặp ngã 3 núi Lỡ, tọa độ: 11.511014, 108.562455, lúc này đi theo hướng bên phải về Phan Dũng
- Còn rẽ trái, theo thông tin sẽ là đi đến thác 7 tầng và thác Yaly, 1 bản làng nào đó dưới Phan Dũng luôn.
- Những quả đồi, những con đường siêu đẹp.
- Dọc đường đi này chủ yếu có lối mòn sẵn, bạn chỉ việc theo đường mòn & theo định vị của 1 số mốc đánh dấu là Okie.
- 4h, nhóm mình đến quả đồi trọc cuối cùng, đây là điểm cắm trại nghe nói đẹp nhất vì là quả đồi cao nhất, có thể ngắm bình minh, may mắn gặp được biển mây. Các bạn nên hạ trại tại đây.Tọa độ là: 11.455404,108.593224
- Vì nước không còn nhiều, và sớm quá, nhóm đã có quyết định sai lầm là theo tracklog hướng về suối và dẫn đến hành trình đi lạc… Suốt 2 tiếng băng rừng, nhóm có đi qua 1 con suối nhỏ, tuy nhiên lại không đến được điểm gần đến. 6h tối quyết định hạ trại ở trong rừng, cạnh 1 vực khá sâu, có thể nghe rõ tiếng suối nhưng không mò xuống được. Quá đuối sau 1 ngày, nhóm nghỉ lại, đốt lửa, dựng lều & ăn tối.
- Sáng hôm sau, nhóm mất thêm hơn 1 tiếng để quay lại đường chính. Tổng quảng thời gian đi lạc là 3 tiếng đồng hồ.
- Lúc này là 7h30, mới có thể quay lại điểm 11.464578, 108.592489
- Từ đây chỉ cần theo đường mòn lớn (đa phần xuống dốc) khoảng nửa tiếng nữa thì sẽ gặp suối nhỏ, có thể lấy thêm nước. Từ đây thì cứ men theo đường mòn sẽ gặp rất nhiều mạch nước, suối nhỏ.
- Điểm có nước: 11.4608, 108.6033
- Quãng đường tiếp theo vẫn theo các lối mòn, không còn những quả đồi nữa mà là rừng thưa và trúc bụi, cỏ tranh cao ngang hông.. Rất đẹp.
- 11h00, nhóm bắt đầu dính mưa, mặc áo mưa và tiếp tục.
- 12h, đến được đường lớn xuyên rừng. Từ đây đã có sóng điện thoại để alo các anh ngoài UB Phan Dũng vào đón (150k/người) hoặc đi bộ khoảng 4km nữa.
- Điện thoại anh Út xe ôm Phan Dũng – 01652577764 – 150k/2người