Phan Thiết – thành phố ven biển nằm ở tỉnh Bình Thuận, có những bãi cát trắng tuyệt đẹp và văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc. Nếu bạn có kế hoạch khám phá thành phố biển này cùng gia đình hoặc bạn bè, thì tấm bản đồ du lịch Phan Thiết, Bình Thuận là một cẩm nang hữu ích không thể thiếu.
Hãy cùng Saigontourism khám phá chi tiết bản đồ du lịch Phan Thiết Mũi Né từ A đến Z theo hướng từ Bắc vào Nam, để không bỏ lỡ bất kỳ điểm tham quan nào và có một chuyến đi trọn vẹn nhất!
Bản đồ các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết
Phan Thiết là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của dải đất hình chữ S. Biển xanh, cát trắng, nắng vàng, cảnh vật hữu tình là những gì mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Với khung cảnh thơ mộng ấy, Phan Thiết là điểm đến lý tưởng của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Để không phải mất quá nhiều thời gian tìm “chỗ chơi”, du khách có thể tham khảo bản đồ các địa điểm du lịch ở Phan Thiết dưới đây để tìm những địa điểm phù hợp cho lịch trình du lịch.
Bản đồ lộ trình đến các địa điểm du lịch phía Bắc Phan Thiết – Bình Thuận
Những điểm đến đầu tiên trong lịch trình khám phá Phan Thiết sẽ nằm ở phía Bắc của thành phố.
Cù Lao Câu
Cù Lao Câu, hay còn được người dân gọi là Hòn Câu, là một hòn đảo xinh đẹp. Xung quanh Hòn Câu là hàng vạn khối đá với nhiều hình dáng kỳ lạ, biến đổi màu sắc theo ánh sáng mỗi ngày. Khi thủy triều xuống dần, sẽ hiện ra những vỏ ốc, vỏ sò lấp lánh dưới ánh mặt trời như những viên kim cương của biển.
Đến với Cù Lao Câu, bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ và khám phá nhiều điều thú vị tại hòn đảo này.
Để đi từ đất liền ra Cù Lao Câu, bạn có thể di chuyển từ nhiều địa điểm khác nhau:
- Cách di chuyển từ cảng Cà Ná ra Cù Lao Câu: Tại Cà Ná, có nhiều dịch vụ hỗ trợ đưa du khách ra đảo bằng cano, thông thường sẽ mất 1 giờ đồng hồ để đến được Hòn Câu từ Cà Ná.
- Cách di chuyển từ bến đò ở thị trấn Liên Hương: Xuất phát từ bến đò thị trấn Liên Hương, du khách đi bằng cano của Trung tâm Bảo tồn Biển với giá vé 250.000 người/khứ hồi.
- Cách di chuyển từ cảng Cá Phước Thể: Khi di chuyển từ đây, du khách có thể đi nhờ tàu của ngư dân hoặc tàu chở thực phẩm ra đảo.
Bãi đá Cổ Thạch
Bãi đá Cổ Thạch nằm trong khu du lịch Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Khi đến đây, du khách sẽ được chạm tay vào những hòn đá có hình thù độc đáo và nhiều màu sắc. Nơi đây còn được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”.
Bãi đá Cổ Thạch còn hấp dẫn du khách bởi những tảng đá to và nhiều hình dáng kỳ lạ. Đặc biệt, vào khoảng trong tuần tháng 03 hằng năm, toàn bộ bãi đá khoác lên mình chiếc áo màu xanh bởi những lớp rêu, sau đó lại trở lại màu sắc thường ngày rất huyền ảo, mê hoặc.
Để đến được bãi đá Cổ Thạch, từ thành phố Phan Thiết đi theo Quốc lộ 1A về phía Bắc 90km. Đến ngã ba thị trấn Liên Lương, rẽ trái men theo con đường đất đỏ có rừng phi lao dọc theo 2 bên đường là đến bãi đá Cổ Thạch.
Hòn Rơm
Hòn Rơm là một trong những hòn đảo đẹp nhất Việt Nam. Với vẻ đẹp hút hồn và bờ biển trải dài, nơi đây thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan hàng năm.
Đến Hòn Rơm, du khách không chỉ được thỏa sức bơi lội trong làn nước trong xanh, mà còn có thể thử thách bản thân với các hoạt động thể thao bãi biển thú vị như trượt cát, mô tô nước, hay thậm chí là chơi dù lượn.
Với những trải nghiệm thú vị và không gian tuyệt đẹp, chắc chắn Hòn Rơm sẽ là một trong những điểm đến không thể bỏ qua cho kỳ nghỉ của bạn.
Để di chuyển từ trung tâm Phan Thiết đến Hòn Rơm, đi theo phía Đông và đi dọc theo đường biển Huỳnh Thúc Kháng qua núi Cát Bay khoảng 3km là đến Hòn Rơm. Từ chợ Mũi Né, đi theo hướng Bắc trên đường Huỳnh Tấn Phát, rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Thọ và đi đến giao lộ, rẽ phải tiếp vào đường Xuân Thủy. Tiếp tục đi dọc theo đường Xuân Thủy, bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đường tới Hòn Rơm.
Bản đồ các địa điểm du lịch gần trung tâm Phan Thiết – Bình Thuận
Sau khi đã tận hưởng thoải mái vitamin “sea”, bản đồ du lịch sẽ dẫn bạn tới những địa điểm gần trung tâm thành phố Phan Thiết.
Suối Tiên
Suối Tiên (Suối Hồng Mũi Né) là một điểm đến đầy thú vị với dòng nước có màu đỏ cam rực rỡ. Nơi đây tạo nên một bức tranh nóng lạnh đối lập hoàn hảo của những dãy núi xanh mát và những đồi cát vàng mênh mông. Tất cả hội tụ ở đây tạo nên khung cảnh thu hút và kỳ thú.
Dòng nước của Suối Tiên chảy nhẹ nhàng, không quá sâu nên du khách có thể dễ dàng thả bộ trên dòng suối, ngắm nhìn khung cảnh và cảm nhận được sự mát lạnh trong những ngày nắng hè.
Để di chuyển từ Làng Chài Mũi Né đến Suối Tiên, đi thẳng theo đường Huỳnh Thúc Kháng khoảng 3km. Đến địa chỉ số 32 Huỳnh Thúc Kháng đi thêm 50m nữa sẽ thấy một cây cầu ngắn bắc qua dòng suối. Và đây chính là Suối Tiên bạn muốn đến. Từ Đồi Cát Bay, đi về hướng Tây Nam lên đường Xuân Thủy, tại vòng xuyến tiếp tục đi thẳng vào Đường Võ Nguyên Giáp khoảng 6km, sau đó rẽ trái vào Hồ Quang Cảnh, rồi tiếp tục rẽ trái tới Huỳnh Thúc Kháng. Tới đây du khách đi theo hướng dẫn trên sẽ đến được Suối Tiên.
Bãi đá Ông Địa
Bãi đá Ông Địa nổi tiếng nằm tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Điểm đặc biệt của bãi đá này là một tảng đá lớn có hình thù giống ông Địa, với gương mặt hiền từ đang mỉm cười nhìn về phía đất liền. Tuy nhiên, theo thời gian, tảng đá đã bị bào mòn.
Chính quyền địa phương và bà con đã xây dựng một am thờ cúng tại đây để cầu bình yên cho bà con nơi đây. Cùng với đó là đầu tư chỉnh trang đường xá, bãi đá chắn sóng vô cùng đẹp mắt dành cho khách du lịch.
Tới đây, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên, mộc mạc của làng chài ven biển với những chiếc thuyền thúng nhiều kích thước, những tấm lưới đánh cá nằm vắt trên thuyền của các ngư dân. Để đến bãi đá Ông Địa, từ Lâu Đài Rượu Vang rẽ trái vào đường Võ Nguyên Giáp, đi thẳng khoảng 1km rồi rẽ trái vào đường Phạm Thanh Tùng. Tiếp tục đi thẳng trong 1km và sau đó rẽ trái vào đường Nguyễn Đình Chiểu. Di chuyển theo con đường khoảng 700m là đến bãi đá. Hoặc, từ Công viên tượng cát Forgotten Land chỉ cần đi thẳng theo đường Nguyễn Thông qua Nguyễn Đình Chiểu là sẽ tới được bãi đá.
Tháp Poshanư
Tháp Poshanư là một trong những di tích đền tháp Chăm còn tồn tại từ Vương Quốc Chăm Pa xưa. Với kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm, Tháp Poshanư mang đến một vẻ đẹp kỳ bí và uy nghiêm.
Khi ghé thăm nơi đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá văn hóa và lịch sử của người Chăm Pa xưa, đồng thời còn được nghe những truyền thuyết hấp dẫn về Tháp Chăm và chuyện tình đầy cảm động của công chúa Poshanư.
Để đến Tháp Poshanư, đi theo con đường Dã Tượng khoảng 300m từ bãi biển, rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Thông. Tiếp tục đi thẳng đến khi nhìn thấy bảng chỉ dẫn, tại đó rẽ phải và tiếp tục đi khoảng 1.9km là đến.
Trường Dục Thanh
Trường Dục Thanh, được sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân, đã khai sinh ra rất nhiều sĩ phu yêu nước thời xưa. Đặc biệt, đây còn là ngôi trường mà Bác Hồ đã từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Để đến Trường Dục Thanh từ bãi biển Đồi Dương, đi dọc theo đường Nguyễn Tất Thành, rẽ trái vào đường Thủ Khoa Huân. Tiếp tục đi thẳng qua vòng xuyến thứ hai và rẽ vào đường Lê Hồng Phong. Sau khi qua cầu, rẽ phải vào đường Trưng Nhị và đi thẳng khoảng 500m để đến Trường Dục Thanh. Từ Tháp Chàm, đi về phía Đông Bắc, rẽ trái vào đường Nguyễn Thông, sau đó rẽ phải vào đường Thủ Khoa Huân và đi theo hướng dẫn trên để đến Trường Dục Thanh.
Bản đồ các địa điểm du lịch ở phía Nam Phan Thiết – Bình Thuận
Vùng đất cuối cùng mà bản đồ du lịch muốn giới thiệu cho du khách nằm ở phía Nam của trung tâm thành phố Phan Thiết.
Núi Tà Cú
Núi Tà Cú ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của núi rừng nơi đây.
Núi Tà Cú còn là một điểm tham quan tâm linh với nhiều ngôi chùa linh thiêng. Đặc biệt, ở đây có bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, một trong những bức tượng phật lớn nhất Đông Nam Á. Tới đây, du khách có thể tham gia vào các hoạt động thú vị như leo núi, trekking, đạp xe,…
Để di chuyển từ Đồi Cát Bay đến Núi Tà Cú, đi theo đường Võ Nguyên Giáp đến xã Xuân An, sau đó đi tiếp dọc theo quốc lộ 1A đến thị trấn Thuận Nam và rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh. Tiếp tục đi thêm khoảng 2km dọc theo đường Nguyễn Văn Linh sẽ đến núi Tà Cú. Từ Bàu Trắng, di chuyển đến quốc lộ 1A tại Hàm Đức, sau đó đi dọc theo quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh tại thị trấn Thuận Nam rồi và đi theo hướng dẫn như trên là có thể đến được núi Tà Cú. Nếu bắt đầu từ trung tâm thành phố Phan Thiết, đi dọc theo đường quốc lộ 1A về phía Nam đến thị trấn Thuận Nam. Đến đây, rẽ trái theo đường Nguyễn Văn Linh và đi khoảng 2km là đến núi Tà Cú.
Hải đăng Kê Gà
Hải đăng tại Mũi Kê Gà là một trong những hải đăng lâu đời nhất tại Việt Nam. Ngọn hải đăng được xây dựng bằng đá hoa cương, bền vững qua hơn một thế kỷ.
Để lên đến đỉnh Hải đăng Kê Gà, bạn cần vượt qua 183 bậc thang xoắn ốc bắt mắt và độc đáo. Tại đỉnh tháp, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của hòn đảo, từ mặt biển hiền hòa đến đất liền xa xôi. Đặc biệt, ngắm hoàng hôn và bình minh trên đỉnh Hải đăng Kê Gà là một trải nghiệm tuyệt vời không nên bỏ lỡ.
Để đến Hải đăng Kê Gà, nằm tách biệt với đất liền khoảng 500m, bạn cần thuê tàu xuồng hoặc cano dịch vụ nơi đây để tới được ngọn hải đăng. Từ trung tâm Phan Thiết, đi dọc theo bờ biển cho đến khi thấy bảng chỉ dẫn, sau đó rẽ vào một con đường nhỏ và tiếp tục đi thêm một đoạn nữa. Đến đây, bạn cần thuê một chiếc cano hoặc xuồng để đến Hải đăng Kê Gà.
Bản đồ các địa điểm du lịch hữu ích cho kỳ nghỉ của bạn ở Phan Thiết, Bình Thuận
Ngoài những địa điểm trên, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động và trải nghiệm hấp dẫn khác. Bạn có thể khám phá những bãi biển tuyệt đẹp, thưởng thức ẩm thực đặc sản, tìm hiểu nghệ thuật dân gian, hoặc tham gia các hoạt động thể thao đa dạng như lướt ván, lặn biển, hoặc đua xe cát.
Saigontourism hy vọng những địa điểm nổi bật trong bản đồ du lịch Phan Thiết sẽ giúp du khách có một chuyến du lịch thú vị và đáng nhớ. Campingviet.vn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong kỳ nghỉ tại Phan Thiết, Bình Thuận!
Đây là bản sao của bài viết gốc và được viết lại bởi Campingviet.vn. Vui lòng không sao chép hoặc phân phối mà không có sự đồng ý của tác giả.