Nguyễn Thị Duyên[*]
Cùng với xu thế đổi mới mạnh mẽ các phương pháp dạy học trong các nhà trường hiện nay, chuyển trọng tâm hoạt động từ người dạy sang người học, chuyển từ lối dạy học thông báo, tái hiện sang kích thích người học tìm tòi, khám phá tri thức, phương pháp dạy học tình huống cũng là một trong số các phương pháp dạy học tích cực đang được áp dụng rộng rãi trong các nhà trường từ phổ thông cho đến đại học.
1. Đặt vấn đề
Phương pháp dạy học tình huống là một phương pháp đặc thù của dạy học giải quyết vấn đề theo tình huống, ở đó các tình huống là đối tượng chính của quá trình dạy học. Nhờ vậy, giúp cho người học không ngừng phát huy, tăng cường năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống; chuyển từ lối học nặng về tiêu hóa kiến thức sang lối học coi trọng vận dụng kiến thức. Đây là một phương pháp đặc thù của dạy học giải quyết vấn đề theo tình huống, ở đó các bài tập tình huống, tình huống dạy học là đối tượng chính của quá trình dạy học.
2. Cơ sở lý luận về phương pháp dạy học tình huống và bài tập tình huống.
Phương pháp dạy học tình huống (PPDHTH)
Theo Nguyễn Hữu Lam (2003), “Phương pháp tình huống là một kỹ thuật giảng dạy trong đó các thành tố chủ yếu của nghiên cứu tình huống được trình bày với những người học, với các mục đích minh hoạ hoặc các kinh nghiệm giải quyết vấn đề” [2].
Nói đơn giản, phương pháp dạy học tình huống là giảng viên cung cấp cho sinh viên tình huống có vấn đề. Sinh viên tìm hiểu, phân tích và hành động trong tình huống đó. Kết quả là sinh viên thu nhận được các tri thức khoa học, thái độ và các kĩ năng hành động (trí óc và thực tiễn) sau khi giải quyết tình huống đã cho sinh viên có thể học tập trong hoạt động, giao lưu và điều chỉnh, thích nghi những tri thức đã có, từ đó có tri thức mới, kĩ năng mới.
PPDHTH có những ưu, nhược điểm sau:
Về ưu điểm:
Thứ nhất, PPDHTH giúp người học dễ hiểu, dễ nhớ những vấn đề lí thuyết phức tạp. Thông qua các tình huống được phân tích, thảo luận, người học có thể tự rút ra những kiến thức lí luận bổ ích và ghi nhớ những kiến thức này một cách dễ dàng trong một thời gian dài, giúp người học hiểu được vấn đề một cách sâu sắc gắn liền với quá trình giải quyết tình huống đó.
Thứ hai, gắn nội dung dạy học với thực tiễn cuộc sống. PPDHTH nâng cao tính thực tiễn của môn học, giảm thiểu rủi ro của người học khi tham gia thực tiễn cuộc sống, thực tiễn nghề nghiệp, giúp người học có cái nhìn sâu hơn vào thực tiễn về vấn đề lí thuyết đã được học. Thông qua việc xử lí tình huống, người học sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lí thuyết.
Thứ ba, góp phần nâng cao tính chủ động, sáng tạo của người học. Khi giao các bài tập tình huống, người học phải chủ động tìm kiếm, phân tích các thông tin, phải chủ động tư duy, thảo luận – tranh luận trong nhóm hay với giáo viên, tìm hiểu thêm về lí thuyết, tài liệu tham khảo để đi đến giải pháp. Chính trong quá trình suy nghĩ, tranh luận, bảo vệ các giải pháp người học đã tham gia vào quá trình nhận thức. Sự tham gia tích cực đó đã góp phần tạo ra hứng thú, say mê học tập, sáng tạo của người học.
Thứ tư, góp phần gây hứng thú học tập thông qua quá trình tư duy, tranh luận tích cực với các thành viên khác. Đây chính là quá trình dạy học tập trung vào phương pháp học, phương pháp tiếp cận, phân tích và tìm giải pháp chứ không giới hạn việc học các nội dung cụ thể.
Thứ năm, góp phần nâng cao năng lực hợp tác, khả năng làm việc nhóm, kĩ năng phân tích, giải quyết vấn đề, bảo vệ và phản biện trước đám đông. Đây là những kĩ năng quan trọng có thể giúp người học thành công trong tương lai. PPDHTH dễ dàng giúp người học nhận ra ưu điểm và hạn chế của bản thân khi họ luôn có môi trường thuận lợi để so sánh, đánh giá và hoàn thiện bản thân trong quá trình giải quyết tình huống. Đồng thời, người học cũng biết cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác để làm cho kiến thức của mình phong phú hơn.
Thứ sáu, cung cấp môi trường sư phạm lí tưởng cho người học qua việc tổ chức các hoạt động học tập của mình và phát triển khả năng thích ứng của bản thân trong việc giải quyết các tình huống học tập cũng như trong cuộc sống.
Thứ bẩy, giúp cho việc liên kết các lí thuyết rời rạc của một môn học hoặc nhiều môn học khác nhau. Qua đó giúp người học có khả năng giải quyết tốt hơn các tình huống trong thực tiễn cuộc sống sau này.
Bên cạnh đó, PPDHTH vẫn còn tồn tại một số nhược điểm sau:
Một là, làm tăng khối lượng làm việc của giảng viên.
Hai là, đòi hỏi giảng viên luôn phải đổi mới, cập nhật các thông tin, kiến thức và kĩ năng mới.
Ba là, đòi hỏi giảng viên phải mất nhiều thời gian chuẩn bị các phương án giải quyết để tìm ra phương án tối ưu.
Bốn là, đòi hỏi giảng viên cần phải hiểu rõ tính chất của người học và các yếu tố tác động để có sự phối hợp nhuần nhuyễn và cân đối các phương pháp truyền thống.
Năm là, đòi hỏi những kĩ năng phức tạp hơn trong giảng dạy, như cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích người học thảo luận, nhận xét, phản biện. Đây là thách thức lớn đối với giảng viên.
Sáu là, đòi hỏi người học có tính năng động, sự say mê, yêu thích kiến thức và khả năng tư duy độc lập cao.
Bẩy là, tốn nhiều thời gian người học.
2.3. Bài tập tình huống (BTTH)
Có nhiều định nghĩa khác nhau về BTTH, theo tác giả BTTH là một tình huống có vấn đề, thể hiện dưới dạng những câu chuyện có thật hay hư cấu như thật được giáo viên đề xuất với dụng ý sư phạm nhất định, được xây dựng trên cơ sở logic của quá trình dạy học, logic của môn học, bài học và chiến lược dạy học của người thầy để đưa người học vào trạng thái tích cực, tự giác chiếm lĩnh vấn đề học tập với sự nỗ lực cao nhất về tâm lý, trí tuệ.
BTTH phải thoả mãn các điều kiện sau:
Tạo ra vấn đề: tạo ra một vấn đề không có câu trả lời đúng, đảm bảo để tình huống đó thể hiện những thách thức thực sự đối với học viên và kích thích những suy nghĩ, kỹ năng phản bác của họ thông qua các câu trả lời đa dạng và có lý.
Nhân vật phải có tính hiện thực: xác nhận các nhân vật mà người học có thể liên hệ tới và trong trường hợp những tình huống buộc phải ra quyết định thì xác định ai là người phải giải quyết vấn đề và ra quyết định.
Đưa ra một thách thức: đưa tình huống có tính phức tạp vừa đủ để buộc người học phải suy nghĩ và thực sự vận dụng các kỹ năng trí tuệ của mình để giải quyết, không nên để cho người học cảm thấy dễ dàng xác định vấn đề hoặc đưa ra giải pháp ngay mà không cần phân tích, suy xét.
Sử dụng thông tin: bắt buộc người học phải sử dụng thông tin trong BTTH để giải quyết vấn đề. Người học được yêu cầu tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin.
Thông tin đầy đủ: BTTH phải chứa đựng thông tin đầy đủ để giúp người học đưa ra những lý luận và phân tích có chiều sâu, giúp người học tránh được những phân tích hoặc lý luận suông, nông cạn.
2.4. Cách thức sử dụng BTTH trong dạy học môn Tâm lý học tiêu dùng (TLHTD)
Sử dụng bài tập tình huống TLHTD trong dạy học có một ý nghĩa rất quan trọng, sinh viên được phát huy tính tích cực chủ động, hứng thú trong học tập, tự học; có được kỹ năng giải quyết các tình huống tiêu dùng phong phú, đa dạng trong thực tiễn; củng cố vững chắc các kiến thức đã học và góp phần hình thành năng lực thực hiện cho nghề nghiệp tương lai.
Muốn sử dụng được hệ thống BTTH vào trong quá trình dạy – học môn TLHTD hiệu quả, đòi hỏi giảng viên và sinh viên cần có tư duy tích cực, chủ động, tự giác và làm việc một cách nghiêm túc, khoa học; thường xuyên có ý thức liên hệ các kiến thức đã học vào trong thực tiễn dạy học và cuộc sống.
Đối với giảng viên
Giảng viên phải thường xuyên chắt lọc và xây dựng được hệ thống BTTH phù hợp nội dung môn học.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên quy trình giải quyết BTTH, hướng dẫn sinh viên cách khai thác vấn đề, sưu tầm các tình huống thực tiễn.
Thường xuyên giao bài tập về nhà cho sinh viên nghiên cứu trước nội dung học tập, BTTH để sinh viên đến lớp chủ động và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận và trình bày ý tưởng giải quyết tình huống, làm tăng hiệu quả bài học và hứng thú học tập cho các em.
Cần khéo léo đặt vấn đề và hướng dẫn sinh viên giải quyết vấn đề, động viên khuyến khích kịp thời từng cố gắng của các em.
Cần cởi mở, gần gũi với sinh viên, để các em dễ dàng bộc lộ những suy nghĩ của mình một cách tự nhiên, thoải mái, tạo nên không khí sôi nổi, hứng thú đối với học tập.
Cần chú ý phát triển tính tích cực chủ động của người học, chú ý phát triển tư duy lôgic của sinh viên.
Để có thể sử dụng được hệ thống BTTH vào trong dạy học môn TLHTD, cần phải thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Giảng viên cần xác định mục tiêu của bài học: Giảng viên cần xác định mục tiêu kiến thức của bài học mà sinh viên phải nắm vững, từ đó lựa chọn bài tập tình huống phù hợp với nội dung kiến thức cần truyền đạt về mặt lí thuyết.
Bước 2. Lựa chọn BTTH: Tùy vào từng bài học, vào mục tiêu kiến thức mà giảng viên mong muốn các sinh viên nắm được mà đưa ra các BTTH phù hợp. Ví dụ: Muốn SV nắm vững và hiểu về đặc điểm tâm lý của các nhóm tiêu dùng thì giảng viên cần tìm và lựa chọn BTTH liên quan đến: đặc điểm tâm lý nhóm tiêu dùng trẻ em, đặc điểm tâm lý nhóm tiêu dùng lứa tuổi thanh niên, đặc điểm tâm lý nhóm tiêu dùng lứa tuổi trung niên, đặc điểm tâm lý nhóm tiêu dùng lứa tuổi già, đặc điểm tâm lý nhóm tiêu dùng của đàn ông, đặc điểm tâm lý nhóm tiêu dùng là phụ nữ… Quan trọng là BTTH phải liên quan đến nội dung lí thuyết của bài học cần SV hiểu và nắm vững.
Bước 3. Gợi ý các hướng giải quyết: Giảng viên cần cung cấp các kiến thức về mặt lí thuyết có liên quan đến BTTH đưa ra. Giảng viên cần nêu rõ hoặc giải thích chi tiết BTTH để SV hiểu rõ các yêu cầu, các vấn đề cần được giải quyết trong mỗi BTTH và xác định được nhiệm vụ, vai trò của mình khi tham gia vào giải quyết BTTH đó.
Bước 4. Tổ chức hoạt động của lớp để giải quyết BTTH: Tùy vào tính chất, nội dung của BTTH, vào mục tiêu tổ chức hoạt động dạy học của giảng viên trong mỗi nội dung kiến thức, bài học cụ thể mà có thể tổ chức hoạt động của lớp theo hình thức cá nhân hay hình thức nhóm để giải quyết BTTH được đưa ra.
Với hình thức tổ chức hoạt động cá nhân: Giảng viên đưa ra một BTTH chung cho cả lớp, nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ của các cá nhân và quy định về thời gian để mỗi SV giải quyết nhiệm vụ học tập.
Với hình thức hoạt động nhóm: Giảng viên phân chia lớp thành các nhóm học tập, mỗi nhóm sẽ có một BTTH riêng (hoặc các nhóm sẽ cùng nghiên cứu một BTTH) và các nhiệm vụ học tập cụ thể. Giảng viên cũng nêu rõ quy định về thời gian để mỗi nhóm nghiên cứu, thảo luận và đưa ra hướng giải quyết nhiệm vụ học tập.
Bước 5. Cá nhân/nhóm đưa ra cách thức giải quyết BTTH của mình/nhóm: Sau khi hết thời gian quy định, giảng viên sẽ tổ chức hoạt động để các cá nhân/nhóm trình bày về nhiệm vụ học tập đã được nêu ra tương ứng với mỗi BTTH. Cụ thể như sau:
+ Cá nhân/nhóm sẽ lần lượt lên trình bày về cách thức giải quyết BTTH của mình/nhóm.
+ Cả lớp sẽ lắng nghe, nhận xét, đưa ra câu hỏi về cách giải quyết BTTH của bạn/ nhóm bạn.
+ Cá nhân/nhóm tiếp tục trao đổi, phản biện
Bước 6. Giảng viên tổng kết, nhận xét và đánh giá: Sau phần trình bày, trao đổi, phản biện của các cá nhân/nhóm, giảng viên nhận xét và rút ra kết luận các giải pháp liên quan đến nội dung lí thuyết của bài học.
Từ cách thức tổ chức theo các bước trên, Giảng viên dẫn dắt sinh viên giải quyết các BTTH tương ứng với từng nội dung cơ bản của bài học; tạo cơ hội cho sinh viên rèn kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn.
Đối với sinh viên
Sinh viên phải xác định được mục tiêu, yêu cầu của môn học từ đó có ý thức và thái độ, động cơ học tập đúng đắn.
Chủ động nghiên cứu bài học và thực tốt các nhiệm vụ học tập do giáo viên yêu cầu.
Chủ động, tích cực trao đổi với bạn bè, thầy cô về các BTTH và các phương án giải quyết BTTH
Rèn thói quen tư duy khoa học, tích cực trong hoạt động học tập, nghiên cứu.
3. Kết luận
Thông qua việc sử dụng các BTTH trong quá trình giảng dạy môn TLHTD, giảng viên đã tạo ra môi trường thuận lợi để sinh viên có thể trao đổi, học hỏi được nhiều phương án giải quyết vấn đề theo các góc độ khác nhau để cùng rút kinh nghiệm, bổ sung vào vốn kiến thức cho bản thân và nghề nghiệp sau này. Bằng cách học như vậy sinh viên phát huy tính tích cực, chủ động ở mức độ cao, vì BTTH gắn với thực tiễn, gần gũi với các em nên rất hứng thú, bầu không khí học tập rất sôi nổi, hào hứng.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Duyên, Xây dựng hệ thống bài tập tình huống môn Giáo dục học ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, đề tài NCKH cấp Trường mã số T2016 – 07, năm 2016 – 2017.
- Nguyễn Hữu Lam (2003), Giảng dạy theo phương pháp tình huống, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại FETP.
- Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm.
- Nguyễn Thị Minh Tâm (2011), Vận dụng lí thuyết tình huống trong dạy học phần Hóa hữu cơ lớp 11 THPT, Luận văn ThS Giáo dục học, ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Hữu Thụ (2013), Tâm lý học quản trị kinh doanh, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.
–
[*] ThS, giảng viên khoa Giáo dục đại cương