Quần thể du lịch Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư. Trong đó, Tràng An là danh thắng gồm các núi, động còn Bái Đính là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Tràng An, Bái Đính hợp lại là quần thể núi chùa, danh thắng quốc gia có một không hai tại Đông Nam Á vừa kết hợp được vẻ đẹp du lịch tự nhiên vừa kết hợp được du lịch tâm linh.
1. Khu du lịch Tràng An Bái Đính nằm ở đâu?
Trung tâm bến thuyền Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3km về hướng Nam, cách thành phố Ninh Bình 7km theo hướng đại lộ Tràng An, cách thành phố Tam Điệp 16km theo hướng bắc, và cách Hà Nội 96km theo hướng Nam.
Tràng An là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng của Ninh Bình có diện tích rất lớn hơn 2000ha, quần thể du lịch Tràng An là một vẻ đẹp của rừng núi và các hang động tuyệt đẹp.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa chiền nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viên, cách cố đô Hoa Lư 5km về phía Tây Bắc, cách thành phố Ninh Bình 12km. Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía Tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, cách Hà Nội 95km. Chùa Bái Đính nằm ở phía Bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An.
Nằm trong vùng đất cố đô xưa,Tràng An – Bái Đính là 2 điểm du lịch Ninh Bình trọng điểm nổi tiếng không những với du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài.
2. Thời gian đi du lịch Bái Đính Tràng An “chuẩn” nhất
Dịp mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch khi thời tiết giao mùa ấm áp là thời điểm đẹp nhất để đi Bái Đính Tràng An. Bạn có thể kết hợp du xuân vãn cảnh, lễ chùa cầu may và tham gia các lễ hội lớn ở cả Tràng An và Bái Đính.
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư. Vậy nên bạn có thể làm chuyến du lịch đầu xuân nhân dịp Tết nguyên đán cùng gia đình về với cố đô Hoa Lư, thăm chùa Bái Đính để tham dự lễ hội cổ truyền này của dân tộc nhé!
Tuy nhiên đây cũng là mùa du lịch lễ hội cao điểm nên khách tham quan tới đây rất đông đúc có thể dẫn tới tình trạng quá tải, chen chúc, trộm cắp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chiêm bái chùa Bái Đính vào những khoảng thời gian khác trong năm để tránh được sự đông đúc, nhưng nên tránh thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 vì thời tiết hoặc là quá nóng nực, bạn sẽ rất mệt cho chuyến hành trình dài hoặc là mùa lũ dâng cao khiến bạn thất vọng vì sẽ không tham quan được hang động khi chúng bị ngập nước.
3. Phương tiện và hướng dẫn đường đi Bái Đính Tràng An
Cuồng biết là vào mỗi dịp Tết đến xuân về, rất nhiều du khách từ Hà Nội đều làm chuyến du xuân đầu năm kết hợp đi chùa lễ Phật, và một địa điểm du lịch Ninh Bình được nhiều người ưa thích là khu du lịch Tràng An Bái Đính.
Thành phố Ninh Bình cách Hà Nội khoảng 110km. Nếu bạn khởi hành từ Hà Nội có thể bắt các chuyến xe khách đi Ninh Bình hàng ngày từ các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình cứ tầm 20 phút lại có một chuyến. Giá vé khoảng tầm 70.000 – 80.000 đồng / người.
Dừng chân tại bến xe Ninh Bình, bạn tiếp tục bắt xe bus hoặc taxi, xe ôm khoảng 130.000 đồng/ lượt để tới khu chùa Bái Đính, trên đường sẽ đi qua Tràng An. Khoảng cách từ thành phố Ninh Bình đến Tràng An là 7km và từ Tràng An đến Bái Đính là 7km.
Nếu muốn tiết kiệm một phần chi phí và chủ động ngắm cảnh bên đường, bạn có thể đi xe máy đến Ninh Bình theo Quốc lộ 1A vì khoảng cách không quá xa. Nếu di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội, bạn nên di chuyển theo hướng đi Văn Điển – Thường Tín. Sau đó theo Quốc lộ 1A về thành phố Ninh Bình. Đường tương đối dễ đi nên bạn sẽ chỉ mất 2 – 3 tiếng là có thể đến Ninh Bình. Du lịch Tràng An Bái Đính bằng xe máy, bạn cần chú ý những đoạn đường rẽ rất trơn trượt và dễ bị ngã khi trời mưa.
4. Giá vé tham quan thắng cảnh Tràng An Bái Đính
Khuôn viên chùa Bái Đính rất rộng. Nếu hạn chế về thời gian bạn có thể đi xe điện lên chùa. Vé xe điện ở khu chùa Bái Đính là 30.000/ chiều. Ngoài ra, nếu bạn đi xe máy về thăm chùa Bái Đính thì bạn sẽ phải gửi xe ở bãi xe khá xa cách chùa khoảng 3 km. Vì vậy, để tiết kiệm sức bạn nên đi xe điện. Phí gửi xe máy: 10.000 đồng. Phí tham quan Bảo tháp: 50.000 đồng/người/lượt.
Để khám phá danh thắng Tràng An, bạn sẽ mất hơn 3 giờ đồng hồ đi đò, thông thường từ 4 – 5 người/đò. Giá vé là 150.000 đồng/người. Vào mùa cao điểm thường rất đông du khách đổ về đây tham quan nên thường xảy ra tình trạng quá tải, chen lấn tại các điểm mua, soát vé và các bến thuyền, bạn cần cảnh giác đề phòng trộm cắp, móc túi.
5. Danh lam thắng cảnh ở Tràng An – vịnh Hạ Long trên cạn
Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An. Nơi đây đã được chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2014.
Thiên nhiên ưu ái Tràng An vừa có non, vừa có nước, mây trời hòa quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một trận thế liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi. Điều diệu kì ở Tràng An là các hồ nước được nối liền với nhau bởi các động xuyên thủy có độ dài ngắn khác nhau. Nước chuyển tải đối lưu từ khe núi này đến khe núi kia, tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà người ta ví như một trận đồ bát quái.
Tràng An còn nổi tiếng bởi sự đa dạng sinh học với 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Tràng An Ninh Bình còn được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hòa giữa sinh vật, núi rừng, hang động, thủy vực toát lên cảnh sắc non xanh nước biếc hòa quyện với nhau thành một vùng kỳ vĩ hiếm có thế giới.
Hành trình đến Tràng An còn là hành trình đến thiên đường khi băng qua cánh đồng lúa xanh hay lúa chín vàng thay đổi theo mùa với vẻ đẹp tuyệt vời làm mê đắm lòng người. Tràng An với hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên đa dạng, tạo nên những thung lũng núi đá được ví như một “vịnh Hạ Long trên cạn”. Khám phá Tràng An trên chiếc thuyền, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một không gian mở với những núi đá xen lẫn cỏ cây cùng những thung lũng nước trong vắt dưới chân vách đá.
Du lịch Tràng An, bạn sẽ được xuôi dòng Mạo Khê trên chiếc thuyền nhỏ chèo tay giống như trong các tour du lịch chùa Hương, Tam Cốc. Bạn được khám phá thành trì kiên cố bằng đá nơi đây mà dưới chân núi là những hang động xuyên thủy tuyệt đẹp cùng cảnh vật và các điểm tham quan như một bức tranh thủy mặc mở ra trước mắt.
Điều đặc biệt ở Tràng An là các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.
Hiện nay, du khách đến Tràng An thường tham gia tour du lịch bằng thuyền kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch: Bến đò – Đền Trình – hang Địa Linh – hang Tối – hang Sáng – hang Đền Trần – Đền Trần – hang Si – hang Sính – hang Tình – hang Ba Giọt – hang Nấu Rượu – Phủ Khống – hang Phủ Khống – hang Trần – hang Quy Hậu – Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền). Giá vé tham quan là 150.000 đồng một khách.
Không có gì thú vị hơn khi bạn đi thuyền qua khoảng 12 hang động trong vòng 5km. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi thuyền tiến vào trong sâu thẳm qua những hang chỉ có bề ngang chừng khoảng 3 mét.
Trên chuyến hành trình khám phá Tràng An, bạn sẽ đi qua những điểm du lịch nổi bật của khu du lịch này như sau:
Đền Trình – Ngôi đền nghìn năm tuổi linh thiêng và cũng là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình.
Đền Trần là điểm đến tiếp theo. Đây là ngôi đền cổ thờ Thánh Quý Minh đại vương, 1 vị tướng từ thời vua Hùng. Ngôi đền được xây bằng đá từ những năm 968 với những hoa văn trạm trổ hết sức tinh tế, thể hiện đẳng cấp của các nghệ nhân đương thời. Điểm dừng chân ở đền Trần phải leo lên 175 bậc khá vất vả. Bạn nên hạn chế đồ mang theo và đi giày vải mềm.
Phủ Khống là nơi thờ Đinh Công tiết chế, 1 vị quan từ thời nhà Đinh. Trước đền là cây thị cổ thụ nghìn tuổi linh thiêng.
Cùng một hệ thống các hang động xuyên thủy dài hun hút tưởng chừng vô tận như: hang Địa Linh, Hang Seo, Hang Ba Giọt, hang Nấu Rượu, hang Khống, hang Sáng, hang Tối.. Mỗi hang động lại có một vẻ đẹp riêng, gắn với những tích truyện khác nhau.
Cuồng xin giới thiệu với bạn một hang động khá thú vị có tên Hang Nấu Rượu, trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15 m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng và dùng nước này để nấu rượu. Hang có tên từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu.
Nếu đi tour du lịch Bái Đính Tràng An một ngày thì sau khi thăm thú Tràng An, bạn có thể dùng bữa trưa ngay tại bến thuyền. Các nhà hàng ở đây khá lịch sự, sạch sẽ, có điều hòa và giá cả phải chăng, hoặc bạn có thể nghỉ trưa miễn phí tại nhà chờ.
Sau khi dùng bữa, bạn di chuyển tiếp đến chùa Bái Đính cách Tràng An chừng 7km. Giá đi xe điện ở Bái Đính là 60.000 đồng cho hai chiều. Chùa Bái Đính mở cửa từ 6h sáng các ngày trong tuần và thường đóng cửa lúc 21h.
6. Khám phá chùa Bái Đính Ninh Bình – Ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam
Chùa Bái Đính có khuôn viên rộng 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới. Mái chùa chính điện vô cùng đẹp gồm 3 tầng 12 mái cong hình đầu đao, lợp mái ngói hình mũi hài truyền thống. Bậc thềm trang trí rồng đá kiểu dáng thời Lý, sân đá rộng nhìn thẳng xuống giếng ngọc. Xung quanh hành lang tượng la hán chạy dài bao lấy khuôn viên ngôi chùa, trong chùa còn có các khu vườn nhỏ trồng cây xanh, loại cây được chùa trồng nhiều nhất là cây bồ đề được chiết từ các ngôi chùa bên Ấn Độ. Không gian chùa Bái Đính vô cùng thanh tịnh thoáng mát, là nơi lý tưởng cho những chư tôn tăng ni phật tử đến chiêm bái và tu tập.
Tại khu Bái Đính cổ bạn sẽ được ghé thăm hang sáng, tối, đền thờ thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn.
Vượt qua 300 bậc đá lên tới cổng tam quan, nhìn sang bên cạnh dốc có một ngã ba là lối dẫn tới hang sáng và động tối.
Hang sáng là nơi thờ Thần và Phật, đúng như tên gọi hang có đủ ánh sáng tự nhiên, ngay ngoài cửa đặt tượng hai vị thần uy nghiêm vẻ mặt dữ dằn, sâu bên trong là nơi đặt tượng thờ Phật. Hang sâu khoảng 25 m, rộng 15 m, cao khoảng hơn 2 m, đi hết đến cuối hang bạn sẽ sang bên đền thờ thần Cao Sơn linh thiêng.
Phía bên động tối được bố trí hệ thống đèn chiếu sáng tạo khung cảnh khá huyền ảo, phía trên các mảng đá thạch nhũ hình thành theo mạch nước ngầm. Các bậc thang của lối đi được trang trí sinh động bằng hình rồng uốn lượn. Ở chính giữa có giếng nước tự nhiên điều hòa không khí, khiến du khách có cảm giác thanh mát khi bước vào trong động. Nơi đây đặt tượng thờ mẫu và các vị tiên, nhiều tượng thờ được đặt sâu trong các ngách đá và có đồ thờ riêng.
6.1 Đền thờ thánh Nguyễn
Cũng từ ngã ba đầu dốc (hướng lên cổng tam quan) đi vào là đến đền thờ thánh Nguyễn. Ngôi đền là một hạng mục kiến trúc thuộc quần thể chùa Bái Đính được xây dựng theo thế tựa núi nhìn sông.
Trong đền thờ đặt tượng thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Một lần lên núi tìm thuốc chữa bệnh cho vua ông vô tình phát hiện ra một hang động đẹp mà hợp thế nên xây chùa thờ Phật. Ông không chỉ là một danh y nổi tiếng bốc thuốc cứu chữa giúp đỡ người dân mà ông còn được tôn là tổ sư nghề đúc đồng. Trong một thời gian dài ông đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc văn minh Đông Sơn thời Việt cổ, sưu tầm các đồ đồng cổ nhằm mục đích khôi phục nghề đúc đồng truyền thống đã mai một.
Để tưởng nhớ và ghi tạc công ơn của thiền sư – danh y Nguyễn Minh Không, người dân đã tạc tượng thờ trên chùa Bái Đính. Ngoài ra ông còn được thờ ở nhiều nơi khắp tỉnh Ninh Bình.
Kiến trúc tổng thể ngôi đền theo kiểu tiền nhất, hậu công. Phần phía trước được thiết kế theo theo kiểu chữ Nhất, còn phần phía sau thiết kế theo kiểu chữ Công, “Tiền Nhất hậu Công” vững chãi tạo dáng kiến trúc hài hòa truyền thống. Bên trong có nhiều mảng kiến trúc cổ được chạm khắc sinh động, hình hoa tươi tắn, hình rồng, lân khỏe khoắn mạnh mẽ.
6.2 Giếng Ngọc
Nơi đây tương truyền thiền sư Nguyễn Minh Không lấy nước sắc thuốc chữa bệnh cho nhà vua và người dân. Xung quanh lan can đá tạo thành một vòng rộng lớn, đứng từ trên đại điện nhìn xuống giếng Ngọc nổi bật giữa khuôn viên rộng lớn cây xanh bao phủ, màu nước xanh ngọc bích là điểm nhấn trong tổng thể chùa Bái Đính. Đây còn là giếng chùa được ghi nhận kỉ lục lớn nhất Việt Nam.
Tại khu Bái Đính mới có rất nhiều kỷ lục trong nước và nhiều khu vực để bạn ghé chân. Chùa Bái Đính sở hữu nhiều kỷ lục như là ngôi chùa có Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á; Hành lang La hán dài nhất Châu Á; Chuông đồng to nhất Việt Nam; Chùa có diện tích rộng nhất Việt Nam; Nhiều tượng La hán nhất Việt Nam; Chùa lớn nhất Việt Nam; Nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam; Giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
6.3 Tượng Phật Di Lặc khổng lồ
Bức tượng tạo hình Phật bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 10 m, an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước.
6.4 Pho tượng Thích Ca lớn nhất châu Á
Tượng Phật được đặt trang trọng trong Pháp Chủ chùa Bái Đính nặng tới 100 tấn và cao 9,5 m. Đứng trước bức tượng bạn sẽ có cảm giác bị choáng ngợp bởi sự uy nghi lộng lẫy của pho tượng.
6.5 Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
Chuông có chiều cao 5,5 m, đường kính rộng 3,5 m và có khối lượng đến 36 tấn. Chuông đồng được chạm khắc nhiều mảng cổ tự bằng chữ Hán và trang trí các hình rồng nổi vô cùng sinh động.
6.6 Ba pho tượng Phật trong Tam thế điện:
Ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai này được dát vàng, trông uy nghi, lộng lẫy. Công trình này xứng đáng đạt kỷ lục tượng Tam thế lớn nhất Việt Nam.
Chùa Bái Đính là một khu vực rất rộng và di chuyển rất mệt, bạn nên cân nhắc chỉ đi một số điểm chính như: Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ, tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn.
Chùa Bái Đính có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bạn nên liên hệ để có thông tin đầy đủ và các hướng dẫn viên sẽ giới thiệu cho bạn những khu vực chiêm bái không thể bỏ lỡ trong chuyến hành hương về chùa Bái Đính.
7. Nhà nghỉ ở Bái Đính Tràng An
Bạn chỉ cần dành ra một ngày tham quan là có thể đi hết quần thể khu du lịch Bái Đính Tràng An rồi, còn nếu bạn dự định đi qua ngày thì ngay tại khu du lịch Tràng An có rất nhiều nhà nghỉ để bạn lựa chọn và thuận tiện cho việc di chuyển, trong đó nhà nghỉ Thiên Trường, khách sạn Hoa Lư, khách sạn Thùy Anh, khách sạn Non Nước, khách sạn Tràng An… có dịch vụ lưu trú uy tín và bình dân. Hoặc bạn có thể vào thành phố Ninh Bình để đặt phòng khách sạn và khám phá Ninh Bình về đêm.
Tuy nhiên vào mùa cao điểm, bạn nên đặt phòng trước để tránh tình trạng ép giá, hết phòng.
8. Những đặc sản Ninh Bình nhất định phải thử khi đi Bái Đính Tràng An
Ninh Bình là thành phố nổi tiếng với rất nhiều đặc sản địa phương độc đáo và lạ mắt. Ở khu Bái Đính Tràng An cũng có rất nhiều nhà hàng để bạn lựa chọn. Bởi vậy khi đến đây, đừng bỏ lỡ những đặc sản Ninh Bình nổi tiếng, đặc biệt là món cơm cháy và dê núi nổi danh nhé. Tuy nhiên khi mua đồ ăn uống hay đồ lưu niệm bạn nên hỏi kỹ giá để tránh tình trạng bị chặt chém ở các khu du lịch Ninh Bình.
Tại khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính có nhà hàng Cao Sơn hoặc Thăng Long khá ngon và giá vừa phải, bạn có thể tham khảo 2 nơi này.
8.1 Cơm cháy:
Là đặc sản nổi tiếng nhất Ninh Bình, cơm cháy luôn là list nhắc đến đầu tiên những món ăn bạn nên thử khi đến đây. Cơm cháy đặc biệt từ cách chiên cho đến phần nước sốt đi kèm, giòn bùi béo nhưng lâu bị ngán.
8.2 Thịt dê:
Thịt dê là 1 trong những món nhất định phải ăn khi đến Ninh Bình. Thịt dê được chế biến vô vàn nhiều cách như: tái dê, dê hấp, dê nướng, nem dê… thịt dê mềm mềm, lại được khéo léo chế biến với các gia vị đặc trưng, ăn đến đâu là nhớ ngay đến đó.
8.3 Xôi trứng kiến:
Đúng với cái tên, xôi trứng kiến được nấu từ trứng của loài kiến nâu, có nhiều ở vùng núi đá vôi lởm chởm thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình. Mùa trứng kiến không nhiều, chủ yếu vào tháng 2 âm lịch nên nếu có cơ hội hãy đến thưởng thức ngay. Xôi dẻo thơm quyện với trứng béo bùi bùi cùng hành khô phi thơm lừng là món ăn đặc biệt khiến bạn sẽ nhớ mãi.
8.4 Bánh đa cá rô:
Vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình có cá rô rất ngon, thế nên món bánh đa cá rô ở đây là một trong những món ăn nên thử khi ghé tới Ninh Bình.
8.5 Gói cá nhệch:
Ở Ninh Bình, bạn có thể thưởng thức món này ở nhiều nơi. Cá được chọn làm gỏi phải là những con cá tươi ngon, được sơ chế và tẩm ướp thật khéo léo để làm hết mùi tanh, tạo nên hương vị đặc biệt, hòa lẫn với vị bùi của gạo nếp rang, vị chua của dấm, vị cay của gừng, tiêu, sả, ớt trong nước chấm.
8.6 Chim Tràng An:
Nghe kể từ xa xưa rất nhiều món ăn tiến vua là các món được chế biến từ chim trời. Thịt chim thiên nhiên rất giàu chất dinh dưỡng, lại tươi ngon mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên rất lấy được lòng khách.
8.7 Ốc núi:
Ốc núi không phải là món ăn phổ biến ở Ninh Bình và không phải ai đi du lịch Ninh Bình cũng từng được thưởng thức món ăn này. Loại ốc này thường chỉ có ở khu vực núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan, Ninh Bình vào mùa mưa. Thịt ốc núi khác biệt bởi độ dai, giòn, ngọt, khi được chế biến thành các món như hấp gừng, xào sả ớt,… hòa lẫn với gia vị lại càng trở nên ngon hơn. Vì vậy, hãy thưởng thức ngay khi có cơ hội bởi loại ốc này chỉ vào mùa mới có.
9. Những điều cần lưu ý khi tham quan Bái Đính Tràng An
Vì sẽ phải leo núi, leo chùa nhiều nên bạn hãy đi những đôi giày thể thao thoải mái thay vì đi giày cao gót hoặc giày búp bê để bảo vệ đôi chân của bạn cũng như tiện cho việc di chuyển. Nên chọn những bộ đồ lịch sự khi vào chùa, các bạn nữ không nên mặc váy ngắn, hở hang, nhằm tránh để lại hình ảnh không đẹp tại chốn linh thiêng thờ tự, quần áo thoải mái không nên mặc đồ bó sát, không thấm mồ hôi.
Tại khu chùa Bái Đính có rất nhiều các gian hàng bán đồ lưu niệm cũng như đặc sản hấp dẫn, tuy nhiên giá trên núi trường cao hơn bên ngoài rất nhiều. Nếu mua đặc sản về làm quà bạn nên xuống chân núi tìm mua giá sẽ rẻ hơn.
Dịp đầu xuân thường có mưa phùn lất phất nên bạn hãy mang theo một chiếc ô gấp nhỏ dự phòng
Cuồng biết là nhiều người khi đi lễ chùa thường có thói quen mang theo chút tiền lẻ để công đức. Tuy nhiên bạn không nên bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan khu chùa mà hãy để đúng vào các hòm công đức nơi đây.
Nên hỏi kĩ giá trước khi ăn uống, mua đồ lưu niệm hay sử dụng các dịch vụ nào ở Tràng An. Đối với bất kì điểm du lịch Ninh Bình nào bạn cũng nên hỏi giá trước để tránh tình trạng “chặt chém”.
Nếu bạn đi du lịch Ninh Bình vài ngày và muốn tìm khách sạn để nghỉ ngơi thì nên đặt phòng trước từ 2 tuần đến 1 tháng trước khi đi để chủ động được về thời gian.
Trước khi mua hàng hay sử dụng bất cứ dịch vụ gì thì nên hỏi giá, không ngại mặc cả, thỏa thuận giá hợp lý.
Tại điểm du lịch Tràng An – Bái Đính không mua hàng từ những người dân chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, cò mồi.
Không cho tiền, bánh kẹo trẻ em ăn xin, bán hàng rong.
Đối với những thợ ảnh, nếu đồng ý chụp thì nên hỏi giá cả, nếu không muốn chụp thì thôi tránh bị làm phiền.
Khi kết thúc đi thuyền du khách nên thưởng cho người lái đò (khoảng 20.000 – 50.000) để ủng hộ người dân địa phương.
10. Những địa điểm du lịch Ninh Bình gần Bái Đính Tràng An
Nếu bạn đi du lịch Ninh Bình dài ngày thì nên đi thêm các điểm đến hấp dẫn khác như: Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, núi Non Nước, vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng Kênh Gà, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Đây đều là những địa điểm du lịch Ninh Bình nổi tiếng, hấp dẫn rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Sau đây, Cuồng sẽ giới thiệu cụ thể cho bạn một số địa điểm du lịch Ninh Bình nổi tiếng.
10.1 Bến thuyền Thung Nham
Đến bến thuyền Thung Nham, du khách sẽ được ngồi trên những chiếc thuyền nan, len lỏi trong khu rừng ngập nước, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên sông nước với hai bên là những hàng cây hoa lau, sậy trắng tựa vào những dãy núi đá vôi trùng điệp phủ một màu xanh ngát. Sau khoảng 30 phút chèo thuyền, một khung cảnh kỳ vĩ sẽ hiện ra trước mắt du khách với một đảo nhỏ còn nguyên sinh. Nơi đây là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là: cò, diệc, vạc,… Khi hoàng hôn xuống bóng, từng đoàn chim đi kiếm ăn bay về đây trú ngụ qua đêm. Chúng bay về đậu chật kín khu đất ngập nước ở trong thung, tạo thành một cảnh quan sơn thủy độc đáo. Đây chính là vẻ đẹp đặc trưng nhất của Thung Nham mà chẳng nơi nào có được.
10.2 Tam Cốc – Bích động
Đây được coi là “Nam thiên đệ nhị động”. Tam Cốc có 3 hang là hang Cả, hang Hai và hang Ba. Tam Cốc – Bích động là địa điểm du lịch nổi tiếng và lâu đời nhất của Ninh Bình.
10.3 Nhà thờ Phát Diệm
Đây là nhà thờ đá trên 120 năm tuổi, làm hoàn toàn từ đá và gỗ lim, được mệnh danh là kinh đô Công giáo của Việt Nam. đây cũng là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, với thời gian xây dựng suốt 30 năm. Tuy là nhà thờ Công giáo, kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm lại mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.
Như vậy là Cuồng đã giới thiệu cho bạn về những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Tràng An Bái Đính Ninh Bình rồi, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn, Cuồng không thể giới thiệu chi tiết tỉ mỉ tới đường tơ kẽ tóc được. Bạn có thể tham khảo các tour du lịch Tràng An Bái Đính trọn gói 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm để được các hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết nhất về các hang động, đền đài, cùng những sự tích ẩn sau tại Tràng An và tham quan những tượng Phật, bảo tháp, chuông đồng đạt nhiều kỷ lục Viêt Nam và Đông Nam Á ở chùa Bái Đính nhé!