Cây cỏ bấc đèn, với vị ngọt và tính hàn, không chỉ có tác dụng thông lâm và thanh phế nhiệt mà còn giúp lợi tiểu. Dân gian thường sử dụng dược liệu này trong các bài thuốc trị các chứng bệnh do thấp nhiệt như viêm bàng quang, viêm họng, viêm amidan, và nóng sốt.
Mô tả dược liệu bấc đèn
1. Đặc điểm cây bấc đèn
Bấc đèn là cây cỏ sống nhiều năm, thường mọc thành từng cụm dày. Thân nhỏ, tròn, cứng và cao khoảng 35 – 100cm. Thân có màu xanh nhạt, đường kính khoảng 1 – 2mm và có vạch dọc ở mặt ngoài.
Hoa của cây bấc đèn có màu vàng nâu, lưỡng tính và mọc ở ngọn. Lá tiêu giảm nhiều chỉ còn lại một số bẹ ở gốc thân. Quả nang, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ.
2. Bộ phận dùng
Ruột của cây bấc đèn được sử dụng để làm thuốc, được gọi là Đăng tâm thảo.
3. Phân bố
Cây cỏ bấc đèn thường mọc ở những nơi ẩm ướt như bờ ruộng, bờ sông suối. Loài thực vật này mọc hoang nhiều ở các tỉnh nước ta như Hà Nam và Nam Định.
4. Thu hái – sơ chế
Vào mùa thu, cắt cây cỏ bấc đèn về. Sau đó rạch dọc để lấy lõi riêng, cột thành từng bó rồi đem phơi khô để dùng dần. Dược liệu sau khi phơi khô có màu trắng/ vàng nhạt, dài 90cm, đường kính 0.1 – 0.3cm và không có mùi vị.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Cây cỏ bấc đèn chứa một số thành phần hóa học như methyl pentosan, araban, phlobaphen, xylan,…
Vị thuốc bấc đèn
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tiểu trường, Phế và Tâm.
3. Tác dụng dược lý
Tác dụng của đăng tâm thảo theo Đông Y:
- Công dụng: Lợi tiểu trường, giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu thông lâm.
- Chủ trị: Mất ngủ, thủy thũng, đau họng (hầu tỳ), nhiệt lâm, trẻ em bị khóc đêm, mụn nhọt, viêm họng, ho, sốt cao,…
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Chưa có nghiên cứu.
4. Cách dùng – liều lượng
Đăng tâm thảo được sử dụng ở dạng tán bột hoặc dạng sắc uống, liều dùng tham khảo: 1 – 2g/ ngày.
Bài thuốc trị bệnh từ cây bấc đèn – đăng tâm thảo
Cỏ bấc đèn thường được dùng để trị chứng tiểu khó, tiểu đỏ, khó ngủ, vết thương chảy máu,…
Bài thuốc chữa chứng phù thũng, tiểu tiện ít và ăn ngủ kém:
- Chuẩn bị: Lõi cây bấc đèn 8g.
- Thực hiện: Đem sắc với 250ml nước để sôi trong vòng 15 phút, sau đó chia nước sắc thành 3 lần uống.
Bài thuốc trị miệng khát và tâm phiền:
- Chuẩn bị: Mạch môn và lá tre mỗi vị 12g, bấc đèn 4g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc cầm máu với những trường hợp bị thương nhẹ:
- Chuẩn bị: Đăng tâm thảo.
- Thực hiện: Giã nhỏ và đắp vào nơi bị thương.
Bài thuốc trị tiểu gắt và tiểu đỏ:
- Chuẩn bị: Hoàng bá, biển súc, xa tiền tử mỗi vị 9g, hoạt thạch và mộc thông mỗi vị 6g, bấc đèn 9g.
- Thực hiện: Đem sắc với 800ml nước đun nhỏ lửa còn lại 250ml. Chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày, dùng bài thuốc liên tục trong 10 ngày.
Bài thuốc trị chứng lậu gây tiểu ra máu, tiểu đục, tiểu buốt:
- Chuẩn bị: Rễ cỏ tranh và cỏ bấc đèn mỗi vị 8g.
- Thực hiện: Sắc uống.
…
Xem thêm bài viết tại Campingviet.vn