“Dân mạng dậy sóng với đoàn phượt thủ”, “phượt thủ thiếu ý thức”, “phượt thủ phá hoại”… là những kết quả phổ biến nhất khi tìm kiếm cụm từ “phượt thủ” trên Google. Tuy nhiên, trước đây, danh xưng này từng là niềm tự hào của những người mê xê dịch.
Phượt thủ, họ là ai?
Hiện cộng đồng du lịch Việt Nam chưa có định nghĩa chính xác, thống nhất về “phượt” và “phượt thủ”.
Các nước phương Tây gọi chung loại hình du lịch này là Backpacking Tourism, có nghĩa là những chuyến đi ngẫu hứng. Chúng thường được tổ chức bởi một nhóm người hoặc đi một mình.
Theo phượt thủ Ngô Trần Hải An, phượt ở Việt Nam có thể lấy cảm hứng từ các bạn “Tây ba lô” du lịch bụi đến Việt Nam. Từ đó nhiều bạn trẻ học theo và sau này phổ biến thành một loại hình du lịch gọi chung là “phượt”.
Đặc điểm chung của các phượt thủ là họ tự chọn cho mình phương tiện di chuyển: ở Việt Nam xe máy là phổ biến hơn cả. Phượt thủ cũng không bị phụ thuộc nhiều vào lịch trình, họ đi theo ngẫu hứng, mệt đâu nghỉ đó.
Phượt thủ có thể là bất kỳ ai, không phân biệt địa vị xã hội, giới tính hay tuổi tác. Họ là những người thích du lịch bụi và khám phá những vùng đất mới.
Từ trào lưu đến danh xưng bị chối bỏ
Nhiều năm trước, phượt thủ là hình ảnh đẹp gắn với những người dám dấn thân, giản dị và gần gũi. Họ là thần tượng của những người đam mê xê dịch nói riêng và cộng đồng người trẻ nói chung.
Theo thời gian, phượt dần phổ biến trong cộng đồng người trẻ. Những người đi du lịch bụi ra khỏi nơi sinh sống hàng ngày, nhóm rủ nhau đi chơi cuối tuần bằng xe máy cũng tự nhận mình là phượt thủ. Khách du lịch tự túc từ nơi khác đến cũng được cộng đồng mặc định là phượt thủ.
Phượt thủ là danh xưng không của riêng ai nên cũng chẳng ai phải có trách nhiệm gìn giữ cái mác ấy. Lâu dần, phượt bị mất chất, phượt thủ ngày càng gắn với những hình ảnh phản cảm.
Nhiều người du lịch bụi đúng nghĩa thậm chí chối bỏ danh xưng này. Họ không muốn người khác gọi mình là phượt thủ.
Là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành hành trình 300 km chinh phục Bắc Cực trong cuộc thi của Fjällräven Polar, 8 lần khám phá dãy Himalaya và từng đi bụi rất nhiều nơi trên thế giới nhưng Hoàng Lê Giang rất khiên cưỡng khi bị gắn với danh xưng phượt thủ.
Theo Giang, phượt là loại hình thiên về đi xe máy. “Nhiều nhóm phượt xe máy thường để lại ấn tượng không đẹp. Họ đi theo đoàn, đi quá tốc độ, dàn hàng ngang”.
Phượt thủ xấu xí
Khi phượt trở thành trào lưu thì phượt thủ cũng là “cơn ác mộng” với cộng đồng. Sau mỗi đợt nghỉ lễ dài ngày, khắp các mặt báo là những bài lên án, chỉ trích phượt thủ thiếu ý thức.
Tháng 4 nhóm phượt thủ 28 người đi Cà Mau gây bức xúc khi có lời lẽ không đúng với bà chủ quán nước đã gần 70 tuổi ở Cà Mau. Kyo York, ca sĩ người Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam chia sẻ: “Quan niệm về hình thức phượt của các bạn chẳng khác nào rủ nhau đua xe đường dài, xả rác ở điểm hoang sơ. Chỉ cần bạn lang thang qua quán cóc vỉa hè, chịu khó lắng nghe nhiều bạn trẻ truyền tai nhau bí kíp phượt mà không tốn tiền bạn cũng sẽ hốt hoảng”.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng lại dậy sóng với hình ảnh một nhóm phượt dừng xe, trải bạt ngủ ngay trên đèo Tà Pao (nối Bình Thuận với Đà Lạt).
Hình ảnh những đoàn phượt rú còi, kéo ga ầm ĩ trên đường, ngang nhiên phá hoại cảnh quan, xả rác bừa bãi thậm chí có những lời lẽ không hay với dân địa phương không còn là chuyện xa lạ.
Chia sẻ về những hình ảnh xấu xí của các phượt thủ thời gian gần đây, thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo, từng đi du lịch bụi qua 72 nước nói: “Bản thân danh xưng phượt thủ không có gì xấu, nó không có lỗi gì cả. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vì sao phượt thủ bây giờ lại bị cộng đồng phản ứng như vậy”.
Phải chăng chúng ta đang thiếu một hệ quy chiếu chung rằng khi nào thì nên gọi là đi phượt, ai là phượt thủ và bộ quy tắc tối thiểu mà mỗi người cần phải nhớ trước khi xách balô lên và đi.
Khương Văn
- Nhóm phượt thủ trải bạt ngủ ven đường đèo Tà Pao dịp lễ 30/4
- Giấc mơ dang dở của phượt thủ Mỹ đi khắp thế giới