Nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá: Tính ưu việt của công nghệ số đang phát huy và khẳng định vai trò trong hoạt động du lịch cũng như nhiều hoạt động văn hóa.
Thông qua việc số hóa, sử dụng công nghệ thực tế ảo, các thắng cảnh, di tích, di sản văn hóa phi vật thể… được quảng bá giá trị và phát huy. Ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành ngành văn hóa, thể thao và du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước trong từng lĩnh vực. Góp phần phát triển hệ sinh thái chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt.
Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Đổi mới sáng tạo phương thức làm việc, góp phần thực hiện đồng bộ chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương đã áp dụng công nghệ này một cách hiệu quả. Giải pháp về du lịch ảo 3D và bản đồ số 2D đã giúp cho du khách được tham quan, du lịch Khu di tích lịch sử – sinh thái ATK ngay cả trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay.
Theo ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử – sinh thái ATK (Thái Nguyên) cho biết, toàn bộ hình ảnh đều được xây dựng thực tế, không phải hình mô phỏng nên dễ dàng giúp du khách cảm nhận và quan sát tường tận, chi tiết về các điểm di tích.
Gần đây, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử – sinh thái ATK Định Hóa và Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915 đã đưa ứng dụng thuyết minh tự động vào phục vụ du khách. Bằng thiết bị điện tử thông minh, du khách có thể quét mã QR đặt trước mỗi điểm đến để có thể xem thông tin và nghe được toàn bộ nội dung thuyết minh cài đặt sẵn. Ngoài tiếng Việt, nội dung thuyết minh còn được dịch sang tiếng Anh, bước đầu nhận được sự đánh giá, phản hồi tích cực từ phía du khách.
“Với mong muốn sử dụng công nghệ trong việc quảng bá giới thiệu các khu di tích lịch sử, và Khu di tích lịch sử – sinh thái ATK là một trong những điểm cần sử dụng để du khách thuận tiện trong việc tra cứu. Đặc biệt, bản đồ 3D này có ý nghĩa rất quan trọng, vì trước khi đến 1 điểm du lịch hay di tích thăm quan thì du khách có thể trải nghiệm trước và sau đó nếu muốn đi điểm nào thì du khách có thể theo bản đồ dẫn đường. Ngoài ra ngay tại nhà, bằng công nghệ 3D, du khách có thể tham quan bất cứ điểm du lịch nào” – ông Toàn cho biết.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công sự kiện triển lãm ảnh với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên” bằng hình thức trực tuyến.
Việc tổ chức bằng hình thức trực tuyến là việc làm thiết thực, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng là cách làm sáng tạo, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa tới cộng đồng, mở ra hướng đi mới trong việc tổ chức hoạt động văn hóa trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên.
Trên địa bàn Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là ứng dụng hình ảnh 3D cũng đã có sự phát triển mãnh mẽ trong ngành du lịch, như các ứng dụng kết nối dịch vụ: Cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…
Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã sử dụng ứng dụng 360 độ, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm di tích từ xa bằng thực tế ảo. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Ngay từ cuối năm 2020, chúng tôi đã hoàn thành việc số hoá một số tư liệu về các bia Tiến sĩ, giúp du khách có thể sử dụng mã quét QR để tìm kiếm thông tin”.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội khẳng định ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ số, hình ảnh 3D trong việc phát triển du lịch, góp phần quảng bá và phát huy giá trị văn hóa: “Ứng dụng công nghệ 3D trong vấn đề quảng bá giá trị di sản là việc làm rất cần thiết đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay”.
Có thể nhận thấy, ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần quảng bá mà còn góp phần thay đổi mạnh mẽ tư duy trong ngành du lịch. Giúp cho du lịch nhanh chóng thích ứng với đòi hỏi mới, linh hoạt trước những tác động của dịch bệnh, thiên tai.