Nói về phượt người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc mô tô phân khối lớn hoặc là xe côn, xe số mạnh mẽ. Việc lái xe tay ga đi phượt bị nhiều biker đánh giá là hành động biểu hiện cho sự chán sống. Vậy phải làm sao khi bạn chỉ có duy nhất một con xe tay ga nhưng lại chất chứa trong mình đam mê làm phượt thủ? Theo dõi tiếp để có được câu trả lời.
Gác lại âu lo với xe tay ga đời mới
Công nghệ kỹ thuật sản xuất xe máy ngày càng được cải tiến khiến các “chiến mã” xe ga đời mới vừa có thể dạo phố êm ái vừa đảm bảo an toàn cho phượt thủ với những tính năng sau:
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS đảm bảo an toàn khi thắng gấp
Hệ thống phanh đĩa là nỗi sợ lớn nhất của biker khi đi phượt bằng xe tay ga. Bởi hệ thống phanh này như con dao hai lưỡi. Tuy giúp xe dừng lại ngay lập tức khi bóp phanh nhưng nó lại khiến xe bị trượt bánh, mấy lái khi mặt đường trơn trượt hoặc có nhiều khúc cua. Hậu quả là người ngồi trên xe bị ngã ngang ra đường hoặc tệ hơn là gây tai nạn giao thông ảnh hưởng đến tính mạng.
Hệ thống phanh ABS hạn chế tình trạng lật xe
Để khắc phục điều này, các thế hệ xe tay ga đời mới đã được nhà sản xuất trang bị hệ thống phanh chống bó cứng cao cấp ABS giúp phượt thủ tự tin hơn trên đường đèo nhiều cua. Trong các tình huống bóp phanh khẩn cấp tại khúc cua hoặc trên đường trơn trượt, tính năng này đảm bảo cho anh em biker.
Không lo nổ lốp, thủng xăm
Lốp xe của chiến mã tay ga được thiết kế đặc biệt không cần bơm hơi, không dùng đến săm. Điều này quả thực rất tuyệt vời cho những chuyến phượt xa đến các vùng đất mới. Anh em không cần lo lắng về việc có các tiệm sửa xe trên đường đi hay không? Lỡ xe bị nổ lốp, xì lốp, thủng săm thì phải làm sao? Bơm xe ở đâu? Ngay cả khi lỡ cán phải đinh nhọn thì xe vẫn chạy được một đoạn đường rất dài nữa chứ không phải dừng lại dắt bộ như xe côn hay xe số đâu nhé.
Phượt bằng xe tay ga không lo xì bánh xe
Chỗ để chân rộng rãi mang đến cảm giác thoải mái
Đa phần các mẫu xe tay ga trên thị trường hiện nay đều có phần để chân rộng rãi hơn nhiều so với xe số. Với diện tích đó, anh em có thể tận dụng là nơi chất chứa đồ đạc cho chuyến đi. Như vậy, chuyến đi sẽ thoải mái hơn rất nhiều cho cả “xế” và “ôm”. Đây là ứng dụng vượt trội của xe ga so với xe số, xe côn trong các chuyến phượt cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Chỗ để chân rộng rãi thoải mái, cho phép chở thêm nhiều đồ
Ngoài ra, phần yên xe rộng, dài cùng lợi thế trọng lượng xe nặng giúp giảm xóc, đảm bảo chạy êm và đầm hơn, giảm bớt cảm giác ê mông hay mỏi lưng khi phải di chuyển xuyên suốt trên đường trường.
>> Đọc thêm: Cấp cứu cho Honda Air Blade 2020 bị vô nước, chết máy
Cốp xe to bự chứa được nhiều đồ dùng hơn
Vì đi chơi xa dài ngày nên việc có nhiều đồ đạc cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, với xe tay ga việc phải khuân theo nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh sẽ được giảm tải bớt đi. Cốp xe thần thánh ở bên dưới sẽ “nhốt” tất cả đồ vật gọn gàng. Khi trời bắt đầu đổ mưa, anh em sẽ cảm nhận những chiếc xe tay ga với cốp xe to bự tuyệt vời đến nhường nào.
Cốp xe tay ga “thần thánh” tha hồ đựng đồ
Dễ dàng trong việc đổ xăng
Hiện nay, nắp xăng của tất cả các loại xe số và xe côn đều được thiết kế nằm dưới yên xe. Do đó, khi đổ xăng người dùng bắt buộc phải bật yên xe lên. Điều này gây ra rất nhiều bất tiện khi có trên xe chằng nhiều đồ đạc phía sau.
Tuy nhiên, với xe tay ga thì ngược lại. Đa phần các dòng xe tay ga sẽ sở hữu nắp xăng ở phía trước. Do vậy anh em cứ yên tâm chất đầy đồ trong cốp hoặc chằng vài cái balo phía sau cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc đổ xăng cả.
Đổ xăng dễ dàng với nắp xăng phía trước
Tích hợp cổng sạc thông minh
Trong các chuyến phượt chắc chắn smartphone là thiết bị bạn không thể bỏ qua. Tuy nhiên, chụp choẹt, livestream liên tục trên mỗi cung đường sẽ khiến điện thoại hao pin đáng kể. Thay vì lúc nào cũng kè kè cục sạc dự phòng nặng trịch bên cạnh thì với cổng sạc USB được tích hợp trên xe tay ga anh chị em mình vừa được rảnh tay vừa tha hồ check-in dọc đường.
Cổng sạc USB tiện ích được tích hợp trên xe
Tiết kiệm xăng tối đa
Bên cạnh hệ thống phanh khiến biker lo lắng cho sự an toàn thì định kiến “xe tay ga chạy hao xăng” lại khiến biker lăn tăn về túi tiền. Tuy nhiên, hãy yên tâm bạn nhé. Bởi những cải tiến trong động cơ của dòng xe ga thế hệ mới đã khắc phục hoàn toàn được điểm yếu này.
Như chiếc Janus được Yamaha trang bị động cơ Bluecore, giúp tiết kiệm 50% nhiên liệu so với thế hệ trước. Thực tế, trong một trải nghiệm đi phượt từ Nha Trang đến Phú Yên trong 3 ngày, Janus chỉ tiêu tốn 70.000đ tiền xăng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Nhà Yamaha Soán Ngôi Xe Ga Tiết Kiệm Xăng Nhất 2020?!
Người lái nhàn hạ hơn
Đi xe ga nhàn hạ hơn xe số, xe côn là chân lý mà bất kỳ anh em nào cũng phải công nhận. Bởi người lái không cần sử dụng kết hợp tay chân để điều khiển xe mà chỉ cần sử dụng tay thôi. Đối với anh em phượt đường trường vừa dài vừa xa thì thực sự xe tay ga sẽ giúp mình thoải mái thoải mái và thư giãn tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên xung quanh.
Người lái chỉ cần sử dụng tay để điều khiển xe tay ga
Giải quyết nỗi sợ thả dốc khi phượt bằng xe tay ga
Tuy đã được khắc phục qua việc trang bị hệ thống phanh ABS an toàn hơn nhưng về sức kéo và hệ thống phanh số thì xe tay ga vẫn không thể bì kịp với xe côn và xe số. Do đó, sử dụng xe tay ga đi phượt vẫn là nỗi sợ đối với nhiều biker. Tuy nhiên, nếu có kỹ thuật thuần thục cùng kinh nghiệm từng trải thì anh em hoàn toàn có thể biến phanh xe ga thành phanh xe số.
Bởi xe tay ga không có cấp số nên phanh sẽ được dùng nhiều hơn khi đổ dốc dễ dẫn đến tình trạng mất phanh gây tai nạn giao thông. Và đây là 2 lưu ý quyết định sống còn phải ghi nhớ khi đổ đèo với xe tay ga được truyền lại bởi các phượt thủ có kinh nghiệm:
Tuyệt đối không tắt máy khi thả dốc
Truyền thông, báo đài, mạng xã hội đã từng đưa lên rất nhiều tin tức về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi người lái đổ đèo bằng xe tay ga nhưng lại tắt máy cho xe tự thả dốc. Hành động này khiến hệ thống phanh không hoạt động. Vì thế, khi xe chạy với vận tốc quá nhanh và gặp phải tình chướng ngại vật sẽ dễ dàng bị mất lái, gây tai nạn giao thông ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Tuyệt đối không tắt máy khi thả dốc để tránh mất lái
Giữ ga sao cho vận tốc nằm trong khoảng 15 km/h < x < 40 km/h
Khi thả dốc chắc chắn xe sẽ lao với tốc độ cực nhanh do đó nhiều người sẽ bóp phanh liên tục để hãm lại xe. Tuy nhiên, bóp phanh nhiều lần liên tục sẽ dễ gây ra tình trạng cháy phanh, hỏng phanh. Vậy phải làm như thế nào mới đúng?
Đầu tiên, anh em vẫn phải bóp phanh để giảm tốc độ nhưng không được để xuống dưới mức 15 km/h. Sau khi đạt được mức này hãy mớm nhẹ chút ga và rà phanh để vận tốc nằm ở mức ổn định khoảng 15 – 20 km/h.
Giữ đều ga khi xuống dốc để “mớm” côn
Đến đây chắc chắn sẽ có nhiều anh em nảy sinh thắc mắc “Tại sao đã đổ đèo rồi còn phải điều chỉnh vận tốc xe đúng như trong khoảng này thay vì bóp phanh hãm xe lại có phải tốt hơn không?” Xin thưa rằng nếu anh em bóp phanh liên tục thì phanh sẽ cháy như đã nói bên trên. Mặt khác, nếu chạy dưới 15 km/h thì xe sẽ tự động ngắt côn. Chính vì thế, để duy trì côn bám thì xe bắt buộc phải chạy hơn 15 km/h nhưng lại không được quá cao vì xe đang trên thế đổ dốc.
Nếu thực hiện đúng theo chỉ dẫn, anh em sẽ cảm nhận được côn đã bám, ngay sau đó hãy thả phanh ra và cảm nhận điều thần kỳ. Mặc dù không bóp phanh nhưng côn vẫn bám và động cơ bị kéo giật lại, xe xuất hiện tiếng gằn do trở lực lớn từ động cơ. Điều này chứng tỏ hệ thống phanh xe ga đã biến hóa thành phanh như trên xe số, xe côn.
Thỉnh thoảng, gặp những khúc cua tay áo quá gấp thì anh em có thể phanh lại giảm tốc độ xuống còn 10 km/h, thậm chí là 5 km/h để đảm bảo an toàn. Ra hết cua có thể tăng ga lên lại 15 km/h và tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn bên trên.
Kết luận:
Khi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cũng như kiến thức và hành trang thì chuyện phượt bằng xe tay ga sẽ không còn là nỗi sợ mà nó sẽ biến thành trải nghiệm đầy thú vị và kích thích. Chúc anh em có chuyến đi vui vẻ và an toàn!